Spencer Bài viết Spencer - Một tác phẩm đầy cảm tính và chiêm nghiệm

Spencer - Một tác phẩm đầy cảm tính và chiêm nghiệm

Spencer không giống như một bộ phim tiểu sử đơn thuần. Tác phẩm của Pablo Larraín không mang đến một câu chuyện nhằm nói lên sự thật hay phán xét bất kỳ ai mà ở đó là sự chiêm nghiệm tốn nhiều thời giờ nếu muốn hiểu thêm về nhân vật từng rất được truyền thông thế giới quan tâm.

25/11/2021 17:55 (GMT+7)

Spencer là dự án phim tiểu sử, chính kịch dựa trên nhân vật có thật trong lịch sử là công nương Diana Frances Spencer - người từng là vợ của Thân vương xứ Wales và mẹ của hai hoàng tử Harry và William.

Nếu đã từng theo dõi về cuộc đời của Diana trên báo chí, bạn chắc chắn đã biết rằng bà từng là biểu tượng của hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới. Sở hữu nét đẹp và gu thời trang đẳng cấp, cuộc sống đáng mơ ước bên trong Hoàng gia Anh, tuy nhiên sau cùng Diana lại phải kết thúc cuộc đời mình trong bi kịch mà nguyên nhân chính nhiều người cho rằng đến từ những bất hạnh của cuộc hôn nhân giữa bà cùng chồng Charles.

Spencer lấy bối cảnh vào tháng 12 năm 1991, cụ thể là vào 3 ngày nghỉ lễ Giáng sinh của gia đình Hoàng gia Anh tại dinh thự Sandringham ở Nofolk. Khi này, công nương Diana đã biết về cuộc tình vụng trộm của chồng mình - Thái tử Charles và tình nhân Camilla Parker-Bowles (người sau này được chính thức trở thành vợ của Charles vào năm 2005). Đối diện với những phản ứng hời hợt của các thành viên khác trong gia đình Hoàng gia, Diana cảm thấy bức bối và ngột ngạt. Điều này dẫn đến những hành động khó hiểu của cô suốt kỳ nghỉ lễ tưởng chừng sẽ kéo dài vô tận.

Bộ phim được xây dựng theo một cốt truyện tương đối cảm tính và không cố tình gượng ép các sự kiện hay nhân vật nhằm thỏa mãn một thuyết âm mưu hay lời đồn đại nào cụ thể.

Spencer là một câu chuyện mang nhiều tính chiêm nghiệm

Ngay từ khi xuất hiện, chúng ta rõ ràng đã nhận ra sự lệch lạc trong hành động của Diana và những thành viên khác của gia đình Hoàng gia Anh quyền lực. Trong khi tất cả mọi người đến Nofolk bằng đoàn xe hộ tống thì Diana lại chọn cách lái xe riêng. Điều này khiến cho bản thân cô bị lạc, hay cụ thể hơn là được lạc. Cô tìm thấy ngọn đồi quen thuộc của gia đình nơi có con bù nhìn đang mặc áo khoác cũ của cha mình. Những thứ tưởng chừng như đơn giản và quen thuộc đến thế lại trở nên quá xa vời với cô lúc này. Cô mất hàng giờ chỉ để tìm lại con đường nơi bản thân từng trải qua một tuổi thơ ấm áp bên gia đình và người cha dấu yêu.

Hình ảnh Diana ngày một trở nên lạc lõng khi bộ phim tiến triển xa hơn. Từ những món ăn được chuẩn bị chu đáo, chuẩn chỉ, chừng mực cho đến những lịch trình được sắp xếp dày đặc, chính xác của các thành viên. Một kỳ nghỉ để ở bên gia đình bỗng trở thành một sự kiện được truyền thông săn đón. Đằng sau những bức tường vách cao và phủ rèm kín mít, đâu ai biết rằng những con người bên trong phải vật lộn với chính trách nhiệm mà họ đang gánh vác trên vai.

