Dự án phim kinh dị Kẻ Ăn Hồn sở hữu nền chất liệu tốt, khác biệt với các bộ phim khác đã ra mắt của Việt Nam tuy nhiên giống như bản truyền hình Tết ở làng địa ngục, phim vẫn còn yếu về mảng dàn dựng với phần xây dựng kết cấu hơi chậm chạp ở phần đầu, quá vội vàng ở đoạn kết. Động lực của các nhân vật được khai thác chưa đủ sâu, còn đặt nặng mong muốn hù dọa mà bỏ lỡ nhiều chi tiết đáng giá.
16/12/2023 09:56 (GMT+7)
Kẻ Ăn Hồn là bộ phim điện ảnh đầu tiên nằm trong vũ trụ kinh dị, được xây dựng dựa trên tiểu thuyết của nhà văn trẻ mới nổi Thảo Trang. Tác phẩm vừa là bản tiền truyền vừa là dự án ăn theo lấy bối cảnh tại ngôi làng giả tưởng có tên Làng Địa Ngục với những câu chuyện mang đậm nét ai oán, cổ trang, kỳ quái.
Phim do Trần Hữu Tấn đạo diễn và nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt từ người hâm mộ điện ảnh Việt Nam nói chung, thể loại kinh dị tâm linh nói riêng, đặc biệt là sau thành công của Tết ở làng địa ngục ra mắt trước đó trên K+ và Netflix.
Phim lấy bối cảnh nhiều năm trước ở Làng Địa Ngục, ngôi làng biệt lập nằm sâu trong vùng rừng núi heo hút với đường đèo cách trở, khó khăn đi lại. Dựa trên một số câu chuyện lịch sử có thật, vùng Truông Nhà Hồ vào thời thế kỷ 16, 17 từng là xào huyệt của toán cướp khét tiếng, những kẻ thường xuyên bắt bớ, cướp của, giết người man rợ, để lại tội ác chồng chất, oán hận sâu sắc.
Sau khi bị Chúa Nguyễn cử quan quân triều đình dẹp bỏ, hậu duệ của toán cướp này tìm đường thoát đến nơi đây, cố gắng sinh sống trong lặng lẽ để nhằm chuộc lại tội ác năm xưa của tổ tiên. Dẫu vậy trên đường chạy trốn, toán cướp lại tiếp tục cướp bóc và xóa bỏ gần hết một gia tộc lái buôn, chỉ còn lại một người phụ nữ đang mang thai là kịp thời trốn thoát.
Để trả thù cho gia tộc, ả ta quyết sử dụng một loại tà thuật cổ xưa với việc sử dụng 5 bộ phận cơ thể người, được tin rằng sẽ giúp triệu hồi người chết, điều khiển âm binh. Dẫu vậy kế hoạch này gặp phải không ít khó khăn và thách thức đặc biệt là khi ả ta trước hết cần phải xâm nhập được ngôi làng, cố gắng trở thành Kẻ ăn hồn nhằm sống lại dưới hình hài con người, hoàn thành mưu đồ độc ác không kém của mình.
Kẻ Ăn Hồn không cần mất quá nhiều thời gian ban đầu để giới thiệu lại câu chuyện về Làng Địa Ngục do tầm ảnh hưởng tốt của bản truyền hình ra mắt trước đó. Tuy nhiên sự vội vã này có thể khiến cho những khán giả chưa từng theo dõi bộ phim phần nào cảm thấy khó hiểu, hoang mang về bối cảnh tác phẩm.
Phim vào đề ngay lập tức với các câu chuyện về cổ thuật, về báo oán và sự trở lại của nhân vật do Lan Phương đảm nhiệm. Các chất liệu lấy ý tưởng dân gian như đám cưới chuột tạo được một không gian ấn tượng, có sự đầu tư, có màu sắc và cá tính riêng. Trên nền âm nhạc mang hơi hướng dân tộc và mới mẻ, Kẻ Ăn Hồn rõ ràng đã có phần khởi đầu tốt.
