10 năm DCEU: Từ biểu tượng của hy vọng đến nhượng quyền 6.5 tỷ USD đầy tiếc nuối

10 năm DCEU: Từ biểu tượng của hy vọng đến nhượng quyền 6.5 tỷ USD đầy tiếc nuối

Suốt 10 năm, DCEU cố gắng thay đổi mình để phù hợp với thị hiếu của khán giả cũng như bối cảnh chung của thị trường. Tuy nhiên, sự khởi đầu muộn màng nhưng lại hấp tấp đã khiến cho các dự án trở nên lệch lạch, không đồng đều.

Kinh doanh
22/06 2023

Ngày 14 tháng 06 đúng 10 năm trước, dự án Man of Steel ra mắt khán giả toàn cầu. Đây được cho biết sẽ là phần đầu tiên mở ra vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng hoàn chỉnh dựa trên các nhân vật truyện tranh nổi tiếng của DC Comics. Tác phẩm do Zack Snyder đạo diễn, David S. Goyer viết kịch bản.

Ở thời điểm đó, thành công quá lớn của Avengers ra mắt vào năm 2012 đã khiến cho Warner Bros. càng đặt niềm tin cao vào cách thức làm phim mới này và vì vậy, họ không tiếc tiền chi mạnh tay cho Man of Steel với kinh phí ước tính lên đến hơn 250 triệu USD.

Đón nhận về dự án dừng lại ở mức trung bình ở cả phương diện phòng vé lẫn các đánh giá chuyên môn. Tuy nhiên, Man of Steel rõ ràng đã tạo ra được một bước khởi đầu mạnh mẽ cho DCEU. Zack Snyder thiết lập một phong cách làm phim khác biệt, hướng hình tượng siêu anh hùng đến một tầm cao mới, trưởng thành và chín chắn hơn. Đồng thời, anh cũng xây dựng được một cộng đồng người hâm mộ trung thành và năng nổ hàng đầu trong lịch sử.

Batman v Superman: Dawn of Justice ra mắt 3 năm sau đó. Đây tiếp tục là dự án trọng điểm của DCEU khi hãng phim giới thiệu không chỉ 2 mà tới 3 nhân vật siêu anh hùng thuộc lớp đầu của vũ trụ điện ảnh này. Phim vẫn đạt được thành công tại mặt trận phòng vé tuy nhiên cũng từ đây, những chỉ trích trái chiều bắt đầu nảy sinh.

Điểm đánh giá thấp đến ngỡ ngàng từ giới chuyên môn khiến cho thương hiệu trở nên lung lay khi chỉ mới vừa khởi động. Thêm vào đó, Zack Snyder bắt đầu đẩy mạnh tính cá nhân trong việc triển khai kịch bản, màu sắc của dự án cũng trở nên đen tối hơn với lối kể chuyện rõ ràng không dành cho khán giả chưa trưởng thành. Mức xếp hạng cao (C16) so với Man of Steel (PG-13) cũng đã khiến DCEU đánh mất một lượng lớn khán giả trẻ em vào tay "người hàng xóm" MCU - khi đó thậm chí đã bước qua giai đoạn cuối của chặng đường đầu tiên. 

Cùng năm, Suicide Squad ra mắt người hâm mộ với một cốt truyện hoàn toàn không liên quan đến hai tập phim trước đó. Vẫn với mức xếp hạng cao, nhưng dự án sở hữu dàn diễn viên đa dạng màu sắc và có nhiều phần hài hước hơn. Dẫu vậy, bộ phim cũng không tránh khỏi những đánh giá trái chiều liên quan đến cách thức triển khai cốt truyện. Ngay cả những người hâm mộ trung thành nhất cũng không thể tán dương mãnh liệt bộ phim. Điều này khiến cho thương hiệu nhanh chóng bị lụi tàn.

Đến Wonder Woman, DCEU gặt hái một thành công vang đội nhờ việc đầu tư mức kinh phí thấp hơn, tập trung xây dựng hình ảnh nhân vật cùng với đó, việc chọn mặt gửi vàng một nữ đạo diễn cầm trích tác phẩm siêu anh hùng cũng được đánh giá là đột phá và đi trước thời đại. Patty Jenkins mang đến cho Wonder Woman một câu chuyện vừa phải, kết hợp cả giá trị nhân văn và lãng mạn nhưng vẫn không thiếu tính hành động.

Chính vì lẽ đó, đây được xem là một trong những nhân vật thành công nhất của DCEU cho đến nay. Sức ảnh hưởng của Wonder Woman củng cố niềm tin cho người hâm mộ đồng thời cũng giúp lôi kéo lượng lớn khán giả là nữ giới tiếp cận vũ trụ điện ảnh này.

Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang, Justice League là đỉnh điểm cho sự tan ra của Snyder-verse (tên gọi không chính thức cho giai đoạn đầu tiên của DCEU). Những ý tưởng sáng tạo của vị đạo diễn chịu nhiều điều chỉnh và những câu chuyện hậu trường khi đó đã khiến cho bộ phim trở thành một trong những dự án siêu anh hùng gây nhiều tranh cãi hàng đầu.

Với kinh phí 300 triệu USD tuy nhiên đây lại là bộ phimcó thành tích kém nhất trong bộ 3 phim do Zack Snyder đạo diễn. Thất bại của tác phẩm đẩy người hâm mộ DC vào thế thua thiệt đặc biệt là khi những chiến thắng rực rỡ ngày một nhiều lên của MCU. Và dự án cũng tạo ra một phong trào chưa từng có trong lịch sử ngành khi người hâm mộ chi tiền cho các hoạt động hành lang, thúc giục những nhà lãnh đạo khi đó tại Warner Bros. cho phép Synder thực hiện một phiên bản dựng được xem là chưa từng có tiền lệ.

Zack Snyder's Justice League ra mắt 4 năm sau đó (vào tháng 03 năm 2021) phần nào lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ và cả giới phê bình. Tuy nhiên, ngay cả khi được đón nhận cao, Snyder-verse đã hoàn toàn vỡ vụn và không còn cơ hội nào để được hồi sinh, cũng giống như những gì đang diễn ra với DCEU hiện tại.

Sau đó 1 năm, bom tấn Aquaman ra mắt khán giả toàn cầu. Phim ngay lập tức tạo ra cơn sốt phòng vé, mang về hơn 1.14 tỷ USD và hiện vẫn là dự án có thành tích tốt nhất trong số 13 tác phẩm điện ảnh đã được phát hành tại rạp của nhượng quyền này. Thành công của Aquaman tạo bước đệm lớn cho DCEU nhưng nó lại đặt ra câu hỏi rằng các kịch bản khác liệu có đủ sức để kế thừa thành tích mà người hùng xứ Atlantis có được hay không.

Cuối cùng, những điểm sáng đơn lẻ như vậy vẫn không thể đủ sức làm rõ cả một bầu trời vẫn còn nhiều tăm tối của DCEU. Lãnh đạo hãng phim tỏ ra lúng túng, thiếu tầm nhìn chiến lược và không sát sao với những tác phẩm điện ảnh mà họ đầu tư. Không có người đứng đầu chiến lược, vũ trụ điện ảnh này tiếp tục rơi vào thế bị động, mạnh ai lấy làm trong hàng loạt dự án phát triển phía sau.

Shazam gia nhập DCEU vào năm 2019 và được xem là một thành công tuy nhiên, màn trình diễn "gói gọn" của tác phẩm không biến siêu anh hùng này thành một cú hích đáng kể. Bộ phim có hài hước nhưng xa rời với phần còn lại của nhượng quyền chính vì thế, nó không thể giúp lôi kéo thêm người hâm mộ cũng như đẩy mạnh vị thế của vũ trụ điện ảnh này.

Cũng giống như Shazam, Birds of Prey cũng chẳng khá khẩm hơn khi màn trình diễn của tác phẩm bị đánh giá là nhạt nhòa, đơn giản và dễ lãng quên. Dù sở hữu chất liệu đặc biệt, các nhân vật có cá tính, tuy nhiên với quy mô quá nhỏ, phim không thể chinh phục khán giả đại chúng đặc biệt trong bối cảnh người hâm mộ có rất nhiều lựa chọn để trông đợi vào năm 2020.

Màn trình diễn của Wonder Woman 1984 lại là nỗi thất vọng sau thành công quá lớn của tập phim đầu tiên. Dự án gặp bất lợi không chỉ bởi đại dịch mà còn bởi những yếu kém của hàng loạt dự án thuộc nhượng quyền đã gây ra trước đó. Phim thay vì phát triển theo dạng quy mô hơn, cuối cùng lại chọn cách đi an toàn, thu hẹp bối cảnh và giải quyết cao trào bằng giá trị đạo đức.

Rõ ràng, giữa thời đại siêu anh hùng bùng nổ, yếu tố hành động mãn nhãn vấn là thứ mà người xem đại chúng chờ đợi. Nhưng WW84 đã thiếu hụt điều đó.

