Bài viết Kinh doanh Dự luật mới của Hoa Kỳ có thể thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp chiếu phim

Dự luật mới của Hoa Kỳ có thể thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp chiếu phim

Thượng nghị sĩ tại Connecticut (Hoa Kỳ) đề xuất một dự luật yêu cầu các rạp chiếu phim công bố riêng thời gian quảng cáo và thời gian bắt đầu chiếu phim chính thức, nhằm mang lại sự minh bạch và lựa chọn cho khán giả. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến doanh thu nhà phân phối, đặc biệt là các rạp độc lập vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu này hiện nay.

14/02/2025 10:59 (GMT+7)

Một dự luật được đánh giá là mang tính cách mạng do Thượng nghị sĩ bang Connecticut (Hoa Kỳ), Martin Looney, đề xuất gần đây có thể thay đổi cách thức hoạt động của các rạp chiếu phim không chỉ ở quốc gia này.

Theo truyền thông, dự luật yêu cầu các cụm rạp cần công bố riêng biệt thời gian bắt đầu phần trình chiếu trước (pre-show) và thời gian bắt đầu chính thức của bộ phim.

Dự luật này, được đưa ra vào ngày 21 tháng 1 năm 2025, nhằm mục đích trao quyền kiểm soát nhiều hơn cho khán giả, cho phép họ bỏ qua phần quảng cáo trước các suất chiếu nếu muốn.

Mô hình hoạt động hiện nay của các rạp chiếu phim

Vận hành một rạp chiếu phim hiện đại liên quan đến nhiều chi phí khổng lồ mà hầu hết khán giả không bao giờ nghĩ tới.

Máy chiếu kỹ thuật số có thể có giá lên tới 150.000 USD (khoảng 4 tỷ đồng) cho mỗi màn hình, trong khi việc bảo trì thường xuyên, bao gồm thay bóng đèn và hỗ trợ kỹ thuật, tốn thêm hàng nghìn USD mỗi tháng. Một cụm rạp trung bình có từ 3 đến 5 phòng chiếu, như vậy chi phí ban đầu bỏ ra tiêu tốn của nhà đầu tư lên đến hàng triệu USD.

Việc thu hồi lợi nhuận trong khoảng thời gian ngắn là điều không thể, đặc biệt nếu chỉ kinh doanh phim ảnh qua hình thức bán vé (vốn chỉ được giữ lại từ 40 - 60% giá bán). Kết hợp thêm các chi phí mặt bằng đắt đỏ (do diện tích lớn và thường ở vị trí trung tâm) cũng như nhân viên phục vụ, nhân viên vận hành...

Bên trong một rạp chiếu của AMC Theaters. Ảnh: CNN

Bên trong một rạp chiếu của AMC Theaters. Ảnh: CNN

Một số rạp chiếu lớn hơn thậm chí phải tự chi trả chi phí mua bản quyền, phiên dịch, xin cấp phép phim, đồng thời thu thêm phần trăm khi bán lại quyền trình chiếu cho các nhà phân phối khác tại địa phương.

Như vậy, ngoài việc tăng cường các sản phẩm ăn theo khác như bỏng, nước, đồ ăn vặt cũng như phụ kiện nhượng quyền, doanh thu từ bán slot quảng cáo trong phần pre-show giúp bù đắp phần lớn các chi phí này, đặc biệt là với các rạp có giá vé thấp (đồng nghĩa với biên lợi nhuận mỏng hơn).

Lo ngại về tác động đến mô hình kinh doanh

Trước đó, theo Comicbook, thực tế các chuỗi rạp lớn như AMC đã cung cấp thông tin chung về độ dài của phần pre-show. Dẫu vậy, nếu dự luật được chính thức thông qua nó sẽ bắt buộc tất cả các rạp phải công bố thời gian cụ thể chính xác, thứ có thể làm thay đổi mô hình truyền thống vốn tồn tại hàng thập kỷ.

Động thái chưa từng có tiền lệ này diễn ra trong bối cảnh các rạp chiếu phim đang dần phục hồi sau những thách thức liên quan đến đại dịch, với ước tính hơn 3.000 phòng chiếu trên toàn Hoa Kỳ đã đóng cửa kể từ năm 2020. Các hệ thống còn lại vì thế phụ thuộc nhiều hơn vào các hoạt động kinh doanh phụ trợ và quảng cáo là yếu tố "sống còn".

Hiện nay, các phần trình chiếu trước thường kéo dài từ 15 đến 30 phút, bao gồm quảng cáo truyền thống, trailer phim và các tài liệu được tài trợ, quy định khác. Các nhà điều hành rạp chiếu phim cho rằng khoảng thời gian này không chỉ tạo ra doanh thu mà còn giúp xây dựng sự mong đợi cho các bộ phim sắp ra mắt và cho phép khán giả có thời gian ổn định chỗ ngồi.

Tuy nhiên, đối với nhiều khán giả, phần trình chiếu trước kéo dài đã trở thành một điểm gây khó chịu, đặc biệt khi xem xét thêm các chi phí như thuê người trông trẻ hoặc đặt bàn ăn tối, khiến việc tuân thủ thời gian chính xác trở nên quan trọng hơn.

Các chủ rạp chiếu phim độc lập tại Hoa Kỳ cũng bày tỏ lo ngại về tác động tiềm tàng của dự luật đối với mô hình kinh doanh của họ. Nhiều rạp nhỏ hoạt động với biên lợi nhuận thấp và phụ thuộc nhiều vào doanh thu quảng cáo để duy trì.

Yêu cầu minh bạch thời gian có thể khiến các đối tác quảng cáo e ngại, đe dọa nguồn thu quan trọng này, đặc biệt khi các rạp nhỏ vốn đang gặp khó khăn trong cạnh tranh với các chuỗi rạp lớn hơn và dịch vụ phát trực tuyến.

Mô hình phát hành truyền thống vốn kết hợp quảng cáo và trailer từ lâu đã trở thành một bước đệm tài chính quan trọng với hầu hết các rạp phim trên toàn cầu, đồng thời phục vụ mục đích kép là quảng bá các bộ phim sắp ra mắt.

Cùng với đó, những thách thức hiện tại của ngành công nghiệp này không chỉ dừng lại ở chi phí vận hành. Các rạp chiếu phim đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các dịch vụ phát trực tuyến, vốn mang lại sự hài lòng tức thì mà không có phần pre-show.

Tuy nhiên, các nhà điều hành rạp chiếu phim cho rằng trải nghiệm xem phim tại rạp, bao gồm cả khoảng thời gian chờ đợi trước khi phim bắt đầu, tạo ra một bầu không khí cộng đồng độc đáo mà dịch vụ phát trực tuyến không thể sao chép. Dù vậy, trong thập kỷ qua, số lượng quảng cáo không liên quan đến phim trong phần pre-show đã trở nên quá tải đối với khán giả, khiến dự luật này được cho là sẽ trở nên hợp lý.




Đọc thêm bài viết khác

Nội dung đang được tải...