Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn vòng quanh Thế Giới Bài viết Trực tuyến, mối đe doạ hay bước đi mới cho ngành công nghiệp điện ảnh?

Trực tuyến, mối đe doạ hay bước đi mới cho ngành công nghiệp điện ảnh?

Trong một động thái mới đây của hãng Universal khiến các nhà rạp tại Mỹ phải lên tiếng phản đối, hãy cùng nhìn lại bối cảnh và câu chuyện mang tên 'Trực truyến' trong thời đại hậu COVID-19.

03/05/2020 16:24 (GMT+7)

Nhiều năm trước chúng ta đã có những bàn luận về hai từ 'Trực tuyến' khi sự ra mắt và lên ngôi của ông lớn NETFLIX trong bước đi táo bạo chuyển đổi từ nền tảng cho thuê băng đĩa truyền thống sang môi trường dịch vụ Internet với mô hình kinh doanh theo yêu cầu dựa trên các thiết bị đầu cuối của người dùng như TV hay điện thoại thông minh.

Sự mạnh bạo trong quá trình chuyển đổi khiến hãng này đốt tiền vào những dự án sản xuất phim độc quyền cho nền tảng của mình và không cho chúng ra rạp theo cách truyền thống. Nhiều LHP đã lên tiếng và có những động thái mạnh mẽ nhằm đối đầu với Netflix khi thẳng thừng loại các tác phẩm đó ra khỏi danh sách đề cử thậm chí không cho phép chúng xuất hiện tại các chợ đấu giá phim (nơi vốn được thiết kế cho phép các nhà rạp và người làm phim trao đổi thương mại với nhau).

Cuộc đua khốc liệt của các ông lớn

Năm 2019 chứng kiến cuộc đua khốc liệt của mô hình kinh doanh này khi sân chơi vốn dĩ đã rất eo hẹp nay lại gặp thêm các đối thủ mạnh mẽ khác như Disney+ (từ Walt Disney) và Apple TV+.

Hai đối thủ mới ra nhập kể trên, mỗi bên sở hữu những lợi thế mà hiếm hãng nào có được như: Disney sở hữu kho nội dung phong phú và được nhiều thế hệ thành viên trong gia đình yêu thích trong khi Apple có nền tảng công nghệ và thiết bị đầu cuối tích hợp cùng lượng tiền mặt và danh tiếng tích lũy từ lâu. Cả hai đều đã có những bước đi mới, tạo ra các nền tảng đủ tốt cho phép các nhà sản xuất và phân phối phim nhìn nhận lại phương thức làm việc vốn có của họ.

Trong các thỏa thuận trước đây giữa hãng phân phối và các rạp chiếu phim, một tác phẩm điện ảnh chỉ được trình chiếu trên các nền tảng khác ít nhất sau 90 ngày ra rạp. Nhiều hãng phim thường lùi thời hạn này xuống muộn hơn nếu trong thời gian họ vẫn còn có các tác phẩm nổi bật khác ngoài rạp. Điều này không chỉ giúp các hãng phim thu hồi nhanh chóng lợi nhuận từ tác phẩm mà còn giúp hệ thống nhà rạp sống khỏe.

Tuy nhiên, câu chuyện đã khác trong thời đại người dùng đang tập thích nghi với thói quen nhìn ngắm mọi thứ qua một chiếc màn hình vỏn vẻn chỉ 6 7 inch cùng không gian riêng tư ở mọi thời điểm thích hợp trong ngày.

Đánh đổi trải nghiệm quen thuộc để lấy tính tiện dụng

Đây không còn là câu chuyện quá lạ lẫm trong thời đại con người đánh đổi trải nghiệm để lấy sự tiện dụng như hiện nay. Cụm từ trực tuyến đã mở ra cả một thế giới mới nơi con người có thể làm mọi thứ mà không cần rời xa nơi ở của họ.

Trong khi các nhà rạp cố gắng phát triển nhiều công nghệ tốn kém để mở rộng các hình thái thưởng thức phim ảnh cũng như nâng cao chất lượng chiếu phim (hay còn gọi là trải nghiệm), ở mặt còn lại các nền tảng trực tuyến lại tập trung vào một yếu tố khác như vấn đề nội dung, giá thành hay loại hình thiết bị cũng như cách ra mắt các tập phim mới mỗi tuần (hay còn gọi là tính tiện dụng).

Một ví dụ ở mảng công nghệ, vào năm 2017 khi iPhone X lần đầu tiên được ra mắt trong sự kiện thường niên của Apple. Một chiếc tai thỏ bị đánh giá là xấu xí và ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm người dùng được ra mắt trong thế hệ thiết bị kỷ niệm 10 năm iPhone lần đầu xuất hiện.

