Nhìn lại những thất bại và thay đổi của điện ảnh nửa đầu năm 2019

Nhìn lại những thất bại và thay đổi của điện ảnh nửa đầu năm 2019

Nhiều bom tấn đã phải nhận lấy cái kết đắng khi cố gắng lấy kỹ xảo choáng ngợp để bù đắp cho phần nội dung thiếu chiều sâu. Tuy nhiên, đó lại không phải điều khán giả cần ở thời điểm này.

03/07 2019

Công nghệ làm phim đã có những bước tiến quan trọng trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, tuy nhiên, từ sau thành công của Chúa NhẫnGladiator ở thập kỷ trước, ở thập kỷ này, ta chưa chứng kiến một tác phẩm hoàn toàn thuộc thể loại giả tưởng nào mang về chiến thắng ở hạng mục Phim xuất sắc nhất. Có chăng vào năm 2017, bộ phim Người đẹp và thủy quái của đạo diễn Guillermo del Toro được xướng tên, tuy nhiên đây lại chỉ là một tác phẩm với kinh phí thấp và yếu tố kỹ xảo được sử dụng không nhiều.

Năm nay, với lượng tác phẩm ra rạp khổng lồ, trải đều qua các tháng và ở nhiều thể loại, tuy nhiên, ngoài một vài điểm sáng không quá ngạc nhiên, không một tác phẩm mới nào thành công. Vì đâu nên nỗi?

Thời lượng phim chiếu rạp quá dài

Trào lưu làm phim hậu truyện, tiền truyện, ăn theo đang ngày càng bành trướng Hollywood. Xét về mặt tích cực, chúng là yếu tố giúp truyền thông tác phẩm tốt hơn cũng như để các nhà biên kịch được mở rộng thế giới tưởng tượng của mình một cách triệt để nhất. Tuy nhiên, về phía ngược lại, đây chính là con dao giết chết yếu tố sáng tạo của ngành điện ảnh.

Khác với phim truyền hình, phim điện ảnh sở hữu nét đặc thù như việc được đầu tư kinh phí cao, dàn diễn viên xuất chúng và đặc biệt, nội dung được cô đọng trong thời lượng từ 90 đến 120 phút. Dẫu vậy, thời gian gần đây, yếu tố thời gian bị dãn ra khiến các tác phẩm cố gắng nhồi nhét thật nhiều các phân cảnh kỹ xảo, đẩy thời gian trình chiếu lên tới 150 thậm chí là 180 phút. Nghe có vẻ điều này sẽ khiến khán giả thích thú, tuy nhiên, xét về góc độ nội dung, đây chính là yếu tố làm giảm mạch cảm xúc của người xem.

Còn nhớ, thời gian trước đây, khi các bộ phim bom tấn ra rạp, thời lượng của phim được "gói ghém" lại sao cho không vượt quá 120 phút. Câu chuyện ở đây không chỉ để cho các nhà rạp tăng lượng suất chiếu phục vụ khán giả, mà còn là thách thức khiến các đạo diễn phải cắt gọt thật cẩn thận nội dung của mình.

Avatar là tác phẩm dài, nhưng khối lượng nội dung mới của phim là vô cùng nhiều. Ảnh: Fox

Avatar là tác phẩm dài, nhưng khối lượng nội dung mới của phim là vô cùng nhiều tuy nhiên khi ra rạp phim cũng đã bị cắt khoảng hơn 30 phút. Ảnh: Fox

Avatar ra mắt năm 2009, với lượng chi tiết gần như hoàn toàn mới với thế giới quan vốn có của chúng ta, buộc phải cắt gọn đi chỉ còn 156 phút khi ra rạp, dù sau đó phiên bản hoàn chỉnh của tác phẩm có thời lượng đến 162 phút. Phiên bản mở rộng ra mắt sau này có thời lượng đến 172 phút (chưa quá 3 tiếng). Khán giả sau đó chấm 7.8/10 cho tác phẩm này, còn về mặt doanh thu, phim hiện vẫn là tác phẩm có thu nhập cao nhất mọi thời đại. Phim sau đó chiến thắng 3 giải Oscar bao gồm cả Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất.

