Trạng Tí Phiêu Lưu Ký là dự án điện ảnh do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chỉ đạo, dựa trên các hình tượng nhân vật quen thuộc với khán giả trong nước như Tí, Sửu, Dần, Mẹo của bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt. Tác phẩm sử dụng bối cảnh Việt Nam thời xưa với khung cảnh làng quê nông thôn yên bình cùng các phong tục, trò chơi và nét văn hóa dân gian đặc trưng. Phim giữ được hầu hết tinh thần của tác phẩm gốc như tính cách của bộ tứ nhóc tì thông minh, quái chiêu, gan dạ đồng thời thu hút nhờ sự hài hước, biến tấu và pha trộn thêm các yếu tố hành động, kỹ xảo đẹp mắt.
Bộ phim theo chân cuộc hành trình của Tí, Sửu, Dần, Mẹo trên con đường lên núi Phật Quang nhằm tìm đáp án cho câu hỏi về người cha thực sự của Tí. Tuy nhiên, trong cuộc phiêu lưu tưởng chừng như đơn giản đó, có những trở ngại và khó khăn bất ngờ xuất hiện khiến cho nhóm bạn nhỏ học hỏi được những bài học ý nghĩa về cuộc sống, lòng dũng cảm, sự hy sinh và cả cách vượt qua nghịch cảnh để sống tốt đẹp hơn.
Trước hết, Trạng Tí là một trong những tác phẩm điện ảnh hiếm hoi của Việt Nam mạnh dạn chuyển thể nội dung từ một bộ truyện tranh trong nước vốn dành cho thiếu nhi. Thần Đồng Đất Việt vốn đã là một thành công khi chứa đựng nhiều chất liệu, không chỉ sự mang lại hóm hỉnh, các bài học giáo dục nhẹ nhàng gần gũi mà còn mang đậm nét văn hóa thời kỳ phong kiến Việt Nam. Bộ truyện khai thác nhiều điển tích điển cố kết hợp với các sự kiện có thật trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Tuy nhiên, với việc chuyển thể sang phiên bản điện ảnh người đóng, các câu chuyện và thông điệp truyền tải ở phiên bản gốc là một thách thức khó khăn với các nhà làm phim cũng như sẽ dễ trở thành 1 thảm họa nếu làm không đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, ekip của Trạng Tí đã chọn hướng đi mới mẻ hơn, đưa thêm các yếu tố siêu nhiên giả tượng cùng dòng cảm xúc gia đình - bạn bè giúp làm mềm mại cũng như liền mạch tuyến phim chính.
Xét về dàn dựng, phim chỉn chu ở nhiều khía cạnh. Mặc dù là một thể loại khó thể hiện tuy nhiên Trạng Tí được xây dựng bám sát xu hướng của điện ảnh quốc tế như việc chuyển hướng câu chuyện sang phong cách kỳ ảo kết hợp giữa thực tại và tưởng tượng cũng như mở rộng bối cảnh, tuyến nhân vật phụ trợ nhằm làm gia tăng kịch tính. Bộ phim rất gần gũi với trẻ em cũng như thu hút được cả người lớn bởi tính giải trí xuyên suốt từ đầu đến cuối.
Những bài học triết lý về cuộc sống được đan cài cẩn thận, tự nhiên không bị giáo điều và lạc lõng. Từ chuyện dạy cho trẻ tinh thần hy sinh, dám đứng lên bảo vệ cái thiện chống lại cái ác đến việc chăm chỉ lao động, tin tưởng vào bạn bè, luôn kề vai sát cánh tương trợ lẫn nhau đến câu chuyện lớn hơn về sự chấp nhận hoàn cảnh, biến những khó khăn trở thành bước đệm để sống tốt hơn, có ích hơn...
Trạng Tí là một thành công của không chỉ ekip sản xuất mà còn là nỗ lực tạo ra hướng đi mới cho điện ảnh nước nhà. Giữa những ồn ào không mong muốn của những người lớn, phim nên được nhìn nhận công bằng là món quà hấp dẫn được chăm chút dành cho trẻ em.
