Chuyện gì đang xảy ra tại Hãng phim truyện Việt Nam?

Chuyện gì đang xảy ra tại Hãng phim truyện Việt Nam?

Là một đơn vị sản xuất phim lâu đời và có tiếng tuy nhiên nền kinh tế thị trường đã đẩy VFS vào một cuộc thoái trào do không còn đủ năng lực cũng như sự nhạy bén. Cùng với đó, kể từ sau quá trình cổ phần hóa vào năm 2016, hoạt động tại hãng phim gần như đóng băng do thiếu nguồn vốn và sự đổi chủ gây nhiều tranh cãi.

Kinh doanh
09/01 2024

VFS (Hãng phim truyện Việt Nam) và sau đổi thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam vào năm 2010. Đến năm 2017, Bộ VH TT&DL tiếp tục ký quyết định đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam. Cả ba quá trình trên đã cho thấy sự thay đổi chiến lược trong mô hình vận hành của Công ty này.

Được thành lập từ năm 1953, VFS từng được coi là doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong lĩnh vực sản xuất phim truyện điện ảnh và chiếu bóng tại thị trường Việt Nam. Năm 1959, đơn vị sản xuất dự án điện ảnh đầu tiên có tên Chung một dòng sông và suốt quãng thời gian dài sau đó, sự nghiệp của VFS gắn liền với thời kỳ làm phim cách mạng tại nước ta.

Những tác phẩm tiêu biểu mà đơn vị này từng ra mắt có thể kể đến như Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa Đông năm 46, Đừng Đốt, Chị Dậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... Đây đều là những tác phẩm có chất lượng sản xuất tốt, được đánh giá cao với nhiều giải thưởng cả trong và ngoài nước. VFS cũng là cái nôi sản sinh ra nhiều nghệ sĩ, diễn viên gạo cội của nền truyền hình - điện ảnh nước ta.

Hoạt động thua lỗ kéo dài

Thành công là vậy, tuy nhiên VFS cũng không tránh khỏi guồng quay của cơ chế thị trường. Sự phát triển nhanh chóng của dòng phim thương mại phục vụ giải trí đã khiến cho điện ảnh cách mạng không còn nhiều chỗ đứng. Các phim ra mắt đều khó thu hút khán giả, thua lỗ triền miên.

Trao đổi với báo Dân Trí vào năm 2017, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết rằng hoạt động của Hãng phim truyện Việt Nam liên tiếp gặp khó khăn do vấn đề nhà nước không còn đặt hàng phim. Kể từ hơn 20 năm trước, doanh nghiệp này đã thua lỗ. Giai đoạn từ năm 2004 đến 2014, báo cáo tài chính cho thấy VFS đã lỗ gần 40 tỷ đồng và "chỉ chi được 1/2 lương so với mức lương tối thiểu nhà nước quy định" cho cán bộ công nhân viên của công ty.

Tình trạng xuống cấp cơ sở hạ tường nghiêm trọng tại Hãng phim truyện Việt Nam

Tình trạng xuống cấp cơ sở hạ tường nghiêm trọng tại Hãng phim truyện Việt Nam

Trong giai đoạn trước khi cổ phần hóa, VFS cũng gặp nhiều tai tiếng trong đó nổi bật là sự việc xảy ra vào đầu năm 2013 khi "các nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam đang ngồi trong khu nhà tại trụ sở số 4 Thuỵ Khuê thì đã bị hai người đàn ông đi xe máy dùng súng bắn xuyên qua cửa kính làm cửa kính vỡ toang, rất may không có ai bị thương", theo Dân Trí. Sự việc này đã khiến cho nhiều người cảm thấy bất an và lo lắng tuy nhiên cho đến tận 3 năm sau vẫn chưa thể tìm ra thủ phạm.

Trước đó, dưới thời Giám đốc Nguyễn Văn Nam, ông đã ký hợp đồng cho thuê một phần khuôn viên của VFS để làm quán ăn Vọng Hoa Lâu với thời hạn thuê từ năm 2002 đến năm 2008. Tuy nhiên khi hết hợp đồng, đối tác liên tục không bàn giao lại khu đất. Đến tháng 12 năm 2012, khu đất được Bộ VHTT&DL chỉ đạo lấy lại nhưng không thành công và hai bên buộc phải đưa nhau ra Tòa.

Đến tháng 08 năm 2016, Nhà truyền thống của đơn vị bị phát hiện có kẻ gian đột nhập. Bảo vệ của Hãng cho biết cửa kính và khoá có dán niêm phong bị phá vỡ. Toàn bộ đồ đạc trong nhà bị đập phá, ném xuống sàn nhà…

Quá trình cổ phần hóa

Được biết công tác cổ phần Hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam diễn ra từ năm 2013 và đến tháng 06 năm 2017 thì chính thức thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Viện Nam.

