Thực Đơn Bí Ẩn Bài viết The Menu - Nghệ thuật sinh ra để thỏa mãn bản thân hay hướng đến khán giả?

The Menu - Nghệ thuật sinh ra để thỏa mãn bản thân hay hướng đến khán giả?

Bộ phim với sự tham gia của nam tài tử người Anh Ralph Fiennes cùng nữ diễn viên trẻ Anya Taylor Joy mang đến một câu chuyện đầy châm biến về quá trình hình thành những tác phẩm nghệ thuật và cách mà xã hội ngày nay tác động đến chúng. Nhịp phim ổn định cùng diễn xuất ấn tượng tạo ra một tác phẩm có điểm nhấn và được đánh giá cao, dễ dàng thu hút người xem.

19/11/2022 14:36 (GMT+7)

Cảnh báo: Bài đánh giá dưới đây có tiết lộ một phần nội dung của phim.

Xã hội ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc kể từ thời kỳ sơ khai và lạc hậu của nó. Con người, thật may mắn, đã được tạo hóa ban tặng một món quà đầy trừu tượng nhưng lại có tác động hữu hình mang tên nghệ thuật. Chúng xuất hiện dưới nhiều hình thái và có thể được cảm nhận bằng mọi giác quan của chúng ta, từ âm nhạc đến phim ảnh, mùi hương và cả những món ăn.

Nghệ thuật có khả năng chữa lành những tâm hồn nhưng đôi khi cũng là con dao hai lưỡi, đủ sức hủy hoại cả một cộng đồng, một xã hội. Nó có thể trở thành tuyệt tác nhưng cũng có thể trở thành thuốc độc. Vừa có thể dung dưỡng những tâm hồn nhưng cũng vừa có thể vùi dập những sức sống vốn mỏng manh và yếu ớt... Tất cả hình thái và tác động của nghệ thuật đó tạo ra những giá trị đầy kỳ lạ trong xã hội con người ngày nay.

The Menu (tựa Việt: Thực đơn bí ấn) là một bộ phim châm biếm về nghệ thuật hay cụ thể hơn là về cách mà những tầng lớp giai cấp khác nhau trong xã hội ngày nay tác động đến sự phát triển của nó.

Phim theo chân Margot (Anya Taylor-Joy đóng) và Tyler (Nicholas Hoult đóng) trong một trải nghiệm đầy độc đáo khi họ có cơ hội tham dự một bữa ăn đặc biệt do đầu bếp nổi danh Slowik (Ralph Fiennes đóng) tổ chức tại nhà hàng Hawthorne nằm biệt lập trên một hòn đảo xa xôi và kín đáo.

Bữa ăn này tập hợp nhiều thành phần khác nhau trong một không gian sang trọng, từ nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng đến chàng diễn viên được yêu thích, từ những gã trai trọc phú đến một người hâm mộ ẩm thực cuồng nhiệt. Ở đó cũng có thêm một cô gái sống sung túc, chấp nhận cặp kè với gã mà cô chẳng thực sự ưa cũng như cặp vợ chồng tưởng như rất hạnh phúc nhưng mọi chuyện lại đâu có giống như vẻ bề ngoài của nó...

Những tưởng những con người xa lạ đó, không có bất kỳ mối quan hệ ràng buộc nào, sẽ được thưởng thức một thực đơn được lên kế hoạch cầu kỳ và tươi mới nhưng cái giá của bữa ăn này khủng khiếp hơn họ tưởng tượng rất nhiều.

Nam diễn viên kỳ cựu người Anh Ralph Fiennes đảm nhiệm vai trò bếp trưởng Slowik, người trực tiếp lên thực đơn cho bữa ăn xa xỉ nhưng đầy tội lỗi trong The Menu

Nam diễn viên kỳ cựu người Anh Ralph Fiennes đảm nhiệm vai trò bếp trưởng Slowik, người trực tiếp lên thực đơn cho bữa ăn xa xỉ nhưng đầy tội lỗi trong The Menu

Trước hết The Menu có cách đặt tiền đề đơn giản, giống như hầu hết các bộ phim kinh dị giật gân khác. Một nhóm người xa lạ, bắt đầu được tập hợp lại cùng nhau và tham gia vào một trò chơi mà họ không biết rằng mình sẽ trở thành nạn nhân.

Cốt truyện này tương đồng với rất nhiều nhưng tác phẩm khác đã ra mắt trước đây như Escape Room hay Bad Times at the El Royale, tuy nhiên các xử lý của The Menu lại không đơn giản như vậy.