Thêm vào đó, điểm cộng cũng đến từ dàn diễn viên nhí tham gia dự án. Việc tuyển chọn một loạt các em nhỏ đảm nhiệm vai chính trong dự án điện ảnh lớn là một nước đi mạo hiểm ngay cả với những nền điện ảnh lớn, đạo diễn giàu kinh nghiệm. Trẻ em không giống như người lớn, chúng khó có thể bị ép theo một khuôn thước thống nhất nào nên việc để các tài năng nhí có thể diễn đạt, tròn vành về đài từ, linh hoạt về biểu cảm như ở Trạng Tí nên được ủng hộ.
Phim cũng phân chia công bằng thời lượng cho các diễn viên, không đặt nặng bất cứ vai trò nào lên 4 nhân vật chính. Nét tính cách đặc trưng được lột tả tạo ra sự hài hòa, thống nhất. Dù Tí là tâm điểm câu chuyện tuy nhiên phần 'chiếm sóng' lớn nhất có lẽ thuộc về Mẹo và Dần khi những bài học và hình tượng toát ra từ nhân vật này khiến cho người lớn phải thực sự suy xét kỹ càng.
Các diễn viên hài quen mặt với khán giả như NSƯT Quang Thắng, Trung Ruồi, Xuân Nghị... là điểm nhấn nhá hợp lí tạo hài hước. Không bị quá đà và phô trương, nhảm nhí là thành công của tác phẩm.
Về phần hiệu ứng hình ảnh, giống như nhiều bộ phim đã được sản xuất khác của Studio 68, đơn vị này cố gắng mang đến những thước phim kỳ ảo và khác biệt hơn. Đôi chỗ là điểm sáng rất lớn khi mọi thứ chân thực đáng ngạc nhiên nhưng vẫn còn có một vài phân cảnh tương đối sơ xài, vụng về trong cách dàn dựng. Có thể đạo diễn phim chưa có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo các dự án tương tự trước đây, cũng có thể do kinh phí còn giới hạn... chúng ta nên đặt thêm sự kỳ vọng vào ekip sản xuất trong các dự án lớn hơn sau này.
Phần âm nhạc trong phim cũng khá thú vị với những giai điệu bắt tai và gần gũi, mang nhiều nét đặc trưng của hò, vè, đồng dao. Các đoạn nhạc được tùy chỉnh hợp lí, vừa phải.
Ngoài ra, vì được cài cắm nhiều chi tiết ẩn dụ, mở rộng cũng như huyền ảo, Trạng Tí dễ dàng 'tung hỏa mù' người theo dõi và khiến họ lầm tưởng đến những dữ kiện thực tế không liên quan đến mạch truyện phim. Các chi tiết về phép tính đo chiều cao, tên nhân vật quan huyện quá hiện đại không hợp bối cảnh, hay chi tiết đột phá về những viên đá thần tạo ra những dấu chấm hỏi trong kịch bản: vì sao viên đá quan trọng như vậy lại chỉ được đặt nhẹ nhàng lên bàn tay phật, một cô bé gái có thể dễ dàng lấy đi và chi tiết về nén nhang tẩm độc cũng không phải là yếu tố quá thuyết phục người xem... Diễn biến tâm lý nhân vật tên cướp cũng không đồng đều và có phần sắp đặt, cảm tính...
Nhìn chung, Trạng Tí Phiêu Lưu Ký là một thử nghiệm điện ảnh thú vị và đáng để theo dõi. Bộ phim là nét chấm phá đáng khích lệ cho điện ảnh nước nhà khi kết hợp được nhiều yếu tố ăn khách như kỹ xảo hình ảnh, nội dung gây cười và bài học ý nghĩa. Phim không chỉ là món quà hấp dẫn cho trẻ em dịp nghỉ lễ mà còn là cơ hội để người lớn nhìn nhận lại chính bản thân mình, cách chúng ta duy trì những mối quan hệ, đi tìm và khẳng định giá trị bản thân.
Cinematone đánh giá 8/10 điểm cho bộ phim Trạng Tí Phiêu Lưu Kí. Độc giả quan tâm vui lòng gửi ý kiến đóng góp về fanpage của chúng tôi tại đây. Đừng quên theo dõi các kênh truyền thông xã hội của Cinematone để cập nhật các bài review - đánh giá phim điện ảnh khác!