The Hunger Games: The Ballad of Songbirds and Snakes là phần tiền truyện của loạt phim 4 phần xoay quanh thế giới hậu tận thế giả tưởng ở vùng đất có tên Panem. Phim không có sự tham gia của phần lớn dàn diễn viên nổi tiếng trong phần đầu tuy nhiên lại đưa khán giả đến với một khung cảnh rất khác, xoay quanh câu chuyện về sự trỗi dậy của chàng trai trẻ đầy tham vọng, người sau này đã trở thành Tổng thống Coriolanus Snow khét tiếng.
Lấy mốc thời gian vào thời điểm Đấu Trường Sinh Tử lần thứ 10, trùng với thời điểm kỷ niệm 10 năm cuộc nội chiến phá hủy Panem kết thúc, bộ phim xoay quanh câu chuyện của chàng trai trẻ Coriolanus Snow (Tom Blyth đóng), một cư dân Capitol chính hiệu. Sự ra đi đột ngột của cha cậu trước đó khi đang làm nhiệm vụ tại Quận 12 khiến cho tình hình kinh tế gia đình sa sút.
Để có tiền trợ giúp gia đình và thay đổi cuộc đời, Snow quyết giành được giải thưởng Plinth danh giá. Dẫu vậy, để đạt được điều đó, cậu cùng các học viên khác cần hoàn thành một nhiệm vụ cuối cùng: trở thành cố vấn và đưa vật tế của mình đến với chiến thắng trong Đấu trường sắp diễn ra.
Dẫu vậy, vật tế của Snow lần này là một cô gái trẻ lạ lùng và đến từ nơi trước đó chưa từng có ai chiến thắng: Quận 12. Dù bị sắp đặt mọi việc vô cùng bất lợi, tuy nhiên với tham vọng và tài trí của mình, Snow quyết tâm làm mọi cách để đưa vật tế đến với chiến thắng, không chỉ vì cô ta mà còn cho chính bản thân mình.
The Hunger Games trước đó đã là một nhượng quyền thương mại vô cùng thành công. Bốn phần phim đầu tiên ra mắt không chỉ giúp đưa tên tuổi của Jennifer Lawrence lên hàng ngũ những ngôi sao nữ được trả lương cao nhất Hollywood mà còn tạo ra làn sóng chuyển thể các tác phẩm thể loại hậu tận thế dành cho thiếu niên nói chung, phim với nhân vật chính là nữ giới nói riêng, lên màn ảnh rộng.
Việc The Hunger Games đạt thành công lớn chắc chắn tạo sức ép không nhỏ đến bản tiền truyện lần này. Tuy nhiên, rõ ràng The Ballad of Songbirds and Snakes đã có một hướng đi mới mẻ nhằm mở rộng câu chuyện lịch sử trải dài của vùng đất giả tưởng Panem tàn khốc.
Ở các phần phim trước đó, nhân vật trung tâm là một vật tế đến từ các Quận vệ tinh. Với ý trí và lòng trắc ẩn đã giúp Katniss dành được chiến thắng, thì giờ đây khán giả sẽ được tiếp cận thế giới này dưới góc nhìn của một người dân Capitol, một đối đầu quan trọng trong loạt sau của câu chuyện.
Việc chọn một nhân vật trung tâm là vai phản diện trong The Ballad of Songbirds and Snakes không giống như những gì mà khán giả từng biết đến với cách xây dựng trước đây của Hollywood. Bộ phim không "tẩy trắng" nhân vật, không truyền thông điệp về quá khứ tốt đẹp của một phản diện mà thay vào đó là khắc họa một Snow quỷ quyệt, tham vọng và nhiều mưu tính ngay từ những ngày đầu.
Vốn là một tác phẩm có đề tài đặc biệt, khơi gợi sự trắc ẩn và lòng vị tha của con người trong chính những thước phim tàn bạo nhất, việc chọn hướng đi kể trên mang đến cho tác phẩm lần này một cảm giác rùng rợn và thậm chí có phần lạnh hấp dẫn hơn so với những dự án trước.
Tính phi lý tàn bạo của Đấu trường sinh tử hiện lên rõ nét hơn, đậm đặc hơn, xuất phát từ chính những kẻ đã tạo ra nó. Đấu trường không chỉ giết chết những người tham gia mà còn gieo rắc vào thế hệ kế cận của Capitol sự tàn nhẫn đến khó tin. Đó cũng được hiểu là lý do vì sao loại hình tra tấn này cứ tiếp tục được kéo dài ngay cả đến phần kết của The Hunger Games: Mockingjay sau này.
