Mặc dù còn gần một tháng nữa năm 2022 mới chính thức kết thúc cũng như hai tựa phim Đảo Độc Đắc và Thanh Sói: Cúc Dại Trong Đêm vẫn chưa ra mắt, dẫu vậy giờ đã là thời điểm thích hợp để cùng nhau nhìn lại những hay - dở của ngành công nghiệp sản xuất phim điện ảnh Việt Nam trong năm 2022 vừa qua.
Theo thống kê của Cinematone, với 34 bộ phim đã ra mắt (phim Bình Minh Đỏ không được phát hành rộng rãi) trên toàn quốc trong năm 2022 vừa qua, tỉ lệ các phim đạt chất lượng tốt về kịch bản chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong đó, Đêm Tối Rực Rỡ và Tro Tàn Rực Rỡ có thể đánh giá là những bộ phim có tính điện ảnh tốt nhất cho đến hiện nay của nền công nghiệp sản xuất phim nước nhà. Cả hai tác phẩm đều có phần cốt truyện sâu sắc, đề cao tinh thần nhân văn cũng như lột tả phần nào thực trạng cuộc sống với nhiều hoàn cảnh éo le, đẫm nước mắt.
Chìa Khóa Trăm Tỷ, Bẫy Ngọt Ngào, Nghề Siêu Dễ, Maika: Cô Bé Đến Từ Hành Tinh Khác, Mười: Lời Nguyền Trở Lại, Hạnh Phúc Máu, Em và Trịnh, Cô Gái Từ Quá Khứ được tạm xếp vào danh sách những tác phẩm có chất lượng trung bình, đáp ứng phần nào thị hiếu của người hâm mộ khi sở hữu phần giải trí vừa phải cùng chất lượng chế tác có phần đảm bảo.
Trong khi đó, hơn 20 dự án khác, tương đương gần 60% các bộ phim ra mắt trong năm 2022 bị gắn mác thảm họa hoặc có chất lượng dưới mức trung bình. Những tựa phim (bao gồm cả sản xuất trong nước lẫn hợp tác quốc tế) đều nhận về sự chỉ trích lớn từ khán giả đại chúng.
Cù Lao Xác Sống, Virus Cuồng Loạn, Duyên Ma, Kẻ Đào Mồ, Kẻ Thứ Ba, 578 Phát Đạn của Kẻ Điên, Qua Bển Làm Chi, Ê Ông Già, yêu ha!, Mưu Kế Thượng Lưu... hay gần đây nhất là "hiện tượng" Huyền Sử Vua Đinh đã khiến cho tổng thể bức tranh điện ảnh Việt Nam trở nên khá bết bát, không chỉ về mặt thành tích bán vé mà còn trên phương diện nghệ thuật và phê bình.
Chưa bao giờ cụm từ "thảm họa" được sử dụng nhiều đến như thế khi nói về các bộ phim Việt Nam ra mắt năm 2022. Và theo nhận định của đạo diễn Nguyễn Thanh Hòa trên Vietnamplus, năm vừa qua được coi như một "năm xả kho" của "phim yếu, vốn từng không được chọn chiếu trước đây nhưng nay lại được phát hành" sau thời gian dài bị đình trệ do dịch bệnh.
Câu chuyện về tính biện minh cho thất bại cũng là một trong những điều đáng chú ý khi các đạo diễn của những bộ phim không đạt thành công tại phòng vé viện dẫn các lý do mang tính khách quan bất chấp phần nội dung và chất lượng của tác phẩm bị lên án.
Trong đó, Lương Đình Dũng (578: Phát Đạn của Kẻ Điên) từng chia sẻ trên Zing News rằng bộ phim do anh đạo diễn bị "một nhóm người" chơi xấu ngay cả trước khi chính thức ra rạp. Cùng với đó, việc "ra mắt vào đúng mùa SEA Game 31 diễn ra rồi thời tiết mưa dầm dề kéo dài" cũng là nguyên nhân ảnh hướng đến doanh thu.
