Bài viết Kinh doanh Vấn nạn trộm vé, gian lận doanh thu gây nhức nhối thị trường điện ảnh Trung Quốc

Vấn nạn trộm vé, gian lận doanh thu gây nhức nhối thị trường điện ảnh Trung Quốc

Dù chính quyền Trung Quốc đã ban hành những quy định nhằm chống lại tình trạng gian lận thống kê, đánh tráo doanh thu phòng vé của các phim điện ảnh, dẫu vậy những tin tức gần đây vẫn cho thấy rằng, ngành công nghiệp điện ảnh nước này tiếp tục phải đối mặt với tình trạng vi phạm đặc biệt là tại các thành phố cấp 2 hoặc 3.

15/08/2023 15:48 (GMT+7)

Ngành công nghiệp chiếu phim phát triển bứt tốc

Thị trường điện ảnh Trung Quốc sôi động trong nhiều năm trở lại đây nhờ việc phát triển mạnh mẽ của các hệ thống rạp chiếu phim cũng như chính sách tài trợ của chính phủ nước này. Trung Quốc coi phát triển văn hóa cũng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong việc nâng tầm vị thế quốc gia cũng như tạo ra nguồn lợi nhuận có sức sống bền vững của cơ cấu kinh tế chung.

Nhờ lợi thế về vùng lãnh thổ rộng lớn, đa dạng văn hóa cùng nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh chóng, dư địa khai thác còn nhiều... Trung Quốc đã tích cực đầu tư lớn cho chiến lược hoàn thiện ngành kinh doanh dịch vụ vốn từng là sân chơi độc tôn của Hollywood này.

Wanda Cinema là một trong số những nhà rạp phổ biến nhất tại Trung Quốc. Ảnh: Zhang Peng/LightRocket via Getty Images

Wanda Cinema là một trong số những nhà rạp phổ biến nhất tại Trung Quốc. Ảnh: Zhang Peng/LightRocket via Getty Images

Theo số liệu thống kê của Statista, số lượng phòng chiếu tại Trung Quốc đã tăng trưởng theo cấp số nhân trong hơn 10 năm qua. Với chỉ 3000 cụm rạp vào năm 2012, đến năm 2021, quốc gia này đã sở hữu hơn 14.200 cụm, tổng số phòng chiếu vượt mốc 82 nghìn đơn vị. Báo cáo từ Variety cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, bất chấp tình hình dịch bệnh căng thẳng, các doanh nghiệp khai thác điện ảnh tại nước này vẫn mở mới gần 2.200 phòng chiếu trên cả nước.

So sánh với số liệu có được vào năm 2022 do Hiệp hội các Chủ rạp chiếu phim Hoa Kỳ (NATO) báo cáo, tính đến cuối năm ngoái, kinh độ điện ảnh của thế giới chỉ còn hơn 39.000 phòng chiếu (cả trong nhà và ngoài trời) hiện đang được khai thác, giảm gần 1.200 đơn vị so với thời kỳ đỉnh cao nhất vào năm 2019.

Như vậy, thị trường chiếu phim tại Trung Quốc xét riêng về quy mô, đã vượt mặt Hoa Kỳ để đứng đầu thế giới.

Các hình thức tổng hợp doanh thu còn nhiều lỗ hổng

Trước đây, khi các nền tảng phục vụ công tác đặt vé xem phim còn chưa thực sự phổ biến và hiện đại như ngày nay, các rạp chiếu phim thông thường sẽ báo cáo doanh thu với một công ty thứ 3 có nhiệm vụ thu thập và giám sát lượng vé bán ra của các bộ phim.

