Vũ trụ điện ảnh là gì? Có bao nhiêu vũ trụ đang ra mắt và vì sao chúng lại là những cỗ máy truyền thông khủng khiếp?

Vũ trụ điện ảnh là gì? Có bao nhiêu vũ trụ đang ra mắt và vì sao chúng lại là những cỗ máy truyền thông khủng khiếp?

Không chỉ có MCU, rất nhiều các thực tại vũ trụ điện ảnh đang tồn tại trong Hollywood và sức ảnh hưởng của chúng đến ngành công nghiệp điện ảnh là không thể kháng cự nổi!

Dự án mới
29/04 2019

Với 22 bộ phim được ra mắt, đến nay MCU được coi là vũ trụ điện ảnh thành công nhất mọi thời đại với hơn 19 tỷ đô mang về. Doanh thu trung bình của mỗi tác phẩm vượt ngưỡng 800 triệu đô mỗi tập trong đó Avengers Infinity War hiện là tác phẩm có doanh thu tốt nhất với 2.048 tỷ đô. Thành tích sắp tới của Endgame có thể nâng tầm thêm những con số kia tuy nhiên hiện giờ, những kỷ lục mà MCU đạt được khiến thế giới buộc phải nhìn lại định nghĩa về vũ trụ điện ảnh. 

Tại sao nó khiến các hãng phim phải thay đổi chiến lược phát hành của mình và sức ảnh hưởng khủng khiếp của nó tới truyền thông to lớn như thế nào.

Vũ trụ điện ảnh là gì?

Trước đây, người ta thường dùng thuật ngữ như cameo hay easter egg để chỉ những sự kết hợp thú vị của những diễn viên không có trong mạch phim gốc được đạo diễn/ nhà sản xuất cài cắm vào trong tác phẩm của mình.

Ở thời điểm ban đầu, Disney là ông lớn thường xuyên sử dụng chiêu thức này để làm tác phẩm của họ trở lên thú vị hơn. Các easter egg được rải rác khắp nơi trong nhiều bộ phim. Sở dĩ hãng có thể làm được điều này là bởi, hầu hết các tác phẩm do hãng phát hành hay sản xuất đều được giám sát kỹ càng từ khâu lên ý tưởng đến lúc ra mắt. Sự nhuần nhuyễn xuyên suốt không chỉ tạo nên thị yếu khán giả mà còn thể hiện rõ ràng phong cách rất khác biệt của Disney.

Sau này, khi nghiêm túc phát triển các dự án siêu anh hùng, hãng đã tiếp tục phát triển thêm các yếu tố kể trên khiến nó rõ ràng hơn. Thuật ngữ crossover ra đời và trở lên phổ biến cho khái niệm vũ trụ chia sẻ giả tưởng (fictional shared universe). Thuật ngữ trên miêu tả việc các vai diễn của một bộ phim khác được tham gia vào tác phẩm với vai trò và lai lịch không thay đổi. Từ đó, các nhân vật được xuất hiện liên tục trong các bộ phim khác nhau dù họ có thể không phải vai chính hoặc không thuộc series nguyên gốc của mình đi chăng nữa.

Marvel là hãng truyện tranh nổi tiếng toàn cầu. Có một điều thú vị rằng vũ trụ các nhân vật trong truyện tranh của hãng đã xuất hiện từ những ngày đầu nhưng tại sao chỉ khi lên phim người ta mới cảm thấy phấn khích nhiều đến vậy? Câu trả lời nằm ở chìa khoá "diễn viên".

Hãy thử hình dung, một diễn viên hạng A ở Hollywood với mức castxe cả triệu đô mỗi phút xuất hiện lại chịu góp mặt trong vai trò rất phụ ở một tác phẩm khác. Chưa nói đến vấn đề kinh phí bỏ ra, danh tiếng của tác phẩm kia đã đủ để họ hy sinh đến vậy hay chưa chính là thứ cần cân nhắc rất kỹ càng. Tuy nhiên, các vũ trụ điện ảnh giải quyết bài toán này ngay từ những ngày đầu bằng cách gán tác phẩm đó với cả một series. Còn về phía khán giả, họ chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng hào hứng khi được gặp lại thần tượng của mình thường xuyên hơn trên màn ảnh rộng.