Kế hoạch của đầu bếp Slowik không xuất phát từ những quyết định tầm thường hay mâu thuẫn với những nạn nhân mà thực tế, hắn muốn tạo ra một thứ gì đó có tầm vóc và để đời hơn. Gã ta muốn thỏa mãn không chỉ bản thân mình mà còn cả những người xung quanh hắn.

Từ một nhân viên phục vụ bánh burger bình dân với nụ cười tươi sáng rạng rỡ được yêu thích, cuộc đời Slowik thay đổi khi nhận được lời khen ngợi của một nhà phê bình có tiếng. Bài viết của bà ta được đăng lên tạp chí nhiều người đọc và điều đó mở ra cho Slowik những cơ hội chưa từng có.

Hắn được nhận tiền từ những nhà đầu tư thiên thần, mở một nhà hàng xa xỉ, phục vụ những món ăn đắt đỏ mà hắn đã giành hết tâm huyết và kỹ năng hiếm ai có được cũng như chỉ có những kẻ sành sỏi nhất mới có thể thưởng thức hết được cái tinh tế của chúng. "Đừng ăn, hãy nếm" là câu nói mà Slowik luôn nhắc nhở khác hàng của mình.

Dẫu vậy, có mấy ai quan tâm và thấu hiểu hết được điều đó? Mỗi người tham gia bữa ăn này đều có những mục đích khác nhau và không đơn giản đến chỉ để cho no bụng rồi về. Ai cũng muốn tìm kiếm những giá trị phục vụ cho bản thân mình, ngoại trừ một trường hợp đặc biệt không nằm trong kế hoạch: cô gái có tên Margot - một kẻ thế chỗ bí ẩn.

The Menu có cách vào đề đơn giản nhưng hiệu quả và núi kéo người xem từ đầu đến cuối

The Menu có cách vào đề đơn giản nhưng hiệu quả và núi kéo người xem từ đầu đến cuối

Nhà hàng Hawthorne bỗng chốc trở thành một chỗ hẹn hò lý tưởng, một nơi để bản thân trở nên sang trọng, một địa điểm có đồ ăn ngon để viết phê bình... tất cả đều không thực sự quan tâm đến việc được "ăn" một cách đúng nghĩa nhất.

Vậy thì Slowik cầu kỳ và cẩn thận như thế cho ai xem? Có ai hiểu và "nếm" được cái mà gã ta đang phô bày? Tất cả đã tạo nên một kẻ điên loạn, có chút dị hợm và quái đảm. Biến hắn từ một người mang đến niềm vui cho người khác mỗi khi ăn, nay lại trở thành một tên độc tài, tự mãn và mù quáng với tài năng và tầm nhìn của mình.

Nhân vật Slowik có thể coi là đại diện những nhà làm nghệ thuật. Khi những giá trị của ông ta được một bộ phận tôn sùng, được giới phê bình và truyền thông nâng đỡ, điều đó vun đúc lên những cá thể có phần tự mãn, luôn làm những điều nhằm tôn sùng chính bản thân mình mà quên đi mất đi ý niệm sơ khai của nghệ thuật thực tế lại phải là hướng đến khán giả, người thưởng thức và tiêu thụ chúng.

Nó biến những thứ tưởng chừng như rất đơn giản nay lại trở nên quá phức tạp, mang đầy câu chuyện cá nhân và đôi khi là cả mệt mỏi, rằn vặt cũng như đau khổ. Slowik lạc lối trong chính những thứ mà ông ta tạo ra, bằng công thức đặc biệt, bằng lối tư tưởng độc tài đến điên loạn.

Về phần cô gái Margot, cô ta đại diện cho những khán giả đại chúng ngoài kia. Họ không chủ đích tìm kiếm những câu chuyện nghệ thuật đặc biệt hay tinh hoa. Thứ Margot yêu thích và chi tiền ra để có được đôi khi lại đơn giản như một chiếc burger kẹp phô mai giá chỉ 9.95 đô-la Mỹ. Cô ấy không yêu cầu mọi thứ phải thật ấn tượng hay cầu kỳ, điều quan trọng là bạn phải thực sự được "ăn nó", được thấy no vì nó.

Margot mới là những người mà nghệ thuật sinh ra để được phục vụ. Khi những người tạo ra tác phẩm và khán giả gặp được giá trị cũng như thấu hiểu lẫn nhau, đó mới chính là đích đến cuối cùng của một sự cân bằng và công thức hoàn hảo.

