Cụm từ AI (trí tuệ nhân tạo) thời gian gần đây thịnh hành trở lại khi các nhà phát triển đã đưa chúng lên một tầm cao mới nhờ các tiến bộ của khoa học máy tính và khả năng xử lý của các con chip thế hệ mới.
Cùng với đó, khối dữ liệu ngày một đồ sộ trên Internet mà các nhà nghiên cứu hoàn toàn có thể truy xuất và sử dụng một cách nhanh chóng cũng là bước đệm quan trọng giúp thúc đẩy khả năng tổng hợp và sản sinh nội dung dựa trên nó. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc nâng cao khả năng xử lý các tác vụ dữ liệu, các mẫu AI ra mắt mới đây thậm chí còn làm được nhiều hơn những gì mà một thập kỷ trước chúng có thể làm được.
Từ những chương trình xử lý dữ liệu lớn
Năm 2015, khán giả thế giới thích thú khi một chương trình máy tính có tên AlphaGo của công ty DeepMind (nay thuộc Google) đã chiến thắng nhà vô địch cờ vây Châu Âu với tỷ lệ 5-0. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng trong ngành khoa học trí tuệ nhân tạo và máy học sâu của thế giới bởi trước đó, các chương trình máy tính mới chỉ dừng lại ở mức tính toán rất căn bản trong các môn thể thao phức tạp và nhiều cách chơi như cờ vây. Liên tiếp các năm sau đó, AlphaGo đánh bại nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực này bao gồm cả những kỳ thủ có nhiều năm giữ thứ hạng cao trên thế giới.
Sau thành công bước đầu đó, những trí tuệ nhân tạo bắt đầu được phát triển với nhiều mục đích và nhắm đến các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Sự chính xác trong việc tính toán dữ liệu kết hợp với khả năng xử lý một lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn, liên tục tạo lợi thế cho các chương trình máy tính dạng này. Chúng nhanh chóng được ứng dụng vào các hệ thống khác nhau trong đó bao gồm cả theo dõi sức khỏe, khảo cổ học, thời tiết, xử lý tìm kiếm, nghiên cứu kỹ thuật thể thao...
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, các mô hình vận hành này thường tương đối đắt đỏ và không phổ biến với người dùng thông thường do nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến như khả năng tương tác đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn, lượng dữ liệu đầu vào chủ yếu được sử dụng trong một lĩnh vực nhỏ, các chi phí vận hành đắt đỏ... Do đó, các trí tuệ nhân tạo vẫn chỉ được sử dụng trong phòng thí nghiệm hoặc phục vụ nghiên cứu trong một nhóm chuyên biệt.
Đến các ứng dụng cho người dùng tiếp cận miễn phí
Dẫu vậy, kể từ năm 2015 đến nay, thế giới công nghệ đã có nhiều bước tiến cực kỳ nhanh chóng. Khả năng xử lý của các con chip máy tính đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các chương trình điệm toán đám mây mở ra khả năng tiếp cận từ mọi nơi trên Internet cùng với đó, lượng dữ liệu có sẵn để sử dụng trên môi trường mạng cũng tăng lên đáng kể. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để các mô hình trí tuệ nhân tạo mới ra đời, phục vụ nhiều nhu cầu của từng nhóm đối tượng khác nhau.
Kể từ khi OpenAI công bố Chat GPT-3, cuộc đua AI tạo sinh hướng tới đối tượng người dùng thông thường tiếp tục nóng trở lại. Những chương trình máy tính này tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn trên Internet và đưa ra kết quả phản hồi ngắn gọn chỉ trong nháy mắt và đáp ứng nhu cầu sử dụng của hàng trăm ngàn người dùng một lúc. Cùng với đó, chúng cũng tiếp tục được nâng cấp, cải tiến liên tục để nâng cao khả năng phản hồi cũng như mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn.
Không chỉ dừng lại ở các đối tượng văn bản đơn thuần, các AI như DALL-E, Midjourney hay gần đây là sản phẩm Imagen, Parti của Google và Firefly của Adobe còn tiến thêm một bước nữa khi có thể tạo ra hình ảnh thậm chí cả video từ các mô tả thô sơ, ngắn gọn bằng văn bản của người dùng. Các chương trình này sử dụng phong cách từ hàng triệu nội dung có sẵn trên Internet, phân tích và học hỏi để tạo ra các sản phẩm tương tự một cách nhanh chóng và đạt tiêu chuẩn có thể sử dụng được với một số mục đích nhất định.
Theo Techcrunch, AI tạo sinh lấy hàng triệu hình ảnh do con người thực tạo ra để tạo ra một hỗn hợp nghệ thuật mà trước đây một người phải mất hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm mới có thể hoàn thành được.
Điểm đặc biệt rằng, các chương trình này hoàn toàn dễ dàng truy cập thông qua những thiết bị có kết nối internet. Người dùng không cần phải chuyên gia cũng có thể sử dụng một cách thành thạo và chính những tiện ích đó đã khiến chúng trở nên phổ biến.
