Trở lại sau 9 năm kể từ phần phim hoạt hình Inside Out đầu tiên, khán giả được chứng kiến sự trưởng thành của cô bé Ridley, người ban đầu chỉ học cách để kiểm soát nỗi buồn của bản thân mình, nay phải trưởng thành hơn khi chuẩn bị bước chân vào trung học, nơi có nhiều kỳ vọng và thử thách lớn lao hơn.
Tác phẩm lấy mốc thời gian vào lần sinh nhật thứ 13 của Ridley, khi cô bé hình thành niềm đam mê với bộ môn khúc côn cầu và bộ 5 cảm xúc cơ bản ba gồm: Vui Vẻ, Buồn Bã, Giận Dữ, Sợ Hãi và Chảnh Chọe vẫn tiếp tục tham gia điều hành tâm trí.
Tuy nhiên, một biến đổi không ngờ khi Ridley chính thức bước vào tuổi dậy thì, hàng loạt sự xáo trộn bắt đầu xảy ra mở màn với việc nhóm công nhân tiến đến Đầu Não để cải tạo nơi này khiến mọi thứ trở nên lộn xộn.
Ngay sau đó, sự xuất hiện của bộ 4 cảm xúc mới bao gồm Lo Âu, Xấu Hổ, Ghen Tị và Chán Nản bắt đầu gia nhập Đầu Não và tạo ra hàng loạt rắc rối. Khi này nhóm cảm xúc cơ bản bị đưa ra khỏi trung tâm điều khiển đồng thời với đó là Hình dung về bản thân, vốn ban đầu cho rằng Ridley lớn lên sẽ phải trở thành người tốt, cũng đã bị loại bỏ.
Nhóm dẫn đầu bởi Vui Vẻ khi này phải tìm cách lấy lại Hình dung đó để mang trở về Đầu Não trong khi Xấu Hổ xoay sở để giúp Ridley vượt qua bài kiểm tra năng lực trong trại hè 3 ngày của tuyển trạch viên Roberts.
Nhìn chung, Inside Out 2 xây dựng một mâu thuẫn cơ bản ban đầu liên quan đến Ridley không có nhiều sự mới mẻ như việc cô bé phải đối mặt với những thử thách ở môi trường giao lưu mới hay bạn bè chuyển trường... Tuy nhiên, từ trong chính những cao trào tưởng chừng đơn giản đó, với bản thân cô bé lại là một cuộc đấu tranh cam go và khốc liệt.
Việc thêm vào những cảm xúc mới, đặc biệt là hình thái tiêu cực như Lo Âu cho thấy góc nhìn cực kỳ tinh tế và sâu sắc của các nhà làm phim. Qua đó, chuyển biến trong tâm lý của trẻ con sang người lớn bắt đầu hình thành một cách ấn tượng.
Cảm xúc này cho thấy sự khác biệt rõ rệt và chính xác trong giai đoạn dậy thì của con người với các viễn cảnh hình thành trong đầu và cách Ridley bắt đầu cảm thấy bất an, vô định với tương lai của mình.
So với thời thơ ấu, vui thì cười và buồn thì khóc, tuy nhiên bước sang giai đoạn này, đó không còn chỉ là cách ta cảm nhận thế nào, mà đó còn phải là ta muốn biểu hiện ra ngoài ra sao. Có thể cảm thấy khó chịu nhưng vẫn phải tươi cười, có thể không thích nhưng không được nói ra.
Ridley cố gắng hòa nhập trong môi trường mới để cảm thấy an toàn cho tương lai và chấp nhận đánh đổi xúc cảm của bản thân mình. Những điều này chắc chắn cũng đều đã từng xảy ra với mỗi chúng ta khi lớn lên và bước vào cuộc sống xã hội.
Các nhà làm phim của Pixar tiếp tục mô hình hóa những khái niệm trừu tượng như các ý tưởng, ký ức hay bí mật thầm kín... cũng tạo ra cảm giác phiêu lưu thú vị cho bộ phim lần này.
Xét về trải nghiệm điện ảnh, kịch bản cân bằng ấn tượng giữa góc nhìn hài hước và chiêm nghiệm. Mang đến đầy đủ các cung bậc từ lôi cuốn, choáng ngợp đến lắng đọng và sâu sắc. Inside Out 2 tiếp tục nâng tầm kỹ thuật sản xuất hoạt hình 3D của hãng với những màu sắc bắt mắt và chuyển động mượt mà, cuốn hút.
Nhìn chung, Inside Out 2 (Những mảnh ghép cảm xúc 2) chắc chắn là dự án hoạt hình cực kỳ đáng để thưởng thức. Phim mang đến góc nhìn đầy tinh tế và chính xác về thời kỳ dậy thì với nhiều cuộc đấu tranh tâm lý khi con trẻ lớn lên, dần dời xa vòng tay cha mẹ với những thử thách khác biệt và khó khăn hơn. Dự án cân bằng tốt giữa tính giải trí và bài học nhân văn cũng như khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ.
Cinematone đánh giá 9/10 điểm cho Inside Out 2. Bạn đọc đã thưởng thức bộ phim có thể tham gia đánh giá cùng Cinematone tại đây.