Nhân vật Margot do Anya Taylor-Joy đảm nhiệm đóng vai trò quan trọng trong bộ phim

Nhân vật Margot do Anya Taylor-Joy đảm nhiệm đóng vai trò quan trọng trong bộ phim

Bộ phim cũng cho thấy thực trạng mâu thuẫn giữa những nhà phê bình và khán giả đại chúng. Những áp lực phải làm thỏa mãn tất cả mọi người của những người tạo ra nghệ thuật đã khiến họ trở nên cao ngạo, bất chấp và hy sinh tất cả, từ gia đình đến niềm vui và hạnh phúc vốn có.

Cùng với đó, một số những nhân vật khác cũng bị lên án như tên phá hoại Tyler, kẻ tiết lộ hầu hết những điều bí ẩn làm nên giá trị của những tác phẩm nghệ thuật. Anh ta có hiểu biết về những món ăn xa xỉ, luôn theo dõi và lắng nghe nhưng lại thiếu đi những kiến thức vốn căn bản nhất về việc nấu ăn. Sự hợm hĩnh, phá luật và sùng bái mù quáng là thứ hủy hoại chính hắn ta cũng như các giá trị mà Tyler theo đuổi.

Nhân vật nhà phê bình Lillian (Janet McTeer đóng) cũng xuất hiện khá tiêu cực khi bà ta là người có hiểu biết chuyên sâu, có tầm ảnh hưởng nhưng luôn quá chú trọng tiểu tiết mà quên đi mất tổng thể của món ăn. Những lời nói phê bình của bà cũng là một phần trong việc hủy hoại nhiều con người trong quá khứ.

Hay như với nhân vật của John Leguizamo, một nghệ sĩ đóng phim nhưng lại chẳng có chút ý thức nào về nghệ thuật. Ông ta nổi tiếng, sống trong hào quang của những tác phẩm nhưng lại luôn rũ bỏ chúng khi nhận về lời chê bai và chỉ trích. Điều này cũng đúng với tên chủ tạp chí, một kẻ lãnh đạo chẳng thể cảm nhận nổi ẩm thực nhưng lại cố tỏ ra hiểu biết và tâng bốc một cách nhiệt thành.

The Menu không chỉ đơn thuần là một bộ phim châm biếm thực tại xã hội mà đó còn là nỗi lòng, sự trăn trở và áp lực của những nhà làm phim nói riêng và những người làm nghệ thuật nói chung. Họ đứng giữa những lời trỉ chích từ người làm phê bình, từ những nhà đầu tư hống hách và đòi hỏi nhưng lại không hiểu biết gì về nghệ thuật, đối mặt với những kẻ phá hoại luôn tìm cách tiết lộ điều tuyệt vời nhất mà họ từng tạo ra.

Bối cảnh phim gói gọn trong một căn phòng tuy nhiên vẫn đủ sức giữ chân người xem đến phút cuối cùng

Cùng với đó, thứ khó đoán định và là đích đến cuối cùng của những người như Slowik là cần phải chinh phục được là khán giả. Khiến cho họ hạnh phúc, tiếp nhận và thoả mãn mới là niềm vui thực sự mà những người làm nghệ thuật mong muốn có được.

Bộ phim cũng nói đến một số thực trạng đáng buồn của ngành công nghiệp nghệ thuật khi phụ nữ có tài năng nhưng bị đánh giá thấp, bị lạm dụng nhưng vẫn phải tiếp tục đối mặt với những điều đó vì muốn cống hiến cho đam mê của mình.

Nhân vật bếp phó Jeremy, một người có tài năng và lòng kiên trì tuy nhiên những gì anh ta làm lại không được truyền thông biết đến. Khi không có được sự trợ giúp, nghệ thuật của Jeremy "chết yểu" trước mắt tất cả mọi người...

Nhìn chung, The Menu là một bộ phim mang nhiều thông điệp từ những nhà làm phim. Giữa một không gian u ám và đáng sợ, những món ăn cả về vật chất lẫn tinh thần được chăm chút, tôn vinh và làm nổi bật, truyền tải những câu chuyện, ký ức và niềm tin của người làm nghệ thuật.

Những tạo vật được đầu tư là thành quả của nhiều năm kinh nghiệm, của những bài học được đúc rút và sự tận tâm, đam mê của nhiều con người cùng chung chí hướng. Bộ phim không quá khó hiểu, không quá kinh dị nhưng vẫn tạo được kịch tính và lôi cuốn người xem ở lại đến phút cuối cùng.

Cinematone đánh giá 7 trên 10 điểm cho The Menu (Thực Đơn Bí Ẩn). Bạn đọc đã thưởng thức bộ phim có thể tham gia chấm điểm cùng chúng tôi tại đây.

Thực Đơn Bí Ẩn

Thực Đơn Bí Ẩn

Mời bạn tham gia chấm điểm bộ phim này trên Cinematone.



Đọc thêm bài viết khác

Nội dung đang được tải...