The Suicide Squad là một bất ngờ với người hâm mộ. Thế giới DC rộng lớn còn quá nhiều chất liệu và nhân vật để khai thác tuy nhiên các nhà điều hành quyết định tái khởi động một dự án đã từng bị đánh giá cực kỳ thấp trước đó. Mặc dù bản phim mới có cải thiện hơn về mặt dàn dựng, nội dung kịch bản... nhưng câu hỏi khi này là: The Suicide Squad ở đâu trong vũ trụ hỗn loạn đó. Rồi sau đó thì sao? Người hâm mộ sẽ khám phá tiếp điều gì với những nhân vật này? Một dự án truyền hình và thêm một dự án truyền hình nữa?... Quá nhiều sự khác biệt xảy ra và chắc chắn tác phẩm sẽ không đủ để thuyết phục người hâm mộ ở lại với DCEU.

Không cần bàn cãi, Black Adam là một nỗi thất vọng lớn hơn tất cả. Phim có tiền đề tốt, có chiến dịch truyền thông bài bản, có ngôi sao hành động ăn khách hàng đầu thế giới... nhưng, tất cả đều đều không thể cứu vớt với một kịch bản xáo rỗng, nhạt nhòa. Phần trình diễn không mang lại sức nặng của Dwayne Johnson, các khung hình thừa cơ bắp nhưng thiếu tinh tế tiếp tục khiến người hâm mộ chán nản.

Cùng với đó, Warner Bros. "trở mặt" với người hâm mộ trung thành khi loại bỏ Henry Cavill chỉ 2 tháng sau khi chính thức tuyên bố anh sẽ trở lại với vai diễn Siêu nhân được yêu thích. Chiến dịch của Black Adam thất bại hoàn toàn và biểu tượng bị lãng quên gần như ngay lập tức.

Shazam! Fury of The Gods không quá tệ nhưng cũng không thể gọi là đủ tốt để chinh phục khán giả. Kịch bản phim có quá nhiều lỗ hổng và cách xây dựng tuyến truyện như một tác phẩm chỉ dành cho thiếu nhi khiến dự án đánh mất mình. Hậu truyện Shazam ra mắt giữa bối cảnh kế hoạch tái khởi động DCEU bắt đầu nhen nhóm và dường như ngay lập tức trở thành đứa con rơi chờ ngày loại bỏ tại xưởng phim này.

Bất chấp việc các giám đốc điều hành luôn để ngỏ cơ hội phát triển và kêu gọi người hâm mộ tiếp tục thể hiện sự yêu thích của mình với bộ phim, nhưng chừng đó cũng đủ hiểu rằng, Shazam - một siêu anh hùng hạng B, đã không còn cơ hội để tiến xa hơn.

The Flash - tác phẩm mới ra mắt gần đây là một câu chuyện đầy hi hữu.  Có một thời gian phát triển cực kỳ dài hơi, là siêu anh hùng được biết đến hàng đầu của DC chỉ xếp sau Superman và Batman, nhưng The Flash lại ra mắt quá muộn.

Trong bối cảnh DCEU tan rã và đi đến hồi kết trong năm nay, điều gì đủ khả năng để thuyết phục khán giả tiếp tục chờ đợi cũng như kỳ vọng? Thêm vào đó, hàng loạt bê bối đời tư cũng là cơn sóng dữ nhấn chìm con tàu siêu anh hùng vốn từng nhận được rất nhiều sự quan tâm này. Thời gian luôn là đường một chiều và không giống với phim ảnh, không có cách nào có thể đảo ngược mọi thứ một khi quyết định sai lầm đã được đưa ra.

Suốt 10 năm, DCEU cố gắng thay đổi mình để phù hợp với thị hiếu của khán giả cũng như bối cảnh chung của thị trường. Tuy nhiên, sự khởi đầu muộn màng nhưng lại hấp tấp đã khiến cho các dự án trở nên lệch lạch, không đồng đều. Tính cá nhân của các nhà làm phim được tôn vinh quá lớn trong mỗi tác phẩm cũng đẩy nhượng quyền vào thế khó xử. Bài toán đầu tư 2.4 tỷ USD, fhu về 6.5 tỷ USD tuy không thực sự thất bại về mặt kinh tế nhưng lại không thành công trong việc chinh phục người hâm mộ.

Vui lòng chờ! Đang tải...
Vui lòng chờ! Đang tải...
Vui lòng chờ! Đang tải...
Từ năm 2018
Phiên bản 23.05
Theo dõi Cinematone trên:
Hotline: 0927 20 12 18
Thiết kế và phát triển bởi Christ Design
Vận hành bởi Cinematone.info
Nội dung đang được tải...