Ở giai đoạn 1, trong lần thực hiện cổ phần đầu tiên vào năm 2013, Nhà nước mong muốn bán 60% cổ phần tại VFS tuy nhiên không thể bán hết và buộc phải nhận lại thêm 20%. Dù đã nâng hạn mức nhưng quá trình này vẫn không thành công và Nhà nước tiếp tục nắm giữ gần 90% cổ phần. Theo yêu cầu trong bối cảnh nền kinh tế mới, điện ảnh sẽ không còn là lĩnh vực kinh doanh do Nhà nước nắm giữ vì vậy quá trình cổ phần này cần được tiếp tục.

Trong giai đoạn 2, chỉ duy nhất một nhà thầu tham gia mua cổ phần là Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) và đơn vị này cũng không mua toàn bộ (chỉ 65% cổ phần), thấp hơn mức 80% như dự kiến lúc chào bán. Giá trị mua vào là hơn 32 tỷ đồng. Dẫu vậy đến tháng 09 năm 2017, Vivaso cho biết, mỗi tháng khoản lỗ của đơn vị này tại VFS khoảng 800 triệu đồng và 6 tháng đầu năm 2017 đã lỗ hơn 4 tỷ.

Nguyên nhân cổ phần VFS bị cho là "ế ẩm" xuất phát từ việc đơn vị đã gặp nhiều bất lợi ở thời điểm đó do hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài (số nợ lên đến hơn 90 tỷ đồng), trang thiết bị lạc hậu, nhà xưởng cũ nát và đất thuê chưa hoàn tất thủ tục pháp lý... Ở thời điểm mua, Tổng Công ty Vận tải thủy cam kết sẽ cho Hãng phim truyện Việt Nam vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, giới thiệu các đối tác có tài chính, có nhu cầu truyền thông, quảng cáo để VFS quay trở lại hoạt động.

Nghệ sĩ phản ứng với chủ mới

Sau khi về tay chủ mới, VFS từng được Bộ VHTT&DL trao quyết định đặt hàng dự án phim “Người yêu ơi” và đã tiến hành mua sắm trang thiết bị "hết gần 3 tỷ đồng", thành lập đoàn phim đi khảo sát các địa điểm cũng như casting diễn viên để chuẩn bị quay.

Dẫu vậy, đến tháng 09 năm 2017, nhiều nghệ sĩ làm việc tại đây lại bày tỏ bức xúc về chủ mới và làm đơn gửi tới cơ quan chức năng. Điều này đã khiến Thanh tra Chính phủ quyết định vào cuộc để thanh tra lại quá trình cổ phần hóa hãng phim. Lùm xùm này khiến Bộ VHTT&DL không tiếp tục ký hợp đồng làm phim nữa.

Đến tháng 03 năm 2020, theo kết luận thanh tra, việc xây dựng phương án sử dụng đất tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty cổ phần, Hãng phim truyện Việt Nam xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích tại khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP. Hồ Chí Minh và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai.

Chính phủ sau đó yêu cầu Bộ VHTT&DL thực hiện các quy trình, thủ tục để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Hơn 300 bản phim nhựa gốc được phát hiện đã hư hại tại Hãng phim truyện Việt Nam gần đây

Hơn 300 bản phim nhựa gốc được phát hiện đã hư hại tại Hãng phim truyện Việt Nam gần đây. Ảnh: Đạo diễn Thanh Vân

Suốt từ thời điểm đó đến nay, đơn vị này gần như không có hoạt động sản xuất, phát hành phim nào. Cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng với nhiều hội trường bị bỏ không, rêu mốc. Đỉnh điểm là việc kho phim của Hãng phim truyện Việt Nam không được tu sửa trong nhiều năm khiến gần 300 bản phim nhựa gốc được lưu trữ tại đây khó có thể tiếp tục sử dụng do đã "hư hỏng hoàn toàn".

Theo như công văn trả lời của Bộ mà chúng tôi mới nhận được, sau gần 1 năm chờ đợi, thì tình trạng của kho phim đã bị hỏng hoàn toàn. Đây là một tin buồn. Đây là một tổn thất rất lớn cho di sản điện ảnh của đất nước và sẽ cần thiết phải có sự đánh giá chuyên nghiệp, công khai, minh bạch về tổn thất, thiệt hại này cả về mặt thuần túy kinh tế và cả về mặt tinh thần.

NSƯT Bùi Trung Hải chia sẻ với Báo Dân Trí hôm 5 tháng 1 vừa qua.

Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 vào ngày 3/1/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ VH-TT&DL phối hợp với Chính phủ nhằm giải quyết dứt điểm những tồn đọng ở Hãng phim truyện Việt Nam và sẽ có kết luận trong thời gian tới.

Vui lòng chờ! Đang tải...
Vui lòng chờ! Đang tải...
Từ năm 2018
Phiên bản 23.05
Theo dõi Cinematone trên:
Hotline: 0927 20 12 18
Thiết kế và phát triển bởi Christ Design
Vận hành bởi Cinematone.info
Nội dung đang được tải...