Bộ phim hoạt hình The Monkey King do Châu Tinh Trì sản xuất mang đến một góc nhìn mới lạ, gắn những điển tích dân gian với câu chuyện thời đại. Phim sử dụng phần tạo hình xấu xí đến mắc cười của các nhân vật để truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, nhân văn.
22/08/2023 17:16 (GMT+7)
The Money King là bộ phim hoạt hình mới ra mắt trên nền tảng trực tuyến của Netflix. Phim như tên gọi, là một câu chuyện xoay quanh Hầu Vương Tôn Ngộ Không, một nhân vật thần thoại nổi tiếng hàng đầu của Trung Quốc và hành trình giác ngộ, chấp nhận bản chất để tìm ra lối thoát và giá trị cho bản thân mình.
Tôn Ngộ Không là một trong những hình tượng đại chúng vốn rất nổi tiếng không chỉ với người dân Trung Quốc mà còn có sức ảnh hưởng sâu rộng tới cả các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam. Câu chuyện về con khỉ ngỗ nghịch, sinh ra từ viên đá thần, đánh cắp bảo vật của Long Vương, đại náo thiên cung, gạch sổ Nam Tào... đã được hàng triệu trẻ em và người lớn thưởng thức cũng như nằm lòng.
Trong phiên bản hoạt hình điện ảnh mới của Hồng Kông do Châu Tinh Trì chịu trách nhiệm sản xuất, Anthony Stacchi đạo diễn lần này, về cơ bản vẫn bám sát những tình tiết kể trên tuy nhiên lại được thổi vào một chất liệu hài hước, hiện đại hơn đôi phần.
Ngoài thế mạnh sản xuất các bộ phim hài dạng châm biếm thực tiễn xã hội kết hợp với tạo hình nhân vật có phần "thái quá", thậm chí hơi "làm lố" của Châu Tinh Trì, The Money King còn thu hút nhờ kịch bản chắt lọc, gọn gàng, triển khai tiết tấu gấp gáp, tránh làm loãng bộ phim. Người xem sẽ không phải chờ đợi những đoạn nghỉ với những phần thoại dài dòng hay xáo rỗng mà liên tục được đưa đến bối cảnh, câu chuyện và cao trào mới.
Phim rõ ràng đề cao nhiều chủ đề trong đó nổi bật nhất vẫn là quan điểm về sự định kiến cũng như vai trò giới trong xã hội. Nhân vật Hầu Vương kiêu ngạo, hiếu thắng muốn khẳng định mình bằng mọi giá nhưng thực tế lại không giống như những gì anh tưởng tượng. Xã hội trong bộ phim lột tả là một đơn vị có nhiều nhiễu nhương, nhiều giai cấp với những nhân vật thiếu sự thấu hiểu, cảm thông.
Một vài trường đoạn trong phim cũng cho thấy sự đầu tư vượt trội. Khung cảnh Thiên đình đẹp mắt, nhẹ nhàng dù có phần đơn điệu, bên cạnh Âm phủ đông đúc và phức tạp hơn, phù hợp với tính chất của mỗi địa phận. The Monkey King sở hữu phần chuyển đổi mượt mà với nhiều bối cảnh khác nhau, không nhàm chán hay lặp lại.
Khen là thế tuy nhiên vẫn cần có những điểm mà Hầu Vương xử lý chưa thực sự tốt. Cái nhìn về giới thần tiên trong bộ phim có phần cực đoan khi không một nhân vật nào thể hiện sự công bằng, nhân từ thường thấy. Góc đánh giá của Tôn Ngộ Không vì thế có hơi tiêu cực, đánh mất tinh thần lạc quan. Bên cạnh đó, hầu hết tạo hình đều chưa ưa nhìn với bảng màu đậm và các chi tiết gai góc. Vì thế, dự án sẽ khó tiếp cận đối tượng khán giả trẻ em.
Cũng cần nói thêm rằng, kịch bản của bộ phim đã loại bỏ đi một chi tiết đáng giá trong bản gốc. Đó là không để Tôn Ngộ Không gặp gỡ Bồ Đề Tổ Sư để học 72 phép thần thông mà chỉ cho thấy sức mạnh có được của Hầu Vương là do gậy Như Ý ban tặng. Điều này vừa khiến cho cuộc hành trình của nhân vật trở nên quá đơn độc vừa đánh mất nhiều bài học đáng giá mà Ngộ Không lẽ ra đã cảm thụ được trong quá trình tu luyện thần công. Dẫu vậy, với thời lượng quá ngắn của một bản phim điện ảnh, việc lược bớt cũng được xem như giải pháp tình thế, tạm chấp nhận được.
Nhìn chung, dự án The Money King mang đến cho người xem một câu chuyện hiện đại, hài hước với nhiều bài học nhân văn và châm biếm về thực trạng xã hội trên nền chất liệu quen thuộc, gắn liền với tuổi thơ của hàng triệu trẻ em. Phim có tiết tấu gấp gáp tuy nhiên tình tiết vẫn cô đọng, dễ theo dõi. Ngoại trừ phần hình ảnh chưa thực sự thân thiện với trẻ em cùng góc nhìn khá thiếu cởi mở, đây vẫn là dự án đáng xem với tinh thần giải trí tốt.
Cinematone đánh giá 7 trên 10 điểm cho The Money King (Hầu vương). Phim hiện đã được phát hành trên nền tảng dịch vụ trực tuyến của Netflix từ hôm 18 tháng 08 vừa qua. Bạn đọc đã thưởng thức tác phẩm có thể tham gia chấm điểm cùng Cinematone tại đây.