Frozen ra mắt năm 2013, với thời lượng gọn gàng chỉ 112 phút (chưa tới 2 tiếng) mang về doanh thu 1.276 tỷ đô, trở thành phim hoạt hình ăn khách nhất mọi thời đại, xếp thứ 14 về doanh thu nếu tính cả các thể loại khác. Phim giành 2 giải thưởng quan trọng ở hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất tại mùa giải Oscar và Quả Cầu Vàng vào năm sau.

Không thể phụ nhận Endgame là tác phẩm có nội dung lê thê. Ảnh: Marvel

Không thể phủ nhận Endgame là tác phẩm có nội dung lê thê. Ảnh: Marvel

Năm nay, Avengers: Endgame được ưu ái phát hành với 181 phút. Dù thu về doanh thu tốt, tuy nhiên không thể phủ nhận những bế tắc trong sáng tạo đã không thể khiến đây trở thành một kỳ quan điện ảnh mới. Những hy vọng và lạc quan được người hâm mộ gửi gắm đã bị Marvel xô đổ không thương tiếc. Sau tập phim này, sẽ rất khó để hãng có thể tiếp tục lập nên kỷ lục mới.

Vì vậy bằng mọi giá, hãng vừa thông báo phát hành một phiên bản mở rộng chỉ sau chưa đầy 2 tháng ra mắt chính thức, nhằm cố gắng chiếm lấy ngôi đầu doanh thu. Bởi chính bản thân hãng cũng nhận ra sức hút của thương hiệu đã nguội dần sau tập phim vừa qua. Thất bại ở Endgame không đến ở doanh thu hay kỹ xảo, mà chính là ở cách thức thực hiện tác phẩm.

Chất liệu phong phú nhưng chưa thể tạo nên cú hích

Godzilla là minh chứng rõ nét nhất cho thất bại trong việc tái tạo cảm xúc của khán giả. Bộ phim trước khi ra mắt được kỳ vọng sẽ là kỳ quan điện ảnh mới khi liên tiếp được khán giả ủng hộ và gọi tên. Tuy nhiên, sau khi được tận mắt thưởng thức tác phẩm, phim bị cho là đứt đoạn và rời rạc. Ngoài những tiếng thét chói tai, thứ duy nhất đọng lại trong tâm trí người xem chỉ còn là một đống hoang tàn và đổ nát.

Godzilla gây nuối tiếc thì không để lại cảm xúc cho người xem. Ảnh: Warner Bros

Godzilla gây nuối tiếc thì không để lại cảm xúc cho người xem. Ảnh: Warner Bros

Hơn 1 tháng ra mắt, phim chật vật kiếm về chỉ vỏn vẹn chưa đầy 400 triệu đô. Trong khi kinh phí làm phim được ước tính đến 170 triệu đô (chưa bao gồm các khoản marketing tốn kém), vừa tạm hòa vốn. Đây là cú ngã lớn giành cho Warner Bros khiến hãng phải thực sự nhìn nhận lại, liệu rằng hãng đã thực sự dồn hết tâm huyết cho tác phẩm hay chưa và hình tượng Godzilla đã được khai thác một cách đúng đắn dưới bàn tay của ekip đạo diễn Michael Dougherty hay chưa.

Alita: Battle Angel là dự án được ấp ủ bởi đạo diễn James Cameron, tuy nhiên lại do Robert Rodriguez thực hiện. Sau thời gian quảng cáo rầm rộ, hãng 20th Century Fox ngậm ngùi thu về hơn 400 triệu đô. Đây là cột mốc tạm coi là ổn tuy nhiên không thể thực sự bức phá. Xét về nội dung, phim ghi dấu với chất liệu lấy từ tác phẩm hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản.