Anh còn tự tin khẳng định rằng, một tác phẩm như 578 thất bại tại phòng vé hoàn toàn không phải lỗi của bộ phim mà đến từ một trong hai yếu tố, hoặc là "578: Phát đạn của kẻ điên được làm theo phong cách khác lạ" hoặc là "nhà sản xuất phim đã không truyền đi thông điệp đầy đủ cho tác phẩm trước ngày ra rạp".
Mới đây, trường hợp của Huyền Sử Vưa Đinh, đạo diễn và nhà sản xuất tác phẩm cũng có những động thái tương tự nhằm bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Ngoài việc cho rằng tác phẩm có đề tài lịch sử kén người xem, đơn vị sản xuất bộ phim cũng lên tiếng khi tác phẩm không nhận được sự ủng hộ của hệ thống rạp chiếu.
Chia sẻ với Zing, đạo diễn Anthony Võ cho biết:
Thời điểm này, nhà nhà, người người đều tập trung coi World Cup. Khán giả cũng ít mua vé ra rạp xem phim. Hơn nữa, ngay từ đầu, hệ thống rạp phim đã không hỗ trợ. Họ sắp lịch chiếu cho phim chỉ một ngày một suất chiếu vào 8h hoặc 23h. Những khán giả yêu lịch sử và muốn ra rạp xem phim đều không có cơ hội để thưởng thức. Tôi buồn vì hệ thống rạp chiếu đối xử với phim Việt như vậy
Thất bại của những tác phẩm kể trên rõ ràng là một trong những bài học rất lớn cho các nhà làm phim Việt Nam sau này. Cần nhìn nhận thực tế rằng, nó không chỉ xuất phát từ những yếu tố khách quan như sự ủng hộ, đề tài, World Cup hay Sea Games... mà chất lượng sản xuất yếu kém, kịch bản vụng về mới chính là yếu tố tiên quyết tạo nên những thảm họa như trong năm vừa qua.
Ngoài những điểm tối kể trên, năm 2022 cũng chứng kiến một bức tranh nhiều màu sắc, dù đa phần đều không đạt được thành công như đã đề cập trước đó. Dẫu vậy, ngoài thể loại hài, tình cảm vốn thống lĩnh thị trường phim trong nước như các năm trước, năm nay nhiều dự án với đề tài và phong cách mới lạ đã được ra đời.
Trong đó, kinh dị là một trong những lựa chọn được các nhà làm phim yêu thích khi nhiều dự án nhận được sự quan tâm lớn như sự trở lại của thương hiệu phim từng được đánh giá cao trước đây với Mười: Lời Nguyền Trở Lại hay Bóng Đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt, Chuyện Ma Gần Nhà của Trần Hữu Tấn.
Dù chất lượng vẫn cần phải cân nhắc tuy nhiên cách dựng phim được cải thiện cùng kỹ thuật hóa trang có nhiều tiến bộ đã giúp nâng tầm thể loại phim này tại Việt Nam.
Phim đề tài Zombie là một trong những điểm lạ của điện ảnh nước nhà với hai dự án Cù Lao Xác Sống và Virus Cuồng Loạn. Dù cả hai đều bị gắn mác thảm họa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng tuy nhiên nó mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất khi sự quan tâm của người hâm mộ đối với thể loại này vẫn vô cùng lớn. Việc chưa có kinh nghiệm cũng như sự đầu tư chưa xứng tầm, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố hài nhảm, câu kéo khán giả... hy vọng sẽ không còn là trở ngại cho những dự án chung đề tài tiếp theo.
Ngoài ra, màn chào sân của nhiều đạo diễn trẻ, lần đầu đến với điện ảnh như Đinh Hà Uyên Thư (với Bẫy Ngọt Ngào), Hằng Trịnh (Mười: Lời Nguyền Trở Lại) hay Nguyễn Chung (với Hạnh Phúc Máu) cũng cho thấy sự tiến bộ trong thẩm mỹ làm phim. Các tác phẩm đều có phần nhìn tương đối tốt với cách góc quay chăm chút, hiện đại, tập trung vào năng lực diễn xuất của diễn viên. Đây được xem là cơ hội giúp cho điện ảnh nước nhà có thêm sự phát triển và đổi mới trong thời gian tới.