Tất nhiên không phải vũ trụ nào cũng hoạt động theo kiểu crossover như vậy. Lúc này rõ ràng, yếu tố quyết định thành bại của thương hiệu không chỉ là chất liệu mà còn đến từ chính bản thân tác phẩm nữa.

MCU hiện vẫn là vũ trụ thành công nhất về doanh thu chiếu rạp

Thời kỳ trước, các nhân vật nổi tiếng do các ngôi sao hàng đầu đảm nhiệm hầu hết không chịu xuất hiện lại trong các tác phẩm khác mà họ không phải là vai chính. Thêm vào đó, để tạo ra tính cách và chất diễn cho một nhân vật có tầm ảnh hưởng, điều đó không chỉ nằm ở kịch bản hay vai diễn mà còn có một yếu tố tiên quyết chính là đạo diễn - người thổi hồn cho các nhân vật.

Có rất nhiều các vũ trụ được thiết lập vài năm trở lại đây nhưng hầu hết trong số chúng chỉ sử dụng một yếu tố, một thời điểm hoặc chất liệu để gắn kết. Nhưng riêng với MCU, để tạo nên vũ trụ hoàn hảo, các nhân vật với tính cách riêng biệt được đưa nguyên si từ tác phẩm này sang tác phẩm khác khiến người xem vẫn có thể yêu thích và hâm mộ.

Tuy nhiên, điều khó khăn đặt ra thường là các đạo diễn của những tác phẩm khác nhau có chịu sử dụng phong cách của người khác vào phim của mình hay không? Câu trả lời thường sẽ là "không"!

Thử nhìn lại các tập Avengers, hai anh em đạo diễn Russo được thế giới khen ngợi về cách làm phim mới lạ, khả năng PR sản phẩm tuyệt vời nhưng nếu tự hỏi thì phong cách của họ là gì? Đó chính là sự đánh đổi cái cá nhân để tạo nên thương hiệu thành công mà họ phải chấp nhận để có được trái ngọt.

Câu chuyện loay hoay đi tìm chất riêng và thành công cho DCEU nằm ở chìa khoá này. Có những tác phẩm riêng lẻ rất thành công như Batman, Wonder Woman, Aquaman hay Men of Steel nhưng khi kết hợp, đó lại không phải là những bộ phim tốt. Ở Batman vs Superman, mặc dù kết cấu tác phẩm tốt và kịch bản mới lạ, dàn diễn viên tài năng cùng nội dung vượt trội nhưng phim bị đánh giá trái chiều.

Câu chuyện ở đây rằng phong cách cá nhân của đạo diễn Zack Snyder không thể đồng nhất với hình tượng Batman do Christopher Nolan gầy dựng từ trước nên dù vẫn là người dơi và siêu nhân đấy nhưng vũ trụ mới bị cho là rời rạc, gượng gạo và thiếu tính liên kết. Sau đó đến Justice League, phim thậm chí còn bị chê bai nhiều hơn, doanh thu phần phim còn thấp hơn cả Batman vs Superman dù sở hữu nhiều tên tuổi hàng đầu. Snyder đã không thể dung hoà thêm phong cách của Patty Jenkins khiến Wonder Woman trở lên thiếu tính cách, fan của cô đã phản đối và doanh thu bị ảnh hưởng trực tiếp.

Các vũ trụ điện ảnh khác

Năm 2016, Warner Bros giới thiệu dự án tham vọng mang bộ truyện Harry Potter sống lại một lần nữa trên màn ảnh rộng. Ở thời điểm đó, hãng khẳng định phần Fantastic Beast mới không hề liên quan đến loạt truyện gốc mà chỉ sử dụng chất liệu từ thế giới pháp thuật của Harry Potter.