Đây là kho tàng nguyên vật liệu khổng lồ cho điện ảnh Hollywood thời gian gần đây, tuy nhiên phim vấp phải điều đáng tiếc rằng chưa thể thực sự tạo nên điểm nhấn trong mạch phim. Cảm xúc thiếu hụt suốt chiều dài tác phẩm, thay vì phô diễn liên tục các phân cảnh hành động, kịch bản cần khai thác thêm về chiều sâu tâm lý của Alita và truyền cảm hứng cho người xem nhiều hơn.

Không phải cứ thuộc thương hiệu thành công, phim cũng sẽ thành công

Dự án gắn mác Disney - Dumbo (Tựa việt: Chú voi biết bay) nằm trong chuỗi các tác phẩm chuyển thể từ phim hoạt hình của hãng. Sau nhiều tác phẩm mang về doanh thu khả quan cũng như được khán giả yêu thích như The Jungle Book, Beauty and the Beast hay Cinderella, còn lại hãng hầu như gặp thất bại trong các câu chuyện live-action suốt gần 1 thập kỷ chuyển thể trở lại đây.

Dumbo thất bại bởi nội dung quá khó hiểu cho trẻ em còn người lớn lại chẳng mấy quan tâm đến thương hiệu này. Ảnh: Disney

Dumbo thất bại bởi nội dung quá khó hiểu cho trẻ em còn người lớn lại chẳng mấy quan tâm đến thương hiệu này. Ảnh: Disney

Những trường hợp cay đắng trước đây có thể kể tới như John Carter, Tron: Legacy, Alice Through the Looking Glass hay A Wrinkle in Time... Các mẫu số chung của các dự án này thường là đánh mất nhân vật trung tâm mà khán giả vốn dĩ yêu thích hoặc đưa những câu chuyện quá "người lớn" vào trong phim.

Trường hợp của Dumbo cũng vậy, thay vì tập trung khai thác chú voi ngộ nghĩnh, đáng yêu cùng tâm lý đơn giản nhưng chứa đựng nhiều bài học giáo dục sâu sắc, phim của đạo diễn Tim Burton mang màu sắc tăm tối hơn, đẩy tác phẩm đi vào chuyện khai thác những đấu tranh của người trưởng thành. Ông nêu ra quan điểm về ranh giới giữa truyền thống - hiện đại, đây hoàn toàn không phải điều trẻ em cần tiếp thu. Các phụ huynh cũng vì vậy mà không hào hứng với bộ phim. Theo ước tính, Dumbo có thể gây khoản lỗ khoảng 50 đến 100 triệu đô cho Disney.

Quá tăm tối và bạo lực, Hellboy đánh mất chính mình trong phiên bản 2019. Ảnh: Lionsgate

Quá tăm tối và bạo lực, Hellboy đánh mất chính mình trong phiên bản 2019. Ảnh: Lionsgate

Hellboy năm nay là bữa đại tiệc bừa bộn mà Lionsgate "cố đấm ăn xôi" bầy ra cho khán giả. Hai phần đầu ra mắt năm 2004 và 2007 do đạo diễn tài năng Guillermo del Toro chỉ đạo dù không gây được cú hích doanh thu, nhưng đều là các bộ phim được khán giả yêu thích và không gây lỗ. Năm nay, do đã "thay máu" hoàn toàn ekip cũ cũng như ngay từ đầu, hãng muốn gầy dựng lại một Quỷ Đỏ hoàn toàn mới, cho nên, thất bại của bộ phim đến từ chính việc tham lam này.

Nội dung phim bị chê bai thậm tệ, quá nhiều cảnh máu me và đánh mất nét tính cách đáng mến của nhân vật đứa trẻ đến từ địa ngục. Doanh thu của phim ở mức 46 triệu đô, trong khi kinh phí kiêm tốn cũng đã tới 50 triệu. Quả thật là thất bại trên mọi phương diện.