The Ballad of Songbirds and Snakes được đánh giá cao nhờ yếu tố nghệ thuật thẩm mỹ của bộ phim. Lấy bối cảnh hàng chục năm trước, khung cảnh Panem hiện lên thô sơ và kém tiến bộ về mặt công nghệ. Dù cuộc chiến chỉ diễn ra trong khuôn khổ của một đấu trường nhỏ mang tính biểu tượng, tuy nhiên sự phát triển hành vi của vật tế vẫn có cao trào, khiến người xem khó có thể rời mắt khỏi diễn biến của bộ phim.
Tác phẩm được đánh giá cao khi không đi theo lối mòn của những phần phim trước. Sự vụng về trong khâu tổ chức Đấu trường, sự yếu ớt trong hệ thống phòng thủ của Capitol, sự đơn giản bộ máy cai trị Panem... tạo nên một trải nghiệm rất khác biệt, rất đáng để theo dõi, nếu bạn thực sự là người hâm mộ của loạt phim biểu tượng này.
Điểm sáng tiếp theo trong bộ phim thuộc về Tom Blyth, nam diễn viên trẻ điểm nhiệm vai trò Coriolanus Snow. Diễn xuất và tạo hình của Tom tương đối hợp vai. Anh thể hiện thành công nhiều sắc thái của Snow, một kẻ tham vọng, tàn bạo và đáng sợ. Sự điềm tĩnh của Snow từ lúc còn trẻ cho đến sau này được phát triển nhất quán. Có lẽ, nhờ đạo diễn Francis Lawrence tiếp tục chỉ đạo bộ phim đã thực sự mang lại hiệu quả tốt cho tác phẩm.
Một phần trình diễn đáng khen ngợi khác thuộc về minh tinh Viola Davis. Tạo hình đặc biệt với chất giọng trầm ấn tượng khiến cho nhân vật tiến sĩ Volumnia Gaul dễ dàng ghi dấu ấn trong lòng người xem.
Về phần Rachel Zegler, nữ diễn viên vẫn được tạo cơ hội để phô diễn giọng hát nội lực và trau chuốt của mình tuy nhiên hầu hết tinh thần của nhân vật vẫn chưa thực sự được lột tả qua màn trình diễn của Rachel. Cô nàng có phần hơi nhẹ nhàng, nữ tính, chưa thực sự mạnh mẽ và gai góc như những gì mà Lucy Gray Baird cần có.
Trong phần phim này, đội ngũ thiết kế vẫn phát huy được thế mạnh với trang phục độc đáo, ấn tượng, phá cách với nhiều đường nét táo bạo tạo ra cảm giác tương lai. Phim cũng khai thác được phần lời thoại dày, có ý nghĩa tuy nhiên do có nhiều nhân vật được đề cập và các câu chuyện phụ bổ sung xoay quanh các tuyến khác nhau khiến cho mạch phim có phần hơi lan man và đôi lúc bị "kịch" hóa, không cần thiết. Việc phân chia kết cấu chương hồi cũng không mang lại hậu quả do tác phẩm vốn xây dựng tuyến tính, liền mạch với nhau từ đầu đến cuối.
Việc tái hiện lại những đoạn nhạc ấn tượng của Mockingjay, cùng bài hát The Hanging Tree được lặp lại trong nhiều phân đoạn chắc chắn cũng là điểm nhấn đáng chú ý, đặc biệt là với những người đã yêu thích các phần phim trước đây.
Nhìn chung, The Ballad of Songbirds and Snakes vẫn là một dự án đáng giá với những người hâm mộ thế giới giả tưởng đã được thiết lập trong nhượng quyền The Hunger Games. Phim có phần thiết kế tốt, giữ ổn định cùng việc xây dựng tính cách nhân vật chính hài hòa, ăn khớp với các dự án trước đây. Kịch bản ưu tiên thoại dày, truyền tải thông điệp rõ ràng và nhất quán.
Cinematone đánh giá 7 trên 10 điểm cho The Hunger Games: The Ballad of Songbirds and Snakes. Bạn đọc đã thưởng thức bộ phim có thể tham gia chấm điểm cùng Cinematone tại đây.