Diana được chuẩn bị sẵn sàng những trang phục cho mỗi khung giờ gặp mặt gia đình. Và với truyền thống Hoàng gia, thì bất cứ một sự sai lệch nào đều khiến cho họ cảm thấy không được thoải mái. Diana biết về điều đó, cô đã trải qua 10 năm sống trong Hoàng gia và đây chắc chắn không phải là lần đầu tiên cô trải qua những sự kiện như thế này. Nhưng tại sao lần này lại khác biệt? Có phải đó là hoàn cảnh bên ngoài tác động hay do cảm nhận của chính Diana đã khiến mọi thứ trở nên bí bách và ngột ngạt đến vậy?

Câu chuyện về khoảng thời gian khó khăn đã được nhắc đến nhiều lần trong các báo cáo từ truyền thông Anh quốc. Các chi tiết này sau đó được đưa lên phim mặc dù thực tế thì nó không hoàn toàn nằm trong cùng một khoảng thời gian mà bộ phim diễn ra. Một số hình ảnh được gợi nhắc về tai nạn ngã cầu thang năm 1982 hay cảnh Diana đưa hai con trai đi du lịch là một trong những sự sắp xếp hợp lý và thú vị mà biên kịch Steven Knight đã xây dựng cho tác phẩm. Về tổng thể, nó khá hài hòa và ấn tượng, đồng thời mang đến sự kịch tính cho một bộ phim vốn đã quá nặng tính biểu cảm.

Bộ phim không cố tình tô vẽ hay đổ lỗi cho bất cứ nhân vật nào, từ Charles đến nữ hoàng Elizabeth. Tác phẩm không nhận định hay cho rằng sự xa sút trong sức khỏe tâm thần của công nương đến từ tác động bên ngoài mà ở đó, một phần lớn có thể đến từ chính bản thân Diana. Cô đang đối mặt với sự khác biệt ngày càng to lớn của mình và Hoàng gia Anh và đây rõ ràng không chỉ là câu chuyện liên quan đến mối quan hệ bên ngoài của Charles mà nó thuộc về nhiều yếu tố giữa chính trị, phong tục, định kiến cá nhân và truyền thống gia đình. Đây là sự đặc biệt giữa Spencer và những bộ phim điện ảnh tiểu sử khác.

Spencer cũng gây ấn tượng với phần hình ảnh đặc biệt. Các góc quay cận có thể tự tạo ra tính truyền đạt không cần dùng đến ngôn ngữ. Nếu để ý kỹ càng, bạn sẽ nhận ra rằng, hầu hết các cảnh quay có sự góp mặt của Diana đều là những góc máy không đứng yên. Trong khi ở các phân cảnh liên quan đến Hoàng gia, các bữa tiệc gia đình hay cuộc sinh hoạt ngắn ngủi, các hình ảnh lại trở nên điềm tĩnh đến lạ thường.

Cùng với đó, phần lời thoại của bộ phim cũng chia tách rõ ràng. Ngoại trừ cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa Diana và nữ hoàng Elizabeth II cùng với cuộc tranh luận căng thẳng nhưng không đánh mất mình giữa cô và chồng Charles thì không có bất kỳ sự tương tác nào nữa xảy ra giữa Diana và các thành viên hoàng gia khác.

Cô chỉ nói chuyện với 2 con trai, với người hầu cận và người quản trang luôn theo sát mọi biến chuyển. Việc thể hiện phần lời thoại đặc biệt cho thấy, cảm nhận của tác giả cũng như khán giả về Diana thực tế lại không đến từ những người trong cuộc - những người biết tường tận và thấu hiểu hoàn cảnh mà lại đến từ những nhân vật ngoài lề, những người chỉ có khoảng thời gian tiếp xúc ngắn ngủi với Công nương. Điều này, phần nào phản ánh thực tế về cách truyền thông mô tả hình ảnh của cô đến công chúng suốt hàng chục năm qua.