Rentrak, một công ty được thành lập từ năm 1977 và nay đã về tay comScore là một đơn vị như vậy. Đây từng là hãng duy nhất trên thế giới có khả năng tính toán doanh thu phòng vé tại Hoa Kỳ cũng như một số thị trường lớn khác. Trước đây, cách thức của công ty sử dụng để ghi nhận doanh thu về cơ bản không quá phức tạp, hãng chủ yếu đếm số lượng vé bán ra dựa trên phần cuống còn lại cũng như quan sát khán giả thực tế để tổng hợp dữ liệu vào cuối mỗi ngày.

comScore là một trong những công ty theo dõi và thống kê thông tin phòng vé uy tín hiện nay. Ảnh: Hoenderdaal/iStock Editorial via Getty Images

comScore là một trong những công ty theo dõi và thống kê thông tin phòng vé uy tín hiện nay. Ảnh: Hoenderdaal/iStock Editorial via Getty Images

Tuy nhiên, khi thời đại Internet bùng nổ hơn, việc đặt vé trực tuyến giúp giải quyết bài toán tổng hợp dữ liệu một cách chính xác và nhanh chóng hơn. Những đơn vị như Box Office Mojo quan sát việc bán ra của các nhà rạp thông qua dữ liệu trên trang web hoặc ứng dụng của họ, kết hợp cùng thông tin được cung cấp bởi bên thứ 3 (chẳng hạn như ERC Box Office) để đưa ra số liệu doanh thu một cách chính xác hơn.

Riêng tại Trung Quốc, Maoyan là một cái tên được nhiều đơn vị truyền thông, nhà sản xuất sử dụng để quan sát dữ liệu phòng vé. Không giống Box Office Mojo, nền tảng này cung cấp cả tính năng đặt vé xem phim cũng như có đầu tư vào việc sản xuất, phân phối điện ảnh. Chính vì thế, Maoyan có lợi thế lớn giúp mang đến cái nhìn chi tiết và kịp thời hơn các nền tảng hay công cụ khác. Dẫu vậy số liệu của họ vẫn có thể có chênh lệch do không phải toàn bộ người dùng đến xem phim đều sử dụng ứng dụng này cũng như không phải tất cả phim phát hành trong năm đều có sự tham gia của công ty.

Những thách thức và giới hạn kể trên tạo điều kiện cho các chiêu trò gian lận của nhà rạp, làm thay đổi số liệu doanh thu thực tế cũng như đánh cắp một phần lợi nhuận của các bộ phim. Gắn trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc hiện nay, vấn nạn rõ ràng tạo ra tác động xấu tới toàn bộ ngành công nghiệp nước này.

Vấn nạn trộm vé, đánh tráo doanh thu

Vấn nạn trộm vé, đánh tráo doanh thu phim chiếu rạp tại Trung Quốc bắt đầu manh nha từ những năm 2013 - 2014. Trong một bài đăng trên China.org.cn cho biết, khách hàng đến xem phim thay vì được in phiếu từ hệ thống thì đôi lúc nhận vé các vé viết tay của nhân viên phục vụ.

Họ cũng nhận thấy tình trạng, tên phim và suất chiếu in trên vé không giống với thực tế. Một số nhóm thậm chí còn không cần xuất vé vào cửa. Các hình thức này cũng bao gồm việc nhà rạp bán các gói combo với giá vé thấp hơn đáng kể đồng thời nâng cao giá trị của đồ ăn, thức uống đi cùng…

Lượng khán giả đông đúc đặc biệt là các dịp nghỉ lễ tạo điều kiện cho hành vi đánh cắp doanh thu phòng vé tại Trung Quốc. Ảnh: CFP

Lượng khán giả đông đúc đặc biệt là các dịp nghỉ lễ tạo điều kiện cho hành vi đánh cắp doanh thu phòng vé tại Trung Quốc. Ảnh: CFP

Trong bài viết, một giám đốc điều hành của Entlight Media cho biết rằng, tình trạng nhập nhằng, thiếu minh bạch trong công tác chiếu phim này đã đánh cắp ít nhất 5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương hơn 826 triệu USD) doanh thu thực tế của năm 2013 tại đất nước này. Ông cho biết tổng doanh thu phòng vé của Trung Quốc trên thực tế phải vượt qua 26 tỷ NDT (4,29 tỷ USD) chứ không chỉ dừng lại ở 21,79 tỷ NDT (3,6 tỷ USD) của năm đó.

