Phần thứ 2 của thương hiệu bom tấn Dune (Hành Tinh Cát) vốn được ấn định ra mắt vào mùa thu năm 2023 tuy nhiên đã buộc phải hoãn lại do cuộc đình công của SAG-AFTRA. Trước đó, đây được xem là bất lợi lớn cho tác phẩm khi đánh mất mùa phim cuối năm vốn ăn khách tuy nhiên dường như quyết định này lại giúp dự án có không gian rộng rãi, ít cạnh tranh và đặc biệt là một bản phát hành được tiếp thị đầy đủ, hoành tráng xứng tầm với bộ phim.
Hành Tinh Cát: Phần 2 tiếp nối câu chuyện của Paul Atreides (Timothée Chalamet đóng) và mẹ Công nương Jessica Atreides (Rebecca Ferguson đóng). Họ được người Fremen cứu giúp sau khi trốn thoát khỏi cuộc truy đuổi của nhà Harkonnen và được tiếp cận căn cứ của họ. Tại đây, Paul phải chứng minh những năng lực của bản thân và đứng trước thử thách cũng như lựa chọn mới: hoặc trở thành Mahdi, người có thể đưa những người Fremen đến thế giới xanh thịnh vượng mà họ coi là "Thiên đường" như trong một lời tiên tri lâu đời gắn với đức tin mãnh liệt của họ; hoặc bị coi là người ngoài cuộc và đánh mất tất cả.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, Paul buộc phải trở thành một nhà lãnh đạo. Anh phải khơi mào một cuộc chiến chống lại nhà Harkonnen cũng như chế độ cai trị hà khắc của Hoàng đế Shaddam IV (Christopher Walken đóng). Dẫu vậy, những viễn cảnh mà Paul nhìn thấy thông qua Hương dược lại đặt chàng Công tước trẻ vào một tình huống khắc nghiệt và có thể sẽ khiến anh phải chịu những mất mát to lớn và đáng sợ hơn tất cả.
Trở lại sau 3 năm kể từ phần phim đầu, Dune vẫn giữ được sức hút mãnh liệt, đặc biệt khi thời gian ra mắt mà bộ phim lựa chọn lại vào đúng thời điểm Hollywood nói riêng và thế giới nói chung đang thiếu hụt các tác phẩm điện ảnh hấp dẫn.
Bộ phim rõ ràng là một bản nâng cấp cực kỳ lớn so với phần phim đầu, từ lớp kịch bản dày hơn, nhiều nhân vật, địa điểm cũng như xã hội được mô tả cẩn thận hơn. Việc tách dự án ra làm 2 phần cho phép Denis Villeneuve có không gian rộng rãi, thoải mái nhằm truyền tải phần lớn tinh thần, thông điệp và giá trị mà Frank Herbert thiết lập thông qua tiểu thuyết của mình.
Trong gần 3 giờ đồng hồ trình diễn, dự án gây choáng ngợp nhờ tính quy mô khổng lồ mà nó sở hữu. Có lẽ phải rất lâu kể từ phần thứ 3 của Chúa Nhẫn (The Lord of the Rings: The Return of the King) ra mắt năm 2003, đến nay, Hollywood lại mới có một bản chuyển thể kỳ vĩ, chi tiết và ấn tượng đến thế.
Sự chăm chút trong từng khung hình, mang phong cách cá nhân ấn tượng vào trong tác phẩm tạo ra một biên niên sử hoành tráng nhưng không kém phần tinh tế ở Dune 2.
Bộ phim cho ta cái nhìn mạnh mẽ về lược sử phát triển của xã hội loài người. Trong sự chuyển động chóng mặt của dòng thời gian, việc tác giả Frank Herbert thiết lập một thế giới mới nơi những tiến bộ khoa học kỹ thuật số bị đẩy lùi, kéo con người trở về gần hơn với thời điểm tối tăm của nhận thức, giúp mở ra một chương đặc sắc của chủ nghĩa thực dân chính trị.
