Bài viết Hiểu biết Tìm hiểu về 2.5D trong sản xuất hoạt hình hiện đại

Tìm hiểu về 2.5D trong sản xuất hoạt hình hiện đại

Cùng Cinematone tìm hiểu những điều thú vị trong kỹ thuật sản xuất một số bộ hoạt hình phong cách truyền thống 2D nhưng được tạo dựng nhờ phần mềm 3D tiên tiến

01/03/2021 14:33 (GMT+7)

Ngày nay, ngoài ngành công nghiệp sản xuất anime vẫn còn đang rất thịnh hành ở Nhật Bản và một số bộ phim dạng video gia đình được phát hành trực tuyến hoặc qua các hệ thống băng đĩa tại Châu Âu hay Hoa Kỳ, các nền công nghiệp hoạt họa nhỏ hơn thường sản xuất các tác phẩm hoạt hình mới thông qua mô hình 3D thay vì vẽ tay 2D truyền thống, không chỉ bởi tính ứng dụng cao mà còn bởi khả năng rút ngắn thời gian sản xuất cũng như tiết kiệm chi phí về nhân lực và thời gian thực hiện. 

Trước hết, cần phân biệt rõ giữa 2 loại hình và phong cách sản xuất này. Trước đây, phim hoạt hình 2D được sản xuất dưới dạng các tác phẩm với phong cách minh họa vẽ tay, các họa sĩ sẽ sử dụng giấy hoặc các phần mềm chuyên dụng để vẽ trên một mặt phẳng (chỉ có chiều rộng và chiều ngang). Các khung hình được thiết kế tỉ mỉ sau đó lồng ghép vào nhau tạo ra hiệu ứng chuyển động của nhân vật hoạt hình.

Một hình ảnh từ bộ phim The Tale of Princess Kaguya từ xưởng phim Ghibli, đặc trưng cho phong cách vẽ 2D truyền thống. Ảnh: Studio Ghibli

Một hình ảnh từ bộ phim The Tale of Princess Kaguya từ xưởng phim Ghibli, đặc trưng cho phong cách vẽ 2D truyền thống. Ảnh: Studio Ghibli

Walt Disney là hãng phim hoạt hình nổi tiếng với rất nhiều các bộ phim hoạt hình vẽ tay truyền thống như loạt phim về các nàng công chúa Disney ở thế kỷ trước. Hay như một xưởng phim nổi tiếng khác là Studio Ghibli, đơn vị này rất yêu thích loại hình vẽ tay truyền thống và đã sản xuất rất nhiều các bộ phim như vậy như Spirited Away, Mononoke Princess hay gần đây có The Tale of Princess Kaguaya...

Trong khi đó, phim hoạt hình 3D hầu hết được sản xuất trên máy tính với các phần mềm đồ họa đòi hỏi chuyên môn cao hơn ngoài khả năng mỹ thuật của người sản xuất. Mô hình 3D thêm vào các nhân vật thuộc tính chiều sâu giống như ngoài thực tế. Các bộ phim nổi bật có thể kể tới như Frozen, Soul hay Despicable Me...

Hình ảnh từ Luca - bộ phim hoạt hình 3D sắp ra mắt của Walt Disney. Ảnh: Walt Disney

Hình ảnh từ Luca - bộ phim hoạt hình 3D sắp ra mắt của Walt Disney. Ảnh: Walt Disney

Trong những năm gần đây, các tác phẩm hoạt hình điện ảnh đều ưu tiên sử dụng công nghệ 3D như một giải pháp sản xuất tiên tiến, tối ưu và có thể giúp tạo ra những khung hình phức tạp hơn cách vẽ 2D truyền thống. Nhờ có các phần mềm chuyên dụng, việc tạo dựng nhân vật, trang phục đến bối cảnh và chuyển động trong môi trường 3D trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Mô hình 3D tích hợp sẵn nhiều tính năng giúp người sản xuất nhanh chóng tạo ra những đối tượng như thời tiết, ánh sáng hay ngoại cảnh, trang phục một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn so với cách vẽ truyền thống.

Một hình ảnh từ phần mềm thiết kế 3D mã nguồn mở Blender

Một hình ảnh từ phần mềm thiết kế 3D mã nguồn mở Blender

Ví dụ, để tạo ra một chuyển động, người họa sĩ vẽ tay sẽ phải vẽ từng khung hình một sau đó phát chúng liên tục với nhau. Một bộ phim có tốc độ khoảng 24fps (24 khung hình trên giây) đòi hòi người họa sĩ sẽ cần thực hiện 24 bức vẽ liên tục. Với thời lượng 90 phút, các họa sĩ sẽ cần thực hiện lên tới 129.600 bức hình. Điều đó còn chưa tính đến các cảnh hỏng, cảnh nháp hoặc bị loại bỏ, vẽ thêm trong quá trình biên tập.