Sự xuất hiện của nhân vật Anne Boleyn như nhắc lại một bi kịch cuộc đời được tạo ra bởi sự cảm tính và nhẫn tâm. Cũng từng là vương hậu nước Anh, Anne bị chồng phản bội và buộc tội treo cổ đồng thời gán ghép bà với tội danh ngoại tình, để rồi chỉ một ngày sau đó ông tuyên bố kết hôn với người con gái mới Jane Seymour. Truyền thông cũng từng cho rằng Diana đã có mối tình dan díu với người lái xe của Hoàng gia. Hình ảnh người nữ hầu cận đưa Diana đến trường săn là câu trả lời của tác giả cho những sự quy chụp không đáng có này.

Chiếc vòng cổ ngọc trai được Diana đeo xuyên suốt bộ phim là một hình tượng ẩn dụ thú vị. Ta đều hiểu rằng, ở vị trí của một Công nương, cô sở hữu bộ sưu tập vòng và đá quý phong phú. Tuy nhiên, đoàn làm phim đã sử dụng chuỗi ngọc trai - một trang sức gần giống như chiếc vòng mà cô từng được tặng vào năm 1985 - thời điểm cuộc hôn nhân của cô và chồng đang đứng trên bờ vực của sự sụp đổ.

Trong cuốn Diana: The Secrets of Her Style của Diane Clehane xuất bản năm 1998, chiếc vòng này được coi là món trang sức mà công nương không có thiện cảm nhất. Dù không có cảm hứng, tuy nhiên nó lại là thứ cô buộc phải trưng diện xuyên suốt bộ phim. Trong khi mọi trang phục đều thay đổi thì chiếc vòng vẫn ở đó, như một lời nhắc nhở cho những khó khăn trong cuộc sống Hoàng gia mà Diana đang phải chịu đựng. Phân cảnh cô giật đứt chiếc vòng cũng như đã cố gắng ăn những viên ngọc trai dù nó rất khó khăn và chỉ là trong tưởng tưởng ngầm cho khán giả thấy rằng cuộc hôn nhân này đã không thể cứu vãn được nữa.

Có rất nhiều những chi tiết thú vị được đạo diễn và biên kịch bộ phim cài cắm khắp nơi. Từ những lời thoại đầy triết lý đến những khung hình được sắp xếp cẩn thận và cách hành xử có phần điên loạn của Diana... tuy nhiên, cuối cùng tất cả đã cố gắng để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh mà theo cách của Pablo Larraín gọi là "câu chuyện ngụ ngôn về một bi kịch có thật".

Ngoài những yếu tố hấp dẫn đến từ phong cách thể hiện, diễn xuất phô trương của Kristen Stewart cũng là một điểm sáng lớn. Mặc dù, nữ diễn viên 31 tuổi đã có màn hóa thân thú vị nhất từ trước đến nay trong sự nghiệp của mình nhưng thực tế, cần nhìn nhận nghiêm túc rằng ngôi sao của Twilight vẫn còn chông chênh và đôi chỗ đánh mất tính tự nhiên của mình giữa một kịch bản ấn tượng đến vậy. Spencer là một thách thức có thể quá lớn với Kristen và nó cũng có thể sẽ khiến cho cô gặp ý kiến trái chiều.

Nhìn chung, tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Pablo Larraín là một thể nghiệm điện ảnh đáng theo dõi. Bộ phim không phải là câu chuyện dễ dàng cảm thụ hoàn toàn nhưng là một bức tranh tốn nhiều giờ để nghiền ngẫm. Phim không gò bó mình trong việc phải kể lại nghiêm túc một hình tượng nhân vật đã có quá nhiều bi kịch mà thay vào đó là tự gợi mở cho khán giả những cảm nhận riêng biệt.

Cinematone đánh giá 8 trên 10 điểm cho tác phẩm. Độc giả quan tâm, hãy tham gia chấm điểm cho bộ phim tại đây.

Spencer

Spencer

Mời bạn tham gia chấm điểm bộ phim này trên Cinematone.



Đọc thêm bài viết khác

Nội dung đang được tải...