Indiana Jones là một trong những thương hiệu phim gắn liền với sự nghiệp kéo dài nửa thế kỷ của Harrison Ford. Cho đến nay, chưa tính dự án mới nhất, loạt phim đã được 14 lần đề cử Oscar, mang về 7 tượng vàng trong các hạng mục hiệu ứng hình ảnh, biên tập, âm thanh xuất sắc nhất... Doanh thu tích lũy của nhượng quyền cũng đã chạm ngưỡng 2 tỷ USD và là thương hiệu ăn khách thứ 2 trong lịch sử của hãng Lucasfilm, chỉ xếp sau Star Wars.
Trở lại sau 15 năm kể từ tập phim gần nhất ra mắt năm 2008, Indiana Jones and the Dial of Destiny mang đến một bầu không khí đậm chất Mỹ với những câu chuyện về truy tìm báu vật kinh điển. Bất chấp tuổi tác đã cao, Harrison Ford vẫn tiếp tục xuất hiện trong những pha hành động rượt đuổi phức tạp, liên tục trên nền bối cảnh đen xan giữa hiện thực và hư cấu.
Chuyện phim là một cuộc phiêu lưu trải dài qua nhiều mốc thời gian khác nhau. Khởi đầu từ khi Indiana Jones và người bạn của mình là Basil Shaw đang cố gắng truy tìm một báu vật - thứ mà quân đội Đức Quốc xã cũng rất khao khát có được vào những năm 1944. Tuy nhiên, cuộc hành trình lại đưa họ đến một tạo tác khác, thứ thường được biết đến với cái tên Antikythera. Lời đồn đoán cho rằng thứ bảo vật từng được nhà vật lý học cổ đại Archimedes chế tạo này, có thể giúp người sở hữu tìm thấy khe nứt trong thời gian và nhờ đó quay ngược trở về quá khứ.
Dẫu vậy, Antikythera đã bị tách ra làm 2 phần, được đặt ở những nơi trốn khác nhau. Điều này thách thức Indiana Jones cùng cô con gái đỡ đầu mới gặp lại sau 20 năm là Helena Shaw thực hiện một cuộc rượt đuổi đầy nguy hiểm, băng qua nhiều địa điểm lịch sử quan trọng. Trong cuộc hành trình đó, Tiến sĩ Voller, một tàn dư của chế độ độc tài phát xít Đức cũng có mặt. Hắn ta cũng nuôi tham vọng quay ngược thời gian giúp thay đổi cục diện cuộc chiến trong quá khứ.
Trước hết cần khen ngợi về sự trở lại của Harrison Ford trong vai diễn biểu tượng Indiana Jones. Dù đã 80 tuổi, nam tài tử vẫn miệt mài đóng phim và không ngần ngại tham gia cả những dự án đòi hỏi nhiều yếu tố hành động tần suất lớn như bộ phim lần này.
Sự trở lại của Ford tiếp tục nối dài danh sách những tác phẩm mang hơi hướm hoài niệm của điện ảnh Hollywood. Dù tập phim gần nhất đã ra mắt cách đây 15 năm tuy nhiên đó vẫn luôn là biểu tượng dành cho những người hâm mộ thể loại phiêu lưu, truy tìm cổ vật nói chung và những người yêu thích phong cách làm phim với nhân vật trung tâm là một người hùng miền viễn Tây nói riêng. Dù Steven Spielberg không còn đảm nhiệm vai trò đạo diễn tuy nhiên Indiana Jones and the Dial of Destiny vẫn có thể được coi là món quà dành cho khán giả trung thành của thể loại phim này.
Tác phẩm được xây dựng dưới kết cấu 3 phần tuyến tính kinh điển. Trong đó phần mở đầu sử dụng những trường đoạn rượt đuổi dài với việc sử dụng kỹ xảo để tái hiện lại hình ảnh của Indiana Jones thời trẻ. Khán giả nhanh chóng "nhập cuộc" với việc kịch bản vào đề ngay lập tức, đưa ra nhiệm vụ mà Indy cần nhanh chóng giải quyết và món cổ vật đóng vai trò then chốt trong bộ phim.