Dù cơ quan nhà nước Trung Quốc  đã ban hành một số biện pháp để giám sát tình trạng vi phạm thương mại này, dẫu vậy với sự phát triển quá nhanh, lượng rạp chiếu mở mới đông đảo sau mỗi năm, việc quản lý vẫn đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là tại những thành phố, tỉnh cấp 2 hoặc 3.

Tình trạng này vẫn dai dẳng suốt từ đó đến nay dù có thể đã hạn chế hơn. Năm 2017, Variety dẫn lời từ Mtimes cho biết rằng, ở Trung Quốc, việc xem phim này nhưng lại mua vé phim khác “không phải chuyện lạ”. Và những nhà quan sát trong ngành suy đoán rằng có tới 10% trong tổng số 6,5 tỷ USD doanh thu phòng vé năm 2015 đã bị “đánh cắp” khỏi các báo cáo của quốc gia tỷ dân.

Vào tháng 3 năm 2016, Beijing Max Screen, nhà phân phối bộ phim ăn khách Diệp Vấn 3 đã bị đình chỉ hoạt động phát hành phim trong một tháng vì thổi phồng doanh thu phòng vé hơn 8,6 triệu USD. Tháng 11 cùng năm, chính phủ Trung Quốc bổ sung thêm một luật mới chống gian lận phòng vé. Đến tháng 3 năm 2017, hơn 300 rạp chiếu phim đã bị phạt vì có hành vi gian lận thương mại.

Nhà phân phối Diệp Vấn 3 tại Trung Quốc từng thổi phồng doanh thu phòng vé của bộ phim

Nhà phân phối Diệp Vấn 3 tại Trung Quốc từng thổi phồng doanh thu phòng vé của bộ phim

Tuy nhiên, từng đó vẫn là chưa đủ khi đến đầu năm nay, trang Sina lại tiếp tục có những báo cáo về tình trạng gian lận tại rạp chiếu phim Trung Quốc. Sự việc đánh tráo doanh thu, đánh cắp vé bán ra xảy đến với loạt phim chiếu Tết trong đó những tác phẩm ăn khách hàng đầu như Lưu Lạc Địa Cầu 2, Mãn Giang Hồng… đều bị cho là chịu ảnh hưởng.

Khán giả cho biết tình trạng rạp phim đã viết tay vé giấy cho khách hàng cũng như in sai tên bộ phim thực tế mà họ thưởng thức. Một số nhóm thậm chí không nhận được bản vé in mà chỉ xuất mã QR để vào phòng chiếu… Các nhà sản xuất và phát hành phim đều lên tiếng phải đối hành vi này tuy nhiên vẫn chưa có một cuộc điều tra trực tiếp nào được thực hiện cho đến nay.

Gần nhất, bom tấn Phong Thần Đệ Nhất Bộ, Nhiệt Liệt… cũng vướng nghi vấn bị đánh cắp doanh thu. Khán giả cho biết rằng dù liên tục không thể đặt vé do các suất chiếu đã bán vé tuy nhiên báo cáo kinh doanh của các dự án thực tế lại thấp hơn kỳ vọng.

Trên trang Weibo chính thức, cả hai đoàn làm phim đều đăng tải thông báo về việc sẽ giám sát chặt chẽ báo cáo bán hàng của bộ phim từ các nhà rạp. Các biệt pháp bao gồm cả cử người theo dõi, đối chiếu kết quả kinh doanh  với bên theo dõi thứ 3 cũng như kêu gọi khán giả tố giác hành vi vi phạm nếu phát giác gian lận...

Việc các bộ phim bị đánh tráo doanh thu từ hệ thống rạp chiếu được cho là hành vi cực kỳ nghiêm trọng ảnh hưởng không chỉ đến bản thân nhà phát hành mà còn cả mặt bằng chung của ngành công nghiệp. Doanh thu thấp hoặc thậm chí thua lỗ là dấu hiệu đáng lo ngại, ngăn cản các nhà sản xuất khác không tiếp tục tham gia thị trường, đánh mất cơ hội đầu tư các bộ phim lớn, hợp thị hiếu khán giả.




Đọc thêm bài viết khác

Nội dung đang được tải...