Cuộc đua trên màn ảnh rộng năm 2022 của thị trường phim Việt Nam không có nhiều cái tên nổi bật. Hầu hết các dự án phát hành trong năm nay đều gặp phải ít nhiều chỉ trích và không mấy làm hài lòng người hâm mộ. Trong đó, dịp cuối năm chào đón một tân binh có tên "Hạnh Phúc Máu".
Đây là tác phẩm kinh dị - tâm lý do DST Entertainment của Dược Sĩ Tiến đầu tư sản phẩm. Bộ phim là màn chào sân của anh trong vai trò diễn viên và cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của đạo diễn trẻ 9x Nguyễn Chung, người trước đó từng được biết đến với vai trò chỉ đạo một số video ca nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Hạnh Phúc Máu mở màn với câu chuyện về gia tộc Vương Đình, nơi những con người tại đây tôn sùng một đức tin mà họ gọi là "Ơn trên". Tuy nhiên vì chưa đẻ được con trai để nối dõi gia nghiệp mà bà Phương (NSND Kim Xuân) chấp nhận thực hiện những nghi thức kỳ quái để đạt được mong ước.
Dẫu vậy, những đứa trẻ sinh ra từ Vĩnh An (Dược Sĩ Tiến) đến Thái Phong (Phạm Huỳnh Hữu Tài) hay Kim Thiện (Trang Trần) và Vọng Nam (Tuyết Quyên) đều nằm trong một vòng xoáy oan nghiệt nơi tất cả đều phải chịu đựng cuộc sống đầy đau khổ và ám ảnh.
Cùng lúc đó, Bà Phương vừa phải một mình gánh vác cơ ngơi nhà chồng vừa phải đối mặt với những điều tội lỗi mà bà đã từng gây ra trong quá khứ.
Trước hết, Hạnh Phúc Máu là dự án phim Việt hiếm hoi trở lại rạp chiếu trong thời điểm thiếu hụt những tác phẩm cả trong nước lẫn quốc tế đủ sức lôi kéo khán giả như hiện nay. Phim thu hút được sự quan tâm khi có chiến lược truyền thông rầm rộ cùng sự đầu tư kinh phí lớn trong việc trùng tu bối cảnh cũng như thực hiện các buổi ra mắt quy mô, tầm cỡ.
Ngay từ đầu, với những teaser và trailer ra mắt, phim hướng người xem đến thể loại kinh dị - giật gân khi nhấn nhá hàng loạt những phân cảnh hù dọa bất ngờ, đáng sợ. Tuy nhiên trên thực tế, tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Chung sau đó lại chuyển hướng sang thể loại trinh thám, điều tra pha lẫn một số yếu tố kịch tính và hành động ở phần cuối.
Trong khi những phân đoạn kinh dị phần nào đạt được hiệu ứng tốt, đáng ghi nhận trong phạm vi cho phép thì những tình tiết phá án lại khá lạc lõng, phá hoại tính liền mạch cũng như xây dựng tâm lý của nhân vật chính Vĩnh An.
Điều đáng nói nhất ở Hạnh Phúc Máu là việc kịch bản cố gắng tạo ra những cú pilot twist bất ngờ cho người xem về kẻ chủ mưu thực sự đứng đằng sau tất cả những cái chết bí ẩn trong gia tộc. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng thủ pháp này cùng lối dựng phi tuyến tính cũng như không thực sự giải thích và minh bạch đoạn kết đã khiến cho tác phẩm trở nên khá rời rạc thậm chí thiếu thuyết phục người xem.
Sự đáng tiếc nhất trong nội dung của Hạnh Phúc Máu là việc bộ phim tạo ra một lỗ hổng rất lớn trong câu hỏi rằng từ khi nào nhân vật Vĩnh An biết được sự thật và người Quản gia (Kim Huyền) bằng cách nào thuyết phục anh tin vào một câu chuyện vốn rất khó chấp nhận như vậy. Đây là mấu chốt của tất cả mọi mâu thuẫn và cao trào của tác phẩm cũng là cơ hội để Dược Sĩ Tiến thể hiện diễn xuất dẫu vậy, kịch bản hoàn toàn bỏ qua điều này khiến cho mọi thứ khá rối rắm và mơ hồ.
Hàng loạt những câu chuyện phi lý xuất hiện xuyên suốt, những biểu cảm nhân vật, hành động thực hiện không ăn nhập với tuyến đường dây chính. Các dựng chậm chạp cùng việc chuyển đổi khung hình vội vàng khiến cho mạch phim thiếu ổn định và đôi lúc thách thức người xem bởi những câu thoại khá vô hồn và thiếu thực tế.
Toàn bộ dàn diễn viên trong bộ phim (ngoại trừ NSND Kim Xuân) đều gặp vấn đề về cách đọc thoại. Phần lời viết cho các nhân vật cũng mang nhiều tính sân khấu nhiều hơn là điện ảnh.
Đạo diễn rất chăm chút trong việc nắm bắt cảnh quay tuy nhiên điều này trở thành phản tác dụng khi mọi hành động, cử chỉ của các diễn viên bị sắp đặt quá mức và dẫn dắt khá nhiều, đánh mất đi sự chủ động trong việc diễn xuất của các diễn viên. Cùng với đó, vấn đề về âm thanh cũng là lỗi đáng tiếc khi nhiều phân đoại thoại không rõ lời, đại từ yếu với các nhân vật của Dược Sĩ Tiến, Trang Trần hay Trác Thúy Miêu...
Diễn xuất của Hữu Tài có phần tiến bộ hơn rất nhiều so với những tác phẩm trước đây anh tham gia tuy nhiên chừng đó thôi là chưa đủ. Vai diễn đầy sức nặng Thái Phong thực tế chưa thuyết phục với những điệu cười khá gượng gạo và ánh mắt, gương mặt chưa thể toát lên sự đáng thương - thứ vốn rất cần để khán giả đồng cảm với số phận của nhân vật này.
Nhìn chung, Hạnh Phúc Máu chỉ dừng lại ở một dự án trung bình với phần hình ảnh được đầu đư chăm chút, tỉ mỉ, đẹp mắt nhưng kịch bản chưa thực sự thuyết phục, thiếu thống nhất. Phần lời thoại và diễn xuất mang nhiều tính sân khấu, sắp đặt và không tự nhiên. Lối dựng chậm chạp cùng những mảng màu đỏ nhức mắt xuất hiện nhiều cũng là điểm chưa tốt ở bộ phim này.
Cinematone đánh giá 5 trên 10 điểm cho Hạnh Phúc Máu. Độc giả quan tâm có thể tham gia chấm điểm cùng chúng tôi tại đây.