Hollywood những năm trở lại trở lên thịnh vượng khi các kỷ lục phòng vé mới liên tục được thiết lập. Mỗi năm, từ các phòng chiếu, lượng vé bán ra cũng tăng lên đáng kể. Có thể thấy, không chỉ quốc tế mà thậm chí ngay tại Việt Nam, xem phim vẫn là một trong những hình thức giải trí nhanh chóng và tiện lợi nhất. Chính vì những nguyên do đó, các công ty sản xuất và phát hành đã cho ra rạp lượng phim điện ảnh ngày càng nhiều. Trung bình, cứ mỗi tuần lại có từ hai đến ba tác phẩm mới ra rạp (chỉ tính phim phát hành rộng rãi), con số này thậm chí còn nhiều hơn trong những dịp trọng điểm như nghỉ hè hay giáng sinh.
Đóng góp vào lượng tác phẩm khổng lồ đó, phim điện ảnh sản xuất dựa theo một thương hiệu điện ảnh luôn là cỗ máy làm phim được quan tâm nhất. Sau thành công của một bộ phim, các đơn vị bắt đầu tiến hành khai thác bằng cách phát triển chuỗi thương hiệu. Quy trình này sẽ thường bao gồm: phát triển hậu truyện, tiền truyện và mở rộng dưới dạng các phim ăn theo, sau cùng là reboot (tái khởi động).
Robocop (2014) được tái khởi động dựa trên bộ phim sản xuất năm 1987. Ảnh: Sony Pictures
Quá trình reboot phim thường là một quyết định quan trọng và rất khó khăn để thực hiện. Một thương hiệu được reboot chỉ khi loạt phim gốc đã không còn đủ hấp dẫn (trừ một số trường hợp được tái khởi động dưới một định dạng khác). Điều này có thể được quyết định bằng nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất vẫn là vấn đề về doanh thu. Khi một thương hiệu điện ảnh có mức sụt giảm đều qua mỗi tập, đó là dấu hiệu cho thấy cần dừng lại và hoặc loại bỏ hoặc reboot. Thông thường, việc tái khởi động phim sẽ không được thực hiện ngay mà sẽ cần một khoảng thời gian tương đối để các thất bại được lắng xuống và sau đó, việc reboot được xem như một quân bài marketing hiệu quả.
Trong suốt hơn hai thập kỷ qua, Hollywood chứng kiến việc reboot nhiều tác phẩm, trong đó có cả các phim có kinh phí lớn (thường gọi là phim bom tấn) đến các phim có kinh phí nhỏ. Vấn đề được nhắc đến rằng, số lượng thành công từ việc reboot dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa phần trong số đó là thất bại hoặc có thành tích kém kỳ vọng.
The Amazing Spider-man là phần tái khởi động không thành công. Ảnh: Sony Pictures
Tuy nhiên ngoài vấn đề về doanh thu, nhiều yếu tố khác nằm trong chiến lược cũng cần được nhắc đến. Ví như, năm 2012, khán giả chứng kiến việc Sony đột ngột thông báo việc tái khởi động thương hiệu Spider-man ngay sau khi chỉ mới ra mắt 1 trilogy với sự tham gia của Tobey Maguire. Phần phim cuối cùng với sự góp mặt của Tobey mang về doanh thu khả quan, tăng so với phần 2 và giữ vững phong độ khi mang về đến 890 triệu USD (cao nhất bộ ba phim). Như vậy, trong trường hợp của Người Nhện, vấn đề doanh thu không phải là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến sự reboot của phim. Nhiều nguồn tin cho rằng, việc tái khởi động phim nảy sinh bởi những mâu thuẫn giữa đạo diễn Sam Raimi và hãng phát hành Sony Pictures. Trên tạp chí Total Film năm 2013, ông cũng đã từng nhắc đến vấn đề này:
“Đó là cuộc chia tay bình yên. Chỉ đơn giản là Sony đưa ra một deadline, nhưng tôi không thể hoàn thành. Tôi không vui vì Spider-Man 3, và muốn Spider-Man 4 lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ, trở thành phim Người Nhện hay nhất. Nhưng cá nhân tôi không thể đưa ra một kịch bản ưng ý. Tôi nói với Sony rằng: "Có lẽ chúng ta không nên làm một bộ phim khi biết trước rằng nó sẽ không hay. Hãy cứ tái khởi động thương hiệu nếu muốn”.
Sau 4 năm kể từ Spider-man 3, Sony lập tức phải tái khởi động Spider-man với loạt phim
The Amazing Spider-man với sự tham gia của tài tử
Andrew Garfield. Không cần nhắc lại, khán giả vẫn còn nhớ đến việc vì sao phim chỉ có thể được sản xuất 2 phần sau đó bị dẹp bỏ. Bế tắc trong việc phát triển người nhện khiến Sony phải tái khởi động thương hiệu liên tục, tuy nhiên, vấn đề của hành động gây tốn kém cả về tiền bạc lẫn uy tín thương hiệu này nằm ở vấn đề bản quyền. Theo thỏa thuận được ký với Marvel trước đây, nếu Sony không thể thực hiện các bộ phim trong thời hạn quy định,
Spider-man có nguy cơ bị thu hồi. Việc thu hồi này không đơn giản chỉ là việc
Sony không được sử dụng hình ảnh của Spider-man mà còn cả một vũ trụ liên quan đến người nhện như các biến thể, các ác nhân và sự kiện... Chính vì vậy, việc tái khởi động này nhằm mục đích giữ lại toàn bộ khối tài sản bản quyền liên quan đến người nhện. Chẳng hạn, nếu không giữ được
Spider-man, Sony có thể cũng không thể có bản quyền sản xuất
Venom hay
Spider-man: Into the Spider-verse...
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc tái khởi động một số bộ phim cũng nhằm mục đích làm sống lại cũng như thiết đặt các nền móng giúp mở rộng chất liệu cho thương hiệu (như
Bumblebee,
Robocop,
Fantastic Four,
The Mummy,
Dracula: Untold...) hoặc thay thế các lớp diễn viên/ ekip cũ đã quá tuổi (như
Batman Begins,
The Amazing Spider-man,
Tom Raider,
Spiderman: Homecoming,
Teminator: Genisys...)
Terminator: Dark Fate có thể tạm coi là một phần tái khởi động khi thay thế một vài nhân tố cũ và vẽ lại mạch truyện mới từ thời đại Genisys. Ảnh: Skydance
Nhìn vào danh sách các phim tái khởi động trong nhiều năm qua, đa phần đều thất bại hoặc có kết quả không như mong đợi. Việc tái khởi động giống như con dao hai lưỡi, có thể giúp mở rộng theo nhiều hướng hay giết chết thương hiệu thêm một lần nữa. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn cũng như tài năng của cả các nhà sản xuất lẫn tài năng của ekip thực hiện.