Những fan trung thành của Harry Potter thể hiện rõ ràng sự yêu thích của họ khi phần phim lần đầu tiên của Fantastic Beast ra mắt. Phần phim mở ra nhiều lớp lang và được người hâm mộ (ngay cả những người chưa từng xem Harry Potter) đặt nhiều kỳ vọng. Phim mang về hơn 800 triệu đô-la Mỹ và hãng Warner Bros ngay lập tức thành lập vĩ trụ điện ảnh Wizarding World cùng biên kịch - tiểu thuyết gia J K Rowling.

Tuy nhiên, vì quá tham vọng, xây dựng vũ trụ đặt nhiều nền móng, phần thứ 2 ra mắt năm 2018 vừa qua khiến khán giả hững hờ và khó hiểu. Nhiều fan vẫn yêu thích nhưng buộc phải chấp nhận thực tế nội dung của phần phim chưa thực sự tốt như kỳ vọng. Rút cuộc, phim chỉ thu về hơn 600 triệu đô dù có sự xuất hiện của những nhân vật có trong loạt Harry Potter gốc.

Về mảng phim kinh dị, đến nay, loạt phim dựa trên thương hiệu The Conjuring là vũ trụ nổi tiếng và cũng thành công nhất. Không ngoài kỳ vọng, lần lượt các tác phần ăn theo như Annabelle, The Nun thu về doanh thu tốt vượt ngoài kỳ vọng ban đầu.

Năm nay, hãng tiếp tục phát triển hai dự án bao gồm 1 hậu truyện là Annabelle: Come Home và 1 tập mở rộng là The Curse of La Llorona. Trong đó Annabelle Come Home được kỳ vọng vượt qua mốc doanh thu của tập đầu tiên ra mắt hồi năm 2016 với 306 triệu đô.

Warner Bros gần đây cũng đang phát triển Vũ trụ Quái Vật (MonsterVerse) do Toho Nhật Bản sáng tạo với các tập mở màn dựa trên hiện tượng văn hóa đại chúng - Godzilla. Hai tập đầu tiên đã ra mắt gồm Godzilla (2014) và Kong: Skull Island (2017). Dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên hãng vẫn chưa từ bỏ tham vọng. Năm nay, tập tiếp theo Godzilla: King of the Monsters đang thu hút quan tâm lớn từ khán giả qua những trailer vừa qua, kỳ vọng sẽ làm nên đột phá cho vũ trụ đặc biệt này.

Vũ trụ Đen Tối (Dark Universe) của Universal ra mắt với phần đầu tiên với tập Dracula The Untold vào năm 2014. Tuy bị chê bai thậm tệ và thành tích bết bát nhưng sau đó, đây chính là nguồn cơn để hãng quyết tâm phát triển một vũ trụ mới cho riêng mình. Dẫu vậy, dù rất cố gắng, nhưng sau tập Mummy vừa qua có sự tham gia của nam tài tử Tom Cruise, hãng vẫn chưa thể khẳng định được vị thế của mình trong cuộc cách mạng làm phim này. Nhiều nguồn tin còn cho rằng, Universal Pictures đang đứng trước quyết định hủy bỏ Dark Universe.

20th Century Fox cũng bắt đầu làm lại các bộ phim về 2 thương hiệu quái vật ngoài hành tinh nổi tiếng: AlienPredator. Tuy nhiên, dự án có vẻ đang đi chệch hướng rất xa khỏi tư tưởng ban đầu. Năm 2012, Prometheus ra mắt khởi động dự án, với 400 triệu đô mang về để tạm hoà vốn, mất 5 năm sau, hãng mới ra mắt Alien: Covenant. Dù được gọi là thoả hiệp để hợp thị hiếu hơn, phim không thể thành công do thiếu hụt lượng fan trung thành. Năm ngoái, tác phẩm The Predator bị cho là thảm họa, khiến hãng thua lỗ nặng nề. Năm nay, sau khi bán mình cho Disney, nhiều người tin rằng vũ trụ mới này sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi kế hoạch, ít nhất là cho đến khi công ty mẹ này tìm được hướng đi mới hơn.