Điểm sáng lớn nhất của tác phẩm nằm ở việc khai thác các yếu tố tâm linh dân gian truyền miệng hiệu quả. Phim có bối cảnh tốt, sắc nét và đầu tư hơn bên cạnh các phân cảnh kinh dị đủ để gọi là "nặng đô" so với phần lớn các dự án khác của nước ta. Các tạo hình phù hợp với mô tả của câu chuyện, mang đến cảm giác đáng nhớ, đáng khen ngợi.
Tuy nhiên cảm giác hào hứng đó nhanh chóng bị lãng quên khi toàn bộ nửa phần đầu của bộ phim, phong cách dàn dựng chậm chạp, lỏng lẻo tương tự như Tết ở làng địa ngục lại tiếp tục được vận dụng. Với thời lượng hơn 100 phút, tác phẩm chỉ thực sự lôi cuốn khi 50 - 60% mạch phim ban đầu trôi qua và dự án bắt đầu tiến vào cao trào giải mã mâu thuẫn ở đoạn cuối.
Phần lớn thời lượng đầu phim được sử dụng chỉ để các nhân vật diễn tả chậm rãi các câu chuyện lặp đi lặp lại, phần thoại ngắn, hụt hẫng và các phân đoạn kinh dị diễn ra kém ăn nhập, kém liên kết. Kẻ Ăn Hồn vẫn gặp một điểm yếu rất lớn thuộc về khả năng chuyển cảnh và đối thoại. Sự kém liên tục trong việc phát triển tương tác đã khiến cho tổng thể tác phẩm trở nên chệch choạc, mất nhiều tính điện ảnh.
Đa phần các hình ảnh liên quan đến chú rối đặc biệt, một yếu tố quan trọng trong tác phẩm đã được xử lý theo yêu cầu kiểm duyệt. Tuy nhiên dường như thời lượng chuẩn bị gấp rút đã khiến cho quá trình này trở nên vội vàng, chưa thực sự tương xứng với một tác phẩm điện ảnh được đầu tư lớn. Thay vì sử dụng kỹ xảo, nhà sản xuất lại lựa chọn phương pháp làm mờ kém chuyên nghiệp phần nào tạo ra hiệu ứng thị giác không mấy tích cực cho người xem.
Điểm trừ tiếp theo thuộc về dàn diễn viên và sự không đồng đều trong khả năng biểu đạt tổng thể. Hoàng Hà diễn xuất hợp vai, đài từ biểu cảm tuy nhiên phần đầu phim, cô mang đến cảm giác hơi sân khấu, chưa đủ chân thực trong nét mặt, giọng nói.
Nhân vật của Võ Điền Gia Huy có âm lượng thoại lúc lớn lúc nhỏ khiến cho người xem phần nào khó theo dõi. Diễn tiến tâm lý nhân vật vội vàng, còn thiếu sự chuyển biến đủ để người xem đồng cảm. Lan Phương xuất hiện hạn chế dù là yếu tố khai thác chính trong khi các nhân vật còn lại có ít thoại, thoại chưa dày và sâu sắc.
Phần giải quyết mâu thuẫn cuối phim diễn ra kém kịch tính, vẫn còn lỏng lẻo và chậm chạp đồng thời chưa thực sự tạo được câu chuyện tốt dù có tiền đề và các đặt để đủ để khai thác mạnh mẽ hơn, cảm xúc hơn. Kịch bản bị động và đẩy kịch tính chưa mượt mà, chưa tinh tế. Cảm xúc của các nhân vật cũng gượng ép và chưa thực sự thuyết phục.
Nhìn chung Kẻ Ăn Hồn là một dự án thú vị, khác biệt của điện ảnh Việt Nam nhờ chất liệu tốt, mới lạ cùng yếu tố kinh dị tâm linh ăn khách. Phim đặt để bối cảnh, âm nhạc mang nhiều nét dân gian đáng giá nhưng lại chưa thực sự khai thác đầy đủ và có phần lãng phí. Khả năng dựng phim yếu cùng phần thoại quá mỏng, thiếu liên kết làm đánh mất tính điện ảnh thú vị của dự án và khiến đây khó trở thành một tác phẩm đặc sắc dù vẫn tương đối ấn tượng của phim nước nhà.
Cinematone đánh giá 6 trên 10 cho Kẻ Ăn Hồn. Bạn đọc đã thưởng thức tác phẩm có thể tham gia chấm điểm cùng Cinematone tại đây.