Là phim kinh dị tâm linh đầu tiên được phát hành trong năm 2025 và cũng là tác phẩm đầu tay được quảng bá mạnh mẽ của đạo diễn Hoàng Nam, Đèn Âm Hồn vốn nhận được nhiều kỳ vọng trước khi ra rạp, tuy nhiên phần thể hiện của dự án có thể sẽ không khỏi khiến nhiều người xem thất vọng.
Đèn Âm Hồn lấy bối cảnh Việt Nam xưa, kể câu chuyện xoay quanh Thương (Diễm Trang đóng), người con gái có chồng ra trận. Trong hoàn cảnh một mình nuôi con nhỏ ở quê nhà, Thương tìm cách xoa dịu nỗi nhớ bố của con trai (Lĩnh) bằng việc sử dụng những chiếc bóng trên tường để nói chuyện với cậu bé.
Một hôm, trên đường đi thăm mộ bà, Lĩnh nhặt được chiếc đèn kỳ lạ. Tối đó, Thương thắp đèn để cho Lĩnh chơi nhưng không ngờ từ đây, một loạt những sự kiện kỳ lạ bắt đầu xảy đến, đẩy tất cả vào vòng nguy hiểm khi một hồn ma từ trong quá khứ tìm cách, thông qua chiếc đèn, quay trở lại nhân gian.
Trước hết phải khẳng định, Đèn Âm Hồn có tiền đề câu chuyện thu hút khi sử dụng một tác phẩm văn học vốn quen thuộc với hầu hết khán giả Việt Nam làm chất liệu dẫn dắt chính. Phim cũng hưởng lợi từ những thành công trước đó của hàng loạt các dự án có chung chất liệu của điện ảnh nước nhà như Kẻ Ăn Hồn, Cám hay gần nhất là Linh Miêu.
Ra mắt vào thời điểm đầu năm cũng như cuộc đối đầu giữa hai tác phẩm thể loại hài - tình cảm là Bộ Tứ Báo Thủ và Nụ Hôn Bạc Tỷ đang diễn ra căng thẳng, Đèn Âm Hồn lại gây được chú ý bởi sự khác biệt và mạnh dạn cũng như tên tuổi trước đó của Hoàng Nam, người gắn liền với nhiều hoạt động khám phá các địa điểm tâm linh trên mạng xã hội.
Dẫu vậy, ngoại trừ phần xây dựng bối cảnh được đánh giá là ấn tượng, có sự nghiên cứu, Đèn Ăn Hồn lại không có các yếu tố cần thiết khác của một dự án điện ảnh xuất sắc.
Phần kịch bản xây dựng vẫn còn nông với thoại rất mỏng và thiếu cảm xúc. Các nhân vật trong bộ phim hoạt động không có nhiều động lực khiến phần diễn biến câu chuyện khó để lại cảm xúc nào cụ thể cho người xem.
Bản thân tác phẩm văn học mà bộ phim tham chiếu (Chuyện người con gái nam xương) là một câu chuyện dựa trên lời kể dân gian, hầu như chỉ có tường thuật. Vì thế khi chuyển thể sang bản điện ảnh, kịch bản cần thiết phải bổ sung, thêm thắt rất nhiều, đặc biệt là xây dựng tâm lý của mỗi nhân vật. Dẫu vậy, bản phim của Hoàng Nam rõ ràng đã vội vàng và hấp tấp trong công tác xây dựng này khiến phim trở nên đơn điệu và chóng vánh.
Ngoài các yếu tố kể trên, Đèn Âm Hồn cũng cho thấy một số sự thêm thắt mang hơi hướm của các tác phẩm cùng thể loại đã thành công của điện ảnh quốc tế. Nhiều phân cảnh và diễn biến trong mạch phim rõ ràng không cần thiết và khiến người xem liên tưởng đến Quật Mộ Trùng Ma hay loạt Insidious nổi tiếng của điện ảnh Hollywood. Điều này vô tình phá hủy tính độc đáo của tác phẩm, vốn được quảng bá là mang đậm bản sắc Việt Nam.
Về phần diễn xuất, hầu hết các diễn viên chính trong dự án không tròn vai. Diễn xuất Hoàng Kim Ngọc có thiên hướng kịch nói quá mức khiến nhân vật không tự nhiên. Trong khi đó Diễm Trang và Phú Thịnh vẫn còn quá ít biểu cảm, chưa thể hiện rõ ràng tính cách của nhân vật mà họ được giao.
Đạo diễn cũng lãng phí sự xuất hiện của NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Thu Hương (Hương Tươi) hay NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo)... Tất cả đều là những tên tuổi gạo cội tuy nhiên chỉ góp mặt trong vai trò khách mời, không có nhiều đất diễn khiến câu chuyện trở nên đơn điệu.
Nhìn chung, Đèn Âm Hồn chưa phải là một dự án điện ảnh đột phá và ấn tượng. Phim vẫn còn nhiều lỗ hổng trong kịch bản cùng với đó là sự dàn dựng chưa chắc chắn khiến mạch phim dài dòng, thiếu cảm xúc. Tác phẩm ghi điểm khi có sự đầu tư trong bối cảnh, góc quay và thẩm mỹ nhưng lại yếu trong lời thoại và cao trào.
Cinematone đánh giá 6/10 điểm cho Đèn Âm Hồn: Người Con Gái Nam Xương. Bạn đọc đã thưởng thức bộ phim có thể tham gia chấm điểm cùng chúng tôi tại đây.
tại đây