Blonde là dự án điện ảnh do Andrew Dominik (của Killing Them Softly) viết kịch bản đồng thời là đạo diễn. Phim dựa trên cuốn tiểu thuyết tiểu sử cùng tên xuất bản năm 2000 của tác giả người Mỹ Joyce Carol Oates, kể lại câu chuyện xoay quanh những đồn đoán về người phụ nữ từng được coi là "biểu tượng sex" của nước Mỹ vào thế kỷ 20 - Marilyn Monroe.
Phim mở màn với hình ảnh thời thơ ấu của cô bé tên Norma Jeane. Mẹ dẫn cô đến một căn phòng với hình ảnh duy nhất trên đầu giường là người đàn ông dường như có rất tiếng nói trong ngành công nghiệp điện ảnh đang thịnh vượng ở Hollywood và cho biết rằng đó là người cha và cô là kết quả của mối tình giữa hai người họ. Những điều mà mẹ của Jeane nói đã khắc sâu trong tâm trí của cô bé, tạo ra một thứ gì đó vững chắc và động lực giúp Jeane vượt qua hàng loạt thử thách chông gai sắp sửa ập đến với cuộc đời mình phía trước.
Tác phẩm hoàn toàn không phải là một bộ phim thuần chính kịch tiểu sử. Tất cả những sự kiện xảy đến trong bộ phim giống như một cuốn sách bị xé nham nhở mà mỗi chương trong đó đều không thực sự được viết một cách cẩn thận, trọn vẹn.
Không ai biết tường tận chuyện gì đã xảy đến với cuộc đời của Norma Jeane. Họ chỉ biết đến Marilyn Monroe, cô gái tóc vàng hoe được tẩy kỹ lưỡng, đôi môi đỏ tươi cùng hàng mi dài quyến rũ lúc nào cũng khép hờ hững. Cô ta có thể nhảy múa, ca hát và cả đóng phim. Cô ta làm nhiều thứ trên màn ảnh, mang về khoản lợi nhuận khổng lồ cho những tay doanh nhân già cả hám lợi, kết hôn với nhiều người và cũng nhanh chóng kết thúc những cuộc tình trong chóng vánh.
Marilyn Monroe ngồi trước gương, miệng cười nhưng mắt rơi lệ. Cô ta rạng rỡ trước hàng chục phóng viên, trong khán phòng đông nghẹt người xem. Họ vỗ tay cho Monroe, tâng bốc những màn trình diễn đơn điệu, phô bày sự gợi cảm và thói thực dụng của người phụ nữ. Họ đùa cợt về tất cả mọi thứ và xem đó là thứ giải trí có thể thưởng thức chỉ bằng cách bỏ tiền ra để mua về.
Nhưng đằng sau những điều đó lại là một Norma Jeane hoàn toàn trái ngược. Cô bé của ngày nào luôn lẩn tránh đám đông, sợ hãi khi bị đưa vào trại trẻ mồ côi, khát khao một tình cảm vốn không hề tồn tại từ người cha nào đó thậm chí có thể chỉ là do mẹ cô tưởng tượng ra. Cô ấy đến thăm mẹ mình thường xuyên dù bị đối xử tệ bạc, khát khao có một đứa con nhưng hết lần này đến lần khác, số phận trêu đùa Jeane và đẩy Monroe vào để thế chỗ cho những khoảnh khắc cùng cực đó.
Là một đứa trẻ sinh ra thiếu thốn tất cả, Monroe hiểu hơn ai hết sự quý giá của hạnh phúc đủ đầy. Cô từng muốn bỏ tất cả để có thể vun vén một gia đình hạnh phúc với người chồng thứ 3 của mình - một biên kịch. Nhưng đó đâu không phải là thứ mà bạn cố gắng là có thể đạt được và nó sẽ không bao giờ đến với Jeane nếu như vẫn còn một Monroe tồn tại ở đó. Thứ hạnh phúc xa xỉ đó không đến với "một biểu tượng gợi cảm".
Andrew Dominik khắc họa hình ảnh một nhân vật gắn liền với nhiều tai tiếng của ngành công nghiệp giải trí Hoa Kỳ. Có người yêu thương nhưng cũng có những người không tiếc lời rè bỉu, khinh miệt. Cả hai cái tên, với hai lý tưởng khác nhau nhưng đều có một điểm chung: sự thiếu thốn. Norma Jeane thiếu đi gia đình còn Marilyn Monroe thiếu sự kiểm soát.
Bộ phim cũng đặt ra rất nhiều những dấu chấm hỏi về nhân vật được truyền thông ca ngợi này. Trong 36 năm cuộc đời, đây thực sự là một tài năng nghệ thuật xuất chúng hay chỉ là một cô gái có tâm trí không ổn định, diễn xuất bản năng, không có gì ngoài vẻ ngoài cuốn hút. Marilyn Monroe đã đánh đổi bản thân để bước vào ngành giải trí xa xỉ nhưng sau cùng, cô gái tóc vàng đó còn lại điều gì?
Không còn ai bên cạnh, người cha tưởng chừng như đang đến rất gần thực tế chỉ là một trò đùa nhẫn tâm, một vài đồng tiền lẻ trong túi cũng phải chật vật để tìm ra...
Xét về khía cảnh trải nghiệm điện ảnh, Blonde thực tế không phải là một dự án quá hấp dẫn. Đôi lúc người xem sẽ khó chịu bởi những gì mà nó mô tả. Kịch bản của Andrew Dominik rõ ràng cho thấy cái nhìn có phần phiến diện và cũ kỹ.
Tác phẩm cũng thể hiện yếu điểm khi có thời lượng quá dài mà không hề có điểm nghỉ. Các câu chuyện cứ liên tiếp mở ra rồi chuyển sang một câu chuyện khác mà không hề gói gọn, cô đọng lại bất cứ điều gì. Việc dồn nén quá nhiều bi kịch chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã không thể khiến Blonde trở thành một tác phẩm ấn tượng, dễ ghi nhớ.
Cùng với đó, các phân cảnh 18+ trong tác phẩm cũng tỏ ra thừa thãi, nó hoàn toàn có thể được rút gọn và nhẹ nhàng hơn trong một tổng thể kịch bản đã quá nặng nề và dàn trải như ở Blonde.
Bộ phim mới của Andrew Dominik dường như cũng không giữ được một nhịp điệu và cảm xúc ổn định, thống nhất. Nó liên tục bị thay đổi và đánh mất tinh thần chung, đặc biệt là những khung hình khi nhà làm phim cố gắng tái hiện một cách chân thực dựa trên các tài liệu ghi lại về nữ diễn viên quá cố này.
Điểm sáng của các bộ phim tiểu sử luôn là diễn xuất của ngôi sao chính và ở Blonde cũng vậy. Ana de Armas đã hết mình cho vai diễn lần này. Sự hy sinh cho nghệ thuật của nữ diễn viên người Cuba đã được chứng thực và ghi nhận tuy nhiên với Blonde, có lẽ đây vẫn chưa phải là nơi mà Armas thể hiện hết được những gì mình đang có.
Cinematone đánh giá 5 trên 10 điểm cho Blonde: Câu chuyện khác về Marilyn. Phim hiện đang được phát hành trực tuyến trên nền tảng của Netflix. Độc giả quan tâm có thể than gia chấm điểm cho bộ phim cùng chúng tôi tại đây.