Giải Oscar lần thứ 97, dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 3 năm tới và hiện tại, các hạng mục tranh giải phụ đã được khởi động. Giống như mọi năm, Phim truyện Quốc tế xuất sắc nhất thường nhận được tác phẩm dự thi sớm hàng đầu từ các quốc gia ngoài Hoa Kỳ gửi về tranh giải.
Theo VNExpress, năm nay, Việt Nam gửi đi tranh giải dự án phim đề tài chiến tranh - lịch sử Đào, Phở và Piano do Phi Tiến Sơn viết kịch bản kiêm đạo diễn. Tác phẩm đã được phát hành dịp Tết Nguyên Đán đầu năm nay và tạo nên hiện tượng phòng vé hiếm thấy đối với phim Nhà nước đặt hàng.
Chuyện phim lấy bối cảnh vào dịp Tết Nguyên Đán năm 1947, thời điểm những trận đánh khốc liệt cuối cùng trước khi quân của ta quyết định rút khỏi Hà Nội. Và trong bối cảnh loạn lạc đó, Đào, Phở và Piano kể lại câu chuyện về những người quyết ở lại hoặc bị mắc kẹt ở lại Thủ Đô. Đối diện cái chết có thể đến bất cứ lúc nào tuy nhiên tất cả vẫn lạc quan, giữ tình yêu cuộc sống, con người, cái đẹp.
Vốn ban đầu được phát hành hạn chế với các suất chiếu duy nhất được tổ chức tại Rạp chiếu phim Quốc Gia (NCC) tuy nhiên sau đó, nhờ hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội, phim nhận được quan tâm lớn từ khán giả. Dự án nhanh chóng cháy vé dù NCC đã tăng cường suất chiếu phục vụ khán giả.
Phim được cho là đã mang về hơn 20 tỷ đồng doanh thu dù không trình chiếu rộng rĩa. Đây được xem là thành tích tốt nhất từ trước đến nay với một dự án do Bộ Văn Hoá Thể Thao & Du Lịch đặt hàng.
Trong danh sách tham gia đăng ký xét duyệt gửi tranh giải Oscar năm nay còn có 3 cái tên khác là Cái giá của hạnh phúc, Lật mặt 7: Một điều ước và Mai. Tuy nhiên, Hội đồng duyệt phim sau đó quyết định lựa chọn Đào, Phở và Piano.
Theo thông lệ giải thưởng, Viện Hàn Lâm Hoa Kỳ (AMPAS - đơn vị tổ chức lễ trao giải Oscar) sẽ tiếp nhận phim dự thi đến từ các quốc gia/ nhà sản xuất khác nhau. Sau đó sẽ tiến hành lựa chọn và công bố danh sách rút gọn trước khi ra mắt đề cử chính thức với 5 bộ phim để bước vào đêm trao giải nhận tượng Vàng.
Các phim được Việt Nam gửi tham dự trong 5 năm trở lại đây bao gồm Cô Ba Sài Gòn (2018), Hai Phượng (2019), Mắt Biếc (2020), Bố Già (2021), 578: Phát Đạn của Kẻ Điên (2021) và gần nhất là Tro Tàn Rực Rỡ (2023).
Nước ta tham gia giải thưởng này từ những năm 1993 tuy nhiên duy nhất dự án Mùa Đu Đủ Xanh (1993) của Trần Anh Hùng nhận được đề cử chính thức. Suốt từ đó đến nay, Việt Nam không ghi nhận tác phẩm nào lọt vào vòng trao giải của AMPAS.