Trung Quốc đang thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng nhằm vào đối tượng chính là những người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Các nghệ sĩ lớn cùng các hãng phim, đài truyền hình bao gồm cả những tác phẩm đã được phát sóng mang về tiếng vang lớn không chỉ tại Trung Quốc mà còn nhiều thị trường khác đều không tránh khỏi đợt thanh kiểm tra lần này.
Thực tế, Trung Quốc đã thực thi các chính sách về việc kiểm soát văn hóa nhiều năm trở lại đây. Khi các sản phẩm được đầu tư và thị trường có mức độ tiêu thụ cao, Trung Quốc đã cố gắng làm nhiều biện pháp để giữ cho các nội dung văn hóa của họ trở nên "lành mạnh" hơn.
Từ việc hạn chế nước ngoài
Trung Quốc từ lâu đã nhận thấy tiềm năng của thị trường trong nước khi giới trẻ ngày càng tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm văn hóa, đặc biệt là những sản phẩm văn hóa quốc tế.
Tâm lý chuộng đồ ngoại ăn sâu nhiều thập kỷ tại Trung Quốc đã làm cho các doanh nghiệp nước ngoài tập trung đầu tư cho thị trường này. Từ các ấn phẩm xuất bản dành riêng đến việc tăng cường sự hợp tác với đơn vị trong nước, thậm chí đầu tư xây dựng, đào tạo và cho phép ekip Trung Quốc trực tiếp tham gia vào hoạt động ở nước ngoài.
Sự phát triển của nền kinh tế số 1 Châu Á này nhiều năm trở lại đây khiến nó tạo ra lợi thế khó thị trường nào có được, chi phối đến cả hoạt động của các doanh nghiệp quốc tế.
Dẫu vậy, chính quyền Trung Quốc dường như đang thể hiện sự không hài lòng khi người dân thờ ơ với các sản phẩm quốc nội, trong khi lại tăng cường tiêu thụ văn hóa quốc tế.
Trước đó, vào năm 2016, chính quyền nước này bất ngờ ra lệnh cấm hoạt động của nghệ sĩ Hàn Quốc. Hàng loạt các ban nhạc thần tượng lớn buộc phải rút lui khỏi thị trường này. Cho đến nay, Hàn Quốc đã phải dùng nhiều chiến lược khác nhau như sử dụng các ngôi sao có xuất thân tại Trung Quốc hay tăng cường hợp tác cũng như để quốc gia này chi phối một phần hoạt động thì mới có thể tiếp cận thị trường tỷ dân. Dẫu vậy, các phương án hiện chỉ là tạm thời và chưa thể phục hồi như trước.
Trong lĩnh vực giải trí, Trung Quốc hiện nay thường xuyên trì hoãn việc phát hành các sản phẩm phim điện ảnh, phim truyền hình nước ngoài. Chính quyền nước này cố gắng tạo mọi điều kiện nhằm cho phép ấn phẩm văn hóa trong nước được phổ biến rộng rãi nhất đến với khán giả trong khi đó lại hạn chế suất chiếu, cắt giảm thời lượng, điều chỉnh lịch phát hành muộn hơn của các bộ phim quốc tế.
Theo RFI, hiện tại mỗi năm, chỉ 34 bộ phim Hollywood được cấp phép trình chiếu rộng rãi tại thị trường Trung Quốc.
Đến việc kiểm soát trong nước
Năm 2019, 2 tác phẩm truyền hình đề tài cổ trang - cung đấu là Diên Hy Công Lược và Hậu Cung Như Ý Truyện được yêu cầu gỡ khỏi các nền tảng xem phim và hạn chế phát hành tại thị trường Trung Quốc.
Hành động này được xem như sự mở màn cho một loạt các chính sách thắt chặt nội dung "xuyên tạc lịch sử", không phù hợp chuẩn mực ở quốc gia này. Sau đó, Chính quyền địa phương tiếp tục ban hành quy định về việc hạn chế sản xuất các bộ phim đề tài cung đấu nhằm tránh gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức của giới trẻ hiện đại, "mê mẩn với cách sống đế vương mà quên đi thực tại".
Trung Quốc cũng thông báo về việc cắt giảm thời lượng phát sóng thể loại phim này trên các đài truyền hình.
Mới đây, trong báo cáo của Sina, Bộ Văn hóa Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục siết chặt các sản phẩm có nội dung chuyển thể từ truyện đam mỹ (một thể loại văn học từng khá thịnh hành ở Trung Quốc với nhân vật chính là cặp đôi đồng tính nam).