Tuy nhiên, bởi thời lượng quá dài (tới hơn 150 phút), Indiana Jones nhanh chóng trở nên "uể oải" khi phần phim đầu tiên qua đi. Sự có mặt của Helena Shaw không mới. Đó luôn là mô-típ của một dự án người hùng bất đắc dĩ, giống như những tác phẩm khác cùng thể loại, chẳng hạn như loạt phim về Robert Langdon với những cuộc phiêu lưu nhằm tìm kiếm các mảnh ghép rời rạc về lịch sử cổ đại thông qua những lời đồn đoán thậm chí khá khó tin.
Trong Indiana Jones and the Dial of Destiny, vấn đề tuổi tác rõ ràng phần nào đã "ngáng đường" những nhà làm phim. Dù tổ chức hàng loạt phân cảnh hành động đắt giá, tuy nhiên không khó để nhìn ra sự chậm chạp của Jones thông qua những thước phim đầy ưu ái dành cho nhân vật chính. Sự biến chuyển của câu chuyện khá từ tốn khiến người xem đôi chỗ có thể cảm thấy bị mệt mỏi và chán nản.
Sự xuất hiện của các tuyến nhân vật phụ vì thế cũng trở nên khác lạc lõng. Vấn đề cách biệt thế hệ là quá rõ ràng. Helena Shaw (Phoebe Waller-Bridge đóng) cực kỳ tham vọng trong khi Indy kéo mọi thứ ngược trở lại. Dù sự lối lập này không hẳn là không mang đến những sự thú vị cho một bộ phim dạng tri ân, dẫu vậy, nó vẫn là quá gắng sức với Harrison Ford.
Bên cạnh dàn nhân vật chính, tuyến phản diễn cũng không thực sự nổi bật. Dù có khởi đầu khá "nguy hiểm" tuy nhiên càng về sau, quy mô hoạt động của tổ chức do Voller (Mads Mikkelsen đóng) cầm đầu trở nên nhỏ nhoi và kém cỏi đến khó tin. Các âm mưu của gã ác nhân người Đức này thiếu hụt sự nhạy bén, không có kế hoạch dự phòng, hành động cảm tính và nhìn chung, không nhiều ấn tượng. Niềm tin của các nhân vật trong phim cũng xuất phát không chủ đích và vì vậy, chúng thiếu thuyết phục.
Kịch bản phim tạo nên một cảm giác đầy rẫy sự sắp đặt và vì thế nó dễ đoán cũng như không nhiều bất ngờ với khán giả.
Lời khen ngợi lớn nhất dành cho bộ phim có lẽ nên đến từ quy mô của nó. Phần hình ảnh sắc nét, màu sắc hoài cổ gợi nhớ đến những câu chuyện kinh điển của Hollywood. Ấn tượng tuyệt vời nhất có vẽ là khoảnh khắc nhân vật của Waller-Bridge đơn phương độc mã lao mình trong cơn mưa bằng một chiếc mô tô để đuổi kịp chiếc máy bay đang tăng tốc cất cánh. Trải nghiệm này chắc chắn sẽ choáng ngợp hơn nhiều lần nếu được thưởng thức trên các màn ảnh rộng như của định dạng IMAX. Hay như trong phân cảnh Harrison Ford cưỡi ngựa trong đường ray điện ngầm hoặc lúc ông rượt đuổi trên đường phố đông đúc người, xung quanh bao phủ bởi pháo giấy và tiếng hò reo náo nhiệt....
Nhìn chung, Indiana Jones and the Dial of Destiny vẫn dừng lại ở một tác phẩm phục vụ nhu cầu giải trí đơn thuần cùng chất lượng kịch bản trung bình. Phần hình ảnh đẹp mắt, có sự đầu tư lớn khỏa lấp đi tuyến nội dung dàn trải, nhạt nhòe, dễ đoán và đầy mô-típ. Thời lượng quá dài cũng là điểm yếu làm giảm sức hút của bộ phim.
Cinematone đánh giá 6 trên 10 điểm cho Indiana Jones and the Dial of Destiny (tựa Việt: Indiana Jones và Vòng Quay Định Mệnh). Khán giả đã thưởng thức tác phẩm có thể tham gia chấm điểm cùng Cinematone tại đây.