Những kẻ cai trị hay những người bị trị đều bị thách thức bởi vòng xoáy của tư tưởng và vũ lực. Đức tin mù quáng, chủ nghĩa anh hùng, lòng thù hận, chiến tranh thế giới, chế độ giai cấp, chủ nghĩa vô thần, bình đẳng giới tính... tất cả được nhào lặn để xuất hiện vừa vặn trong khoảng thời gian hạn chế của dự án.
Điều đáng nói, việc tiết chế các lời thoại đến mức tối đa, dễ hiểu và dễ nhớ đã giúp cho Dune 2 cũng như phần phim trước đó trở nên gần gũi với cả những người chưa từng biết đến tiểu thuyết Xứ Cát. Bộ phim không cố gắng mô tả tính triết lý thông qua những câu nói vô vị mà là trực tiếp truyền tải bằng hình ảnh, dàn dựng, thỏa mãn cả nhu cầu của người xem trung thành và khán giả chỉ mong chờ tính giải trí.
Cùng với đó, Denis Villeneuve cũng đã làm sáng rõ mạch phim bằng cách loại bớt một vài chi tiết trong tài liệu nguồn. Chúng ta đã không nhìn thấy tổ chức Spacing Guild, đơn vị từng vốn rất quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội trong Dune. Điều này vừa làm thông thoáng kịch bản vừa giúp giữ lại chất liệu để khai thác trong những phần tiếp theo (nếu có).
Một số cải biên, như việc xây dựng lại nhân vật Feyd-Rautha Harkonnen (do Austin Butler đóng) cũng giúp mang tới một màu sắc khác, trưởng thành và tàn bạo hơn cho dự án lần này. Diễn xuất của dàn diễn viên ngôi sao cũng được đánh giá cao. Tất cả các nhân vật từ chính đến phụ đều thể hiện xuất sắc vai trò của mình.
Điểm sáng mạnh mẽ tiếp theo mà Dune 2 mang lại chính là phần hình ảnh mãn nhãn. Mặc dù bối cảnh sa mạc bao quanh toàn là cát với ít điểm nhấn tuy nhiên cách xây dựng không gian đặc sắc, có thẩm mỹ đã giúp bộ phim trở nên kỳ vĩ và ấn tượng. Chất lượng đồ họa của Dune có thể được đánh giá là mạnh mẽ nhất kể từ Avatar: The Way of Water (2022) đến nay và giúp lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ đối với các dự án phim giả tưởng do Hollywood sản xuất.
Nhà làm phim Greig Fraser đã giúp tạo ra những khung hình đầy chắc chắn, sắc nét và ấn tượng. Trước đó, ông cũng là người đã mang đến sự ấn tượng thông trong Zero Dark Thirty, Rogue One: A Star Wars Story, phần Dune đầu tiên, bản tái khởi động The Batman hay bom tấn The Creator năm ngoái. Greig được xem là lựa chọn cực kỳ phù hợp với một bom tấn dạng sử thi lớn như Dune.
Các yếu tố khác cũng được nhìn thấy ở bộ phim cần được đánh giá cao chính là phần âm nhạc do Hans Zimmer thực hiện. Thông qua Dune 2, âm nhạc cũng được xem là một phần quan trọng nhằm truyền tải thông điệp, có thể lôi cuốn người xem không hề thua kém phần trình diễn của các ngôi sao trên màn ảnh.
Nhìn chung, rất khó để tìm ra điểm chê trách nào ở Hành Tinh Cát: Phần 2. Bộ phim là bản chuyển thể xứng đáng, hấp dẫn, hoành tráng và hoàn chỉnh dành cho tiểu thuyết gốc của Frank Herbert. Mọi khía cạnh của bộ phim, từ kịch bản, diễn viên đến kỹ xảo, âm nhạc, giá trị thẩm mỹ, thông điệp đều đã được Denis Villeneuve truyền tải rõ ràng, dễ hiểu và cực kỳ lôi cuốn.
Cinematone đánh giá 9 trên 10 điểm cho Dune: Part Two (Hành Tinh Cát: Phần 2). Bạn đọc đã thưởng thức bộ phim, hãy tham gia chấm điểm cùng Cinematone tại đây.