Minh họa về cách các họa sĩ tạo ra chuyển động trong mô hình vẽ tay truyền thống. Ảnh: Angry Animation

Minh họa về cách các họa sĩ tạo ra chuyển động trong mô hình vẽ tay truyền thống. Ảnh: Angry Animation

Với phần mềm 3D, người họa sĩ dàn cảnh sẽ thực hiện các chuyển động nhờ phần mềm. Ví dụ, với một chuyển động đưa tay lên, thay vì phải vẽ các khung hình liên tục, phần mềm sản xuất phim 3D hỗ trợ khả năng cài đặt đối tượng, cho phép di chuyển từ một vị trí đến một vị trí chỉ với 2 thao tác đơn giản.

Việc tạo ra chuyển động trong môi trường 3D chỉ cần sử dụng chuột

Việc tạo ra chuyển động trong môi trường 3D chỉ cần sử dụng chuột

Phức tạp hơn, với một số yếu tố đặc biệt như mưa, sương mù hay gió, việc tạo dựng trong mô hình 2D đòi hỏi khả năng chế tác và kỹ năng vẽ tay của người họa sĩ. Thời gian thực hiện các cảnh quay này mất nhiều thời gian và nhân lực. Các cảnh chuyển, xoay hoặc chứa nhiều đối tượng phức tạp như chuyển động bay theo đàn của loài bướm, chuyển động lá rơi, các hạt bụi... gần như rất khó mô phỏng và các nhà sản xuất thường hay đưa chúng và dựng lại trong mô hình 3D.

Công nghệ 3D giúp tạo ra những khung hình đẹp mắt, phức tạp hơn so với kỹ thuật vẽ tay truyền thống. Ảnh: Walt Disney

Công nghệ 3D giúp tạo ra những khung hình đẹp mắt, phức tạp hơn so với kỹ thuật vẽ tay truyền thống. Ảnh: Walt Disney

Trong quá khứ, Walt Disney đã sử dụng mô hình kết hợp giữa chuyển động 2D và 3D trong một số tác phẩm của mình. Ở một số cảnh quay phức tạp hay các đối tượng nhiều chi tiết, hãng đã tiến hành tạo dựng lại trong môi trường 3D, sau đó ghép vào cảnh phim gốc trong quá trình biên tập. Bộ phim Treasure Planet là một điển hình. Walt Disney vẫn giữ cách vẽ tay các nhân vật dưới dạng truyền thống nhưng các mô hình phức tạp như tàu không gian, sinh vật ngoài hành tinh... đã được công nghệ 3D hỗ trợ.

Cách làm này tối ưu nhiều thời gian cũng như chi phí sản xuất nhưng trên thực tế, không mang lại hiệu quả về mặt cảm nhận. Các mô hình 3D vẫn thường xa rời khung hình và trở nên không liền mạch với phần còn lại của tác phẩm. Chính vì lẽ đó, công nghệ sản xuất 2.5D được ra đời, kết hợp giữa những ưu điểm của 3D và phong cách vẽ tay tuyệt đẹp của 2D.

Các tàu không gian được tạo dựng bằng công nghệ 3D trong phim hoạt hình Treasure Planet. Ảnh: Walt Disney

Các tàu không gian được tạo dựng bằng công nghệ 3D trong phim hoạt hình Treasure Planet. Ảnh: Walt Disney

Một số bộ phim hoạt hình 2.5D ra mắt thời gian gần đây có thể dễ dàng nhận ra như Klaus, Paperman hay Wolfwakers... Điểm chung của các bộ phim này là đều tạo hình nhân vật và bối cảnh dưới dạng 2D truyền thống nhưng chuyển động khung hình trong bộ phim thường rất phức tạp, kỳ vĩ.

Mặc dù có phong cách như các phim hoạt hình vẽ tay truyền thống, Paperman thực chất được sản xuất nhờ phần mềm 3D. Ảnh: Walt Disney

Mặc dù có phong cách như các phim hoạt hình vẽ tay truyền thống, Paperman thực chất được sản xuất nhờ phần mềm 3D. Ảnh: Walt Disney

Để làm được điều đó, các nhà làm phim đã phải thực hiện những kỹ thuật dàn dựng mới như việc giảm tốc độ khung hình từ 24fps xuống chỉ còn 10 - 16fps (sử dụng hiệu ứng chuyển động mờ để chèn vào giữa các khung hình bị loại bỏ); dựng các bản 3D sau đó in ra từng khung hình và thực hiện vẽ lại bằng than chì hoặc đi nét (một kỹ thuật trong vẽ truyền thống) đè lên trên bản gốc... Chính nhờ các yếu tố này, các bộ phim sản xuất theo phong cách 2.5D vẫn giữ được cảm nhận mang tính truyền thống đẹp mặt đồng thời rút ngắn thời gian sản xuất.

Hy vọng, với những sự sáng tạo và khả năng làm việc không ngừng nghỉ của những nhà sản xuất hoạt hình trên thế giới, chúng ta có thể sẽ được đón nhận thêm nhiều các bộ phim với công nghệ và phong cách sản xuất 2.5D như thế này nữa trong tương lai.




Đọc thêm bài viết khác

Nội dung đang được tải...