Nhiều tháng sau đó, người dùng vẫn ùn ùn kéo nhau đi mua iPhone X vì nó sở hữu hàng loạt các yếu tố tiện dụng khác như hệ điện hành mượt mà, công nghệ sinh trắc học FaceID giúp mở khóa tiện lợi, camera chụp ảnh nhanh - sắc nét... Thành công này khiến các ngành công nghiệp cung cấp hàng hóa - dịch vụ khác cũng cần phải chuyển mình để phục vụ khách hành trong thời đại rất khác biệt hiện nay.

Trong khi người dùng có thể mua sắm trực tuyến, học tập trực tuyến, làm việc trực tuyến hay thậm chí cả tổ chức đám cưới , cầu nguyện, thăm quan trực tuyến... câu hỏi đặt ra không phải là họ có cần xem phim trực tuyến không mà là họ sẽ còn xem phim tại rạp bao lâu nữa? Đại dịch COVID-19 là cơ hội kiểm thử tuyệt vời cho ngành công nghiệp chiếu bóng có tuổi đời hơn 100 năm tuổi.

Trực tuyến là bước đi bắt buộc của ngành điện ảnh?

Mới đây, hãng Universal đã làm phật lòng hai ông lớn trong làng chiếu phim tại Mỹ là AMC và Cineworld. Theo đó, trước thành công của việc phát hành trực tuyến bộ phim Trolls World Tour, mang về ước tính khoảng 100 triệu đô trên các nền tảng trực tuyến đúng vào thời điểm dịch COVID diễn biến phức tạp nhất tại Mỹ và nhiều quốc gia lân cận, CEO của Universal - Jeff Shell cho biết hãng sẽ hướng đến thậm chí đẩy mạnh việc phát hành đồng thời cả trên nền tảng trực tuyến lẫn tại rạp cho các tác phẩm điện ảnh của mình trong tương lai..

Đáp lại lời thông báo trên, truyền thông Âu Mỹ cho hay các nhà rạp sẽ phản ứng mạnh mẽ nhằm tránh tình trạng các hãng phim khác cũng "nối gót" Universal.

 Đại diện Hiệp hội Chủ rạp Mỹ nói: "Universal không có cơ sở dùng tình thế bất thường (dịch bệnh) làm bàn đạp cho việc bỏ qua quy tắc phát hành phim ở rạp".

AMC là hệ thống rạp lớn nhất thế giới và tại Hoa Kỳ. Hãng này sở hữu 244 rạp phim với hơn 2.200 màn chiếu tại Châu Âu và 661 rạp cùng 8.200 màn chiếu tại Hoa Kỳ. Năm 2018, doanh thu mang về của hệ thống ước tính đạt gần 5.5 tỷ đô-la Mỹ. Đây là con số không hề nhỏ với bất kỳ một doanh nghiệp nào đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông giải trí. Việc giảm lượng phim hấp dẫn chiếu rạp ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các đơn vị này.

Nhiều năm gần đây, các hệ thống rạp ra mắt nhiều loại hình rạp chiếu như loại hạng phòng VIP, phòng giường nằm, phòng 4D, phòng ScreenX hay tiêu chuẩn rạp chiếu IMAX thậm chí còn phân chia ra các khung giờ khác nhau như suất chiếu đầu, ngày lễ, ngày cuối tuần... khiến giá vé xem phim bị đội cao lên nhiều lần. Đây chính là sự bất bình đẳng trong trải nghiệm điện ảnh tại rạp chiếu khi các hệ thống này tận thu.

Tuy nhiên, bù lại khách hàng được trải nghiệm những dịch vụ và không gian thú vị với chất lượng cao cấp hơn. Về phía các nền tảng trực tuyến, ngoại trừ các gói cước theo nhu cầu sử dụng, trải nghiệm khác biệt duy nhất nằm ở chính người dùng hay chính xác là do thiết bị đầu cuối mà họ đang sở hữu.

Tuy nhiên, trên thực tế AMC cùng nhiều đơn vị phát hành khác cũng đang một hai nhảy vào cuộc đua nền tảng này khi phát hành các dịch vụ xem trực tuyến theo yêu cầu (On Demand) với giá chỉ từ 1 đô-la Mỹ. Hay ngay chính tại Việt Nam, đơn vị phát hành Galaxy Studio cũng ra mắt dịch vụ Galaxy Play với giá cũng chỉ từ 10.000 đ/tháng. Dẫu vậy, các phim trên nền tảng này hầu hết là các phim cũ hoặc đã ra mắt đủ thời hạn quy định tại rạp.

Chưa rõ cuộc chiến nền tảng và trải nghiệm sẽ đi đến đâu, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, giá trị và lợi thế vượt trội của 'Trực tuyến' đang dần được khẳng định và nó chắc chắn sẽ thay đổi thói quen xem phim của người dùng trong thời gian tới.


Bài viết liên quan



Đọc thêm bài viết khác

Nội dung đang được tải...