Một trường hợp đáng tiếc khác đến từ X-Men: Dark Phoenix. Phim sau 3 lần hoãn chiếu để chỉnh sửa, những tưởng sẽ được chỉn chu và là dấu kết tuyệt vời cho toàn bộ 20 năm thăng trầm của thương hiệu nổi tiếng nhất mà 20th Century Fox có được. Cuối cùng, mọi chuyện đã bẻ hướng quá bất ngờ. Ngay trước thềm cuộc mua bán thế kỷ giữa DisneyFox, bộ phim gây thất vọng bởi nội dung nhạt nhòa, rời rạc, thiếu kỹ xảo và chiều sâu. Sở hữu dàn sao nổi tiếng, thương hiệu có biểu tượng, đến giờ khán giả vẫn tự hỏi: Làm sao mà Fox có thể tạo ra một tác phẩm nhạt nhòa đến thế?

Dark Phoenix thua lỗ là điều có thể đoán trước được. Ảnh: 20th Century Fox

Dark Phoenix thua lỗ là điều có thể đoán trước được. Ảnh: 20th Century Fox

Phim có kinh phí 200 triệu đô, doanh thu hiện tại chưa tới 250 triệu, đủ để hiểu mức thua lỗ này sẽ cao đến mức nào cho Fox hiện tại.

Một trường hợp khác, dù không rơi vào tình trạng thất bại thảm hại, nhưng phim không được lòng khán giả cũng như những nhà phê bình, là Men In Black: International. Với 110 triệu đô đầu tư cho dự án, Sony có thể tạm thời yên tâm về mức hòa vốn dựa trên doanh thu, nhưng thật lòng mà nói, ngay từ đầu hãng và khán giả đã đặt kỳ vọng nhiều hơn thế.

Khán giả cần biết nhiều hơn về vũ trụ ngoài kia, không phải một chuyện của đặc vụ tập sự. Ảnh: Sony Pictures

Khán giả cần biết nhiều hơn về vũ trụ ngoài kia, không phải một chuyện của đặc vụ tập sự. Ảnh: Sony Pictures

Phần ngoại truyện thẳng tay loại bỏ toàn bộ dàn cast cũ, thay thế bằng hai tên tuổi nổi tiếng của MCU là Chris HemsworthTessa Thompson. Tuy nhiên phim vấp phải một sai lầm chết người rằng, khán giả yêu thích bộ phim không chỉ bởi các đặc vụ, mà còn bởi các nhân vật người ngoài hành tinh thú vị.

Lần này, thay vì khai thác điểm nhấn từ chúng, Sony chuyển hướng qua việc khai thác... nữ đặc vụ tập sự mang tên O cùng người đồng hành của cô - đặc vụ H. Phải công nhận, cặp đôi Chris - Tessa rất ăn ý, nhưng ai muốn coi phim tình cảm ở đây, họ cần phim về người ngoài hành tinh đúng nghĩa hơn.

Phim nhận 5.7/10 trên IMDB, điểm metascore thấp đếm bất ngờ: 38/100. Điểm Rotten Tomatoes của phim dừng lại ở mức 22% - quá tệ. 

Tổng kết

Nửa đầu năm 2019, điện ảnh Hollywood và thế giới không chứng kiến quá nhiều bứt phá khả quan. Đặc biệt, trong dòng phim kỹ xảo, khán giả liên tiếp gặp những cú hích marketing đến từ các nhà phát hành khiến doanh thu phòng vé toàn cầu, dù ổn định vẫn không thể đi lên. Với những thử nghiệm mới có phần táo bạo và cả những cách làm phim "mì ăn liền" vốn đã thành công thức, Hollywood cần phải thực sự nghiêm túc nhìn nhận lại các dự án của mình, nếu không muốn mất đi vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp chục tỷ đô này.

Vui lòng chờ! Đang tải...
Vui lòng chờ! Đang tải...
Từ năm 2018
Phiên bản 23.05
Theo dõi Cinematone trên:
Hotline: 0927 20 12 18
Thiết kế và phát triển bởi Christ Design
Vận hành bởi Cinematone.info
Nội dung đang được tải...