Đe dọa sinh kế của các nhà sáng tạo
Cuộc đình công vẫn đang diễn ra của Hiệp hội nhà văn Hoa Kỳ (WGA) cho thấy 2 mối lo lớn đối với các thành viên của tổ chức này. Ngoài yếu tố thù lao bị cắt giảm và không tăng trong suốt nhiều năm cống hiến, công việc và sinh kế của họ còn đang bị đe dọa bởi các chương trình AI tạo sinh như Chat GPT, thứ có thể tạo ra một kịch bản thô sơ chỉ trong nháy mắt bằng cách góp nhặt những gì tìm được trên Internet. Tuy nhiên, cho đến giờ, các biên kịch chắc chắn không phải là đối tượng duy nhất bị ảnh hưởng bởi những mối đe dọa công nghệ như vậy.
Các nhiếp ảnh gia, các chuyên viên kỹ xảo, nghệ sĩ thiết kế... chắc chắn cũng sẽ gặp phải các rủi ro lớn nếu như họ không tìm cách thích nghi với các tiến bộ công nghệ này.
Adobe Firefly gần đây đã có thể tạo ra những hình ảnh lớn chỉ thông qua mô tả của người dùng. Theo Venture Beat, những người sáng tạo có tác phẩm nhiếp ảnh bán trên Adobe Stock của cùng công ty, cho biết mức độ phổ biến của Firefly đang khiến người dùng ít có khả năng mua hình ảnh hơn.
Theo Adobe, kể từ khi ra mắt vào tháng 3, người dùng Firefly bản beta đã tạo ra hơn 200 triệu hình ảnh bằng cách sử dụng nhiều công cụ và tính năng mới có sẵn như chuyển văn bản thành hình ảnh, tô màu tổng quát và mở rộng hình ảnh. Người dùng Photoshop đã tạo ra hơn 150 triệu hình ảnh chỉ trong hai tuần đầu tiên bằng cách sử dụng tính năng sáng tạo mới do Firefly cung cấp.
Ngoài ra, những người sáng tạo còn lo lắng khi Adobe cho phép các hình ảnh dạng này được bán trên chính kho nội dung của hãng và điều này rõ ràng đe dọa không nhỏ đến những nghệ sĩ truyền thống, những người mất nhiều năm để rèn luyện kỹ năng cũng như bỏ công sức để thực hiện các hình ảnh chất lượng cao.
Họ đang sử dụng IP (nv: nội dung có bản quyền) của chúng tôi để tạo nội dung cạnh tranh với chính chúng tôi trên thị trường. Mặc dù họ có thể làm điều đó một cách hợp pháp, bởi vì tất cả chúng tôi đã ký các điều khoản dịch vụ, tuy nhiên tôi không nghĩ đó là hành vi có đạo đức hay công bằng.
Venture Beat dẫn lời Dean Samed, một người có hơn 2 nghìn nội dung trên Adobe Stock.
Gần đây nhất, việc bộ phim truyền hình đáng chú ý thuộc một phần của giai đoạn 5 hiện đang diễn ra tại Marvel là Secret Invasion sử dụng hoàn toàn AI để tạo ra đoạn giới thiệu mở đầu cho loạt phim tiếp tục tạo ra một cuộc tranh luận lớn.
Nhiều người sẽ phát cuồng về việc #SecretInvasion hay như thế nào, nhưng chương trình này đánh dấu cuộc xâm lược lớn đầu tiên của AI đối với tác phẩm của một hãng phim lớn, thật kinh hoàng khi nghĩ đến và đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Brian Long, một nhà làm phim người Singapore bày tỏ quan điểm trên trang Twitter cá nhân.
Marvel/Disney có vô số tiền nhưng vẫn sử dụng AI cho phần mở đầu Secret Invasion. Một cái tát vào mặt theo đúng nghĩa đen đối với mọi nghệ sĩ mà Disney từng hợp tác và điều đó làm lu mờ công việc khó khăn mà mọi người đã làm trong chương trình này.
Diễn viên Stephen Ford cũng bày tỏ sự không hài lòng với việc sử dụng AI của bộ phim
Rõ ràng, người xem không khó để nhận ra các hình ảnh mở đầu của dự án hoàn toàn không phải do các nghệ sĩ kỹ xảo chuyện nghiệp tạo ra bởi nó có phong cách khá giống với những clip khác được chia sẻ trên các trang mạng xã hội gần đây. Điểm nổi bật nhất có thể nhận thấy rằng, các video được AI tạo thành luôn có một lượng lớn các thay đổi chỉ trong một thời gian rất ngắn hiển thị. Về cơ bản, các trí tuệ nhân tạo vẫn sử dụng các hình ảnh tĩnh sau đó ghép lại để cho ra kết quả video chuyển động cuối cùng.
Các phần hình ảnh dù méo mó và biến đổi tuy nhiên, một số người cho rằng nó phù hợp với tính chất của bộ phim và đây được xem là một nguyên nhân lớn khiến Marvel/ Disney quyết định sử dụng các thức làm việc này.
Dẫu vậy, sớm thôi, khi các công nghệ và thuật toán được cải tiến, những nội dung kết xuất sẽ trở nên mượt mà và điều này thực sự là mối lo ngại lớn với sinh kế của các nghệ sĩ truyền thống, những người vốn đã rất áp lực do những thay đổi liên tục của môi trường làm việc cạnh tranh cũng như mức lương không tăng theo kịp lạm phát kinh tế.