Ngoài ra, dù không trực tiếp xác nhận thành lập vũ trụ điện ảnh, tuy nhiên gần đây hướng đi mới cho các dự án Star War của Disney/ Lucas Films cũng được nhiều người ví như một sử thi điện ảnh hùng tráng. Hãng đã tiến hành phát triển mỗi năm ít nhất 1 tập phim nhằm mở rộng vũ trụ được người Mỹ yêu thích nhất từ trước đến nay.

Các nhân vật trong thế giới hoạt họa của Disney dù ít dù nhiều cũng liên tục xuất hiện đan chéo vào các tác phẩm của nhau. Gần đây nhất, hãng quyết tâm chơi lớn khi đưa toàn bộ dàn công chúa Disney tụ hội tại một nơi mà hãng đang phát triển có tên Oh My Disney. Thương hiệu Disney Pricess cũng thường được nhiều người hâm mộ gọi là Vũ trụ hư cấu lâu đời nhất của hãng.

Vũ trụ điện ảnh hay Vũ trụ chia sẻ giả tưởng được coi là phương thức làm phim mới ở Hollywood thời gian gần đây. Dù những bộ phim đầu tiên được thực hiện theo phương thức này xuất hiện từ rất sớm nhưng mãi đến khi MCU đạt được thành công vang dội, người ta mới thực sự nghiêm túc nhìn lại khái niệm này.

Sau thành công của Captain Marvel đầu năm nay cũng những thông tin đặt vé sớm của Endgame bất chấp nội dung gặp ý kiến trái chiều, thương hiệu MCU cho thấy sực nặng bao trùm nên toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh ở Hollywood.

Bất chấp nội dung đơn giản và nhạt nhòa, bom tấn đầu tiên có sự góp mặt của ngôi sao Brie Larson vẫn được fan hâm mô xếp hàng dài mua vé, kiếm về doanh thu hơn 1 tỷ đô-la Mỹ. Trường hợp mới đây nhất, Endgame nhận lượng đặt vé sớm khổng lồ khi hãng phát hành chỉ tung ra 3 bản trailer mà theo nhiều tờ báo gọi là có cũng như không.

Rõ ràng, nhờ sự hậu thuẫn của truyền thông và cái mà chúng ta gọi là Vũ trụ điện ảnh, khán giả bỗng chốc yêu thích bộ phim một cách lạ lùng bởi nó được giới thiệu như là cái kết không chỉ hoành tráng mà còn đầy xúc động cho chặng đường gây dựng suốt 10 năm của Marvel Studios. Fan điện ảnh nào cưỡng từ được thông điệp trên?

Còn nhớ 10 năm trước, khi Avatar ra mắt vào cuối năm 2009, xu hướng làm phim 3D trở thành một trào lưu khiến các hãng phải chi bội tiền cho công nghệ này nâng giá thành sản xuất các bộ phim bom tấn cao gấp hàng trăm triệu đô. Còn giờ, đó là cuộc chiến của nội dung được đầu tư một cách dài hạn và bài bản. Về phía khán giả, hãy tiếp tục dành thật nhiều thời gian và cả tiền bạc để không bỏ lỡ bất cứ loạt phim truyền hình cao cấp nào mà Hollywood đang đầu tư phát triển.

Vui lòng chờ! Đang tải...
Vui lòng chờ! Đang tải...
Từ năm 2018
Phiên bản 23.05
Theo dõi Cinematone trên:
Hotline: 0927 20 12 18
Thiết kế và phát triển bởi Christ Design
Vận hành bởi Cinematone.info
Nội dung đang được tải...