Ngay cả khi có quy định rõ ràng, các bộ phim như vậy đã buộc phải chuyển đổi từ việc mô tả tình yêu giữa hai nhân vật cùng giới sang tình cảm bạn bè, đồng môn, đồng chí... để được phép trình chiếu. Tuy nhiên, với quy định mới này thì các bộ phim như vậy hiện nay cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Theo Sina, các bộ phim có nội dung kể trên tạo ảnh hưởng đến suy nghĩ và nhận thức lệch lạc của người trẻ.
Ngoài việc nhắm vào các bộ phim, các đơn vị Quản lý của nước này gần đây cũng tăng cường việc thanh kiểm tra các hoạt động của những diễn viên - người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn.
Hoạt động về thuế và kinh doanh ngầm đều bị tra xét rõ ràng. Điển hình vào năm 2018, Phạm Băng Băng bị nước này tuyên phạt 883 triệu NDT (hơn 3 nghìn tỷ đồng) tiền thuế và tiền phạt vì gian lận trong các hợp đồng đóng phim.
Những ngôi sao từng là tượng đài trong lòng khán giả sau đó cũng bị đưa vào tầm ngắm. Mới đây nhất là trường hợp của Trịnh Sảng và Triệu Vy. Hôm 27/08, Trịnh Sảng bị tuyên phạt 299 triệu nhân dân tệ (hơn 1 nghìn tỷ đồng) do hành vi gian lận tài chính của mình. Nữ diễn viên được cho đã không kê khai 191 triệu NDT thu nhập, trốn 45.3 triệu NDT tiền thuế từ năm 2019 đến năm 2020.
Trường hợp của Triệu Vy cũng cho thấy sự nghiêm khắc của Trung Quốc với bất kỳ ngôi sao dù lớn hay nhỏ. Theo 168, ngôi sao của Hoàn Châu Cách Cách đã có những sai phạm trong việc điều hành các công ty con của mình nhằm mua đi bán lại cổ phần, đẩy giá trị của chúng lên quá cao so với thực tế để kiếm lợi.
Hành vi này của cô sau đó bị Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải phát lệnh cảnh cáo và áp dụng các biện pháp kỷ luật. Cô cũng được cho đã có sự hợp tác với các nhân vật từng bị cơ quan quản lý nước này đưa vào tầm ngắm, nổi bật nhất trong số đó là Jack Ma. Nữ diễn viên hiện đang là cổ đông lớn thứ 2 của đơn vị sản xuất phim Alibaba Pictures (một thành viên của tập đoàn Alibaba).
Ngô Diệc Phàm - ngôi sao từng là hiện tượng trên toàn Châu Á cũng đã bị bắt tạm giam vì nghi án hiếp dâm. Đây được xem là cú đánh lớn nhất của Trung Quốc, kiên quyết xóa bỏ hoàn toàn sự hiện diện của các cá nhân có ảnh hưởng không tốt với môi trường văn hóa nước này. Toàn bộ sản phẩm đã tham gia, tài khoản và hình ảnh của nam diễn viên đều đang bị xóa khỏi các nền tảng trên internet. Hành động tương tự cũng đã áp dụng với nữ diễn viên Trịnh Sảng.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã mạnh tay trong việc can thiệp vào các chương trình truyền hình thực tế. Ngăn cấm các hành vi được xem tổn hại đến người tiêu dùng như vụ việc Thanh Xuân Có Bạn Mùa 3 (một chương trình truyền hình về ca nhạc) đã bị hủy bỏ đêm chung kết do bị tố cáo liên kết với phía nhà tài trợ để "móc túi" khách hàng thông qua cách thức bình chọn trên vỏ hộp sản phẩm.
"Ngành nghệ thuật biểu diễn cần thực hiện nghiêm túc việc tự kiểm tra, tự chấn chỉnh, các bộ phận liên quan cần theo dõi, giám sát, gửi công văn đến tận cùng cho những nghệ sĩ kém chất lượng và nghiêm trị những kẻ tình nghi vi phạm pháp luật." - Theo dự thảo Luật Phát thanh và Truyền hình của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình nước này công bố.
Đơn vị này cũng cho biết sẽ có những biện pháp để tăng cường việc quản lý tiêu chuẩn tiền lương của các nghệ sĩ.