Đất Rừng Phương Nam là bộ phim mới ra mắt của điện ảnh Việt Nam. Tác phẩm do Nguyễn Quang Dũng chỉ đạo diễn xuất dựa trên kịch bản do Trần Khánh Hoàng, Nguyễn Vinh Sơn chắp bút. Đây là bản chuyển thể dựa trên tiểu thuyết văn học cùng tên của cố nhà văn Đoàn Giỏi cũng như bản truyền hình ra mắt năm 1997 của Nguyễn Vinh Sơn.
Lấy bối cảnh vào những năm đầu thế kỷ 20 tại miền Tây Nam Bộ, phim theo sau cuộc hành trình của bé An, người vừa mới mất mẹ trong một cuộc truy quét của chính quyền bảo hộ Pháp khi cả hai cố gắng đi tìm cha. Trải qua nhiều khó khăn và cực khổ, An may mắn nhận được sự trợ giúp của nhiều người khác nhau từ tay trộm cắp Lục Lâm đến ông Tiều bán thuốc dạo rồi thầy giáo Bảy hết lòng hết sức vì nước, vì dân.
Đặt trong bối cảnh cuộc chiến tranh đang ngày một căng thẳng của nhân dân Nam Bộ với đế quốc nước ngoài, chuyện phim cũng phần nào mô tả những mất mát và đau thương từ một thời kiên cường chống quân xâm lược của những người dân vốn chất pháp, thật thà ở vùng đất tuy còn nhiều khó khăn nhưng cũng không kém phần trù phú này.
Đất Rừng Phương Nam trước hết cần được khen ngợi nhờ việc đã mạnh dạn chuyển thể một tác phẩm văn học nổi tiếng, trong khi trước đó bản truyền hình từng gây được tiếng vang rất lớn và để lại nhiều ấn tượng với các thế hệ khán giả 8x, 9x. Do cái bóng quá lớn của Đất Phương Nam, bộ phim điện ảnh này đã gặp phải nhiều nghi ngại cũng như sự kỳ vọng lớn từ người hâm mộ.
Là đạo diễn có nhiều thành công phòng vé cũng như thường xuyên tìm tòi các chất liệu mới, Nguyễn Quang Dũng từng rất được đón nhận thời gian gần đây nhờ việc đầu tư vào những thước phim có hình ảnh đẹp mắt và ấn tượng như trong Tiệc Trăng Máu, Tháng Năm Rực Rỡ, Ước Hẹn Mùa Thu... Và Đất Rừng Phương Nam cũng không nằm trong chuỗi sản phẩm "đẹp" đó.
Phim chăm chút trong nhiều phân cảnh, mang đến các khung hình ấn tượng và chỉn chu cùng màu sắc tươi sáng, có sự nghiên cứu nghiêm túc. Đây có thể coi là một trong số ít tác phẩm "đẹp" của điện ảnh Việt Nam nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên sự đẹp đó lại mang đến một cảm nhận có phần lạc lõng trong không gian mà tác phẩm đặt để. Dù lấy bối cảnh miền tây sông nước, phim xây dựng quá bắt mắt khiến cho người xem khó cảm nhận được sự gian khổ của thời kỳ lịch sử này. Đồng thời, nhiều thắng cảnh nổi bật, cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân Nam Bộ cũng hiện lên chưa rõ nét, thiếu đặc trưng.
Cuộc kháng chiến mang đậm tinh thần nhân văn, phản kháng mạnh mẽ và tình yêu đất nước cháy bỏng mà bộ phim truyền tải vì thế cũng bị lu mờ bởi việc phim có phần hơi lạm dụng các cảnh chiến đấu thiếu thực tế. Màu sắc rực rỡ làm cho sự khắc nghiệt của chiến tranh bị thi vị hóa, khó khơi gợi đồng cảm nơi người xem.
Về mặt xây dựng cao trào, kịch bản có phần hơi dàn trải, thiếu tập trung. Các phát triển mâu thuẫn không theo kết cấu 3 giai đoạn thông thường phù hợp với một dự án truyền hình nhiều hơn là một tác phẩm điện ảnh. Do không phát triển một phần kết đủ kịch tính và có dấu ấn ghi nhớ mạnh mẽ hơn khiến cho Đất Rừng Phương Nam hụt hơi, đánh mất cơ hội để trở thành một bộ phim xuất sắc của điện ảnh Việt Nam.
Cuộc hành trình của An có sự khắc nghiệt nhưng chưa đủ mạnh mẽ, chưa có khắc khoải và thiếu niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Mọi thứ diễn ra trong thời lượng hạn chế của một bộ phim điện ảnh dường như khó có đủ không gian và thử thách để giúp An hiểu ra giá trị của mình, để cậu bé trưởng thành và sâu sắc hơn.
Đất Rừng Phương Nam cũng ghi điểm nhờ dàn diễn viên tương đối hợp vai và tất cả đều có diễn xuất tốt, đồng đều. Nhân vật bé An do Huỳnh Hạo Khang đảm nhiệm mang đến sự tự nhiên, thông minh dù chỉ mới lần đầu chạm ngõ điện ảnh. Cậu bé có đại từ ổn định, gương mặt sáng, phù hợp và dễ dàng thể hiện được nhiều sắc thái cảm xúc của nhân vật.
Bên cạnh đó, Tuấn Trần cũng phát huy khả năng của mình sau nhiều bộ phim anh tham gia nhưng chưa thực sự gây được ấn tượng trước đó. Trong Đất Rừng Phương Nam, Tuấn Trần được ưu ái tạo nhiều đất diễn với vai trò Út Lục Lâm và đây được xem như một nhân vật thứ chính quan trọng của tác phẩm.
Các nhân vật khác cũng thể hiện khả năng diễn xuất ổn định như Tiến Luật, Huỳnh Đông, Hứa Vĩ Văn... trong đó, đặc biệt là màn tái xuất ấn tượng của Băng Di. Trong phim cô đảm nhiệm nhân vật Tư Mắm, một bước ngoặt lớn và quan trọng của bộ phim. Từ đại từ đến ánh mắt, sự dứt khoát lạnh lùng giúp Băng Di được đánh giá cao giữa dàn diễn viên đông đảo của dự án lần này.
Phim cũng gây được ấn tượng nhờ phần âm nhạc do Đức Trí thực hiện. Bản hòa âm mang đến sắc thái vừa bi tráng vừa hào hùng, phù hợp trong tổng thể tinh thần mà Đất Rừng Phương Nam muốn truyền tải. Dẫu vậy, phần hiệu ứng kỹ xảo vẫn còn hạn chế, chưa chân thực có thể làm ảnh hưởng đến trải nghiệm tổng thể của bộ phim.
Việc sản xuất một dự án gắn liền với mốc thời gian có thật trong lịch sử luôn là thách thức ngay cả với những nhà sản xuất dày dặn kinh nghiệm, đến từ các nền điện ảnh lớn mạnh khác trên thế giới. Phim đã và đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả tuy nhiên, việc mạnh dạn chuyển thể các tác phẩm văn học kinh điển cũng như lựa chọn thể loại vốn rất ít xuất hiện trong điện ảnh giải trí nước nhà sẽ giúp mở ra cơ hội mới cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, một môi tường vẫn còn rất ít kịch bản nguyên gốc đủ sáng tạo và độc đáo.
Cinematone đánh giá 7 trên 10 điểm cho Đất Rừng Phương Nam. Độc giả đã thưởng thức bộ phim, hãy tham gia chấm điểm cho tác phẩm này trên Cinematone tại đây.