The Flash là dự án điện ảnh ấp ủ nhiều tâm huyết của không chỉ các nhà làm phim mà có lẽ là cả các lãnh đạo của Warner Bros. cũng như DC Entertainment. Sau những khó khăn liên tiếp xảy đến từ cả việc gián đoạn trong quá trình sản xuất, liên tục thay đổi đạo diễn, diễn viên... đến việc hãng phim đổi chủ, vũ trụ siêu anh hùng DCEU gần như bị khai tử cho đến các bê bối của nam chính Ezra Miller gần đây, tác phẩm cuối cùng cũng đã có thể ra mắt người hâm mộ toàn cầu vào cuối tuần vừa qua.
Bộ phim bắt đầu với mốc thời gian nối tiếp sau sự kiện Justice League, khi này Barry Allen (Ezra Miller đóng) đã trở thành một nhân viên giám định chứng cứ nhằm phục vụ các cuộc điều tra. Không cần nói lý do, việc anh chàng chọn lựa cho mình công việc này rõ ràng không nhằm ngoài mục đích tìm kiếm chứng cứ theo đuổi vụ án về cha mình, người đang đứng trước nguy cơ trở thành tội phạm giết người với nạn nhân không ai khác chính là vợ ông cũng là mẹ của Barry.
Tuy nhiên, trong một lần tình cờ, anh chàng phát hiện ra rằng bản thân không chỉ có khả năng sử dụng siêu sức mạnh để di chuyển một cách nhanh chóng mà nhờ đó, khi tốc độ đạt đến một ngưỡng nhất định, Barry có thể quay ngược trở lại quá khứ. Và từ đây, cuộc hành trình giải cứu không chỉ một mà nhiều cuộc đời liên quan đến tai nạn năm xưa chính thức bắt đầu.
Tiếp nối vũ trụ Snyder-verse còn đang dang dở
The Flash rõ ràng đã mang đến một trải nghiệm nhiều tính kế thừa từ vũ trụ mà Zack Snyder từng thiết lập trước đây. Từ màu phim có phần hơi tối với tông xám đen đặc trưng, đến việc kịch bản dẫn dắt người xem nhớ lại các sự kiện đã xảy ra ở loạt phim trong quá khứ. Cùng với đó, việc thiết lập phản diện tướng Zod và World Engine rõ ràng đã khơi gợi lại nhiều ký ức cũng như nhắc nhớ khán giả trung thành về hai tập phim mở màn Men of Steel và Batman v Superman: Dawn of Justice nhiều tâm huyết của DCEU.
Các biên kịch đã không lãng quên quá khứ khi tiếp tục nhắc lại 1 phần chi tiết khi The Flash khám phá ra sức mạnh quay ngược thời gian của mình trong Justice League đồng thời sử dụng lại một loạt nhân vật mà Zack Snyder đã từng thiết lập từ trước. Tính liền mạch này tạo cho bộ phim một không gian sáng tạo vừa có tiền đề vừa có khoảng không mới để phát huy.
Phim không mất nhiều thời gian để giới thiệu lại hệ thống tình tiết mà thay vào đó là vào ngay các sự kiện, phát huy mối quan hệ thân thiết giữa Barry và Bruce Wayne (Ben Affleck đóng) và từ đó triển khai một cách mạch lạc và trôi chảy.
Kịch bản có chiều sâu, đẩy mạnh giá trị của siêu anh hùng
The Flash sở hữu một phần kịch bản chặt chẽ và liền mạch, nhiều cảm xúc. Phim tiếp tục khai thác sâu về quá khứ của các siêu anh hùng nơi sự mất mát là tiền đề chính để tạo dựng ra giá trị sống và tính cách của mỗi một nhân vật trong DCEU. Nếu nhìn rộng hơn, kể từ Superman, Wonder Woman, Batman đến Aquaman, Cyborg... vũ trụ siêu anh hùng trên màn ảnh rộng của DC đều phác thảo một quá khứ với nhiều nỗi đau và bi thương. Những kịch tính đó giúp tôi luyện và phát triển lên các bản thể người hùng với mục tiêu và giá trị hành động khác nhau.
Và với The Flash cũng vậy. Nỗi đau mất mẹ là động cơ chính cốt yếu giúp tạo dựng nên người hùng này. Từ truyện tranh, phim truyền hình và giờ là điện ảnh, kịch bản luôn bám sát vào chi tiết này để giúp phát triển và nó giống như một điểm tất yếu bắt buộc phải diễn ra với bất kể một vũ trụ nào mà nhân vật có mặt.
Tác phẩm mất nhiều thời gian để triển khai sản xuất và điều đó khiến cho kịch bản phim cũng dường như đã đạt được sự chau chuốt nhất định. Phim không có quá nhiều chi tiết thừa thãi trong khi mảng hành động cân bằng với không gian thoại của các nhân vật.
Sự xuất hiện trở lại của hình tượng Batman do Michael Keaton đảm nhiệm mang đến hiệu ứng tích cực dù thực tế nó không quá ấn tượng nếu so với những màn "comeback" dạng này gần đây của dòng phim có nhiều lần tái khởi động và thời gian phát triển lâu dài. Bởi lẽ, phiên bản Batman của Keaton đã phát hành quá lâu và thế hệ khán giả trẻ gần như không nhiều hiểu biết cũng như có cảm nhận sâu sắc về nó. Chính vì vậy, người xem đại chúng có thể sẽ khó trầm trồ hay kinh ngạc về sự trở lại này và đây chính là điểm yếu phần nào làm giảm bớt tính hấp dẫn của tác phẩm.
Sự trở lại của Michael Keaton và việc bổ sung Sasha Calle dừng lại ở mức đáp ứng phần nào, chưa thực sự tạo cảm giác bùng nổ
Còn lại, mảng cảm xúc của bộ phim được xây dựng cẩn thận so với những dự án đã ra mắt trước đây của DCEU. Các câu đối thoại giữa nhân vật Barry Allen và Bruce Wayne đều tạo ra không gian sâu lắng, có chiều sâu, có nhấn nhá. Phần trình diễn của Miller vẫn là điểm sáng. Nam diễn viên cho thấy hai phiên bản khác nhau rõ rệt của cùng một nhân vật, vừa có hài hước, vừa có trưởng thành.
Sự xuất hiện của Supergirl do Sasha Calle đảm nhiệm nhìn chung dừng lại ở mức vừa đủ. Nhân vật không có nhiều đột phá và hầu hết các phân cảnh mà cô có mặt đều đã được giới thiệu từ trong các đoạn phim quảng bá trước đó. Khán giả mong chờ nhiều hơn có thể sẽ cảm thấy thất vọng đôi chút vì màn trình diễn lần này.
Hành động vừa phải, kỹ xảo hút mắt
Với một bộ phim về siêu anh hùng có phần lớn các cảnh hành động đều chứa đựng yếu tố kỹ xảo như The Flash, bộ phim phần nào thảo mãn được mặt thị giác dù vẫn còn nhiều yếu kém. Rõ ràng, ở những phân đoạn vượt thời gian hay sử dụng siêu tốc độ, phim đã cố gắng thay đổi góc nhìn bằng một loạt hiệu ứng mới, nhằm tạo ra ranh giới giữa thực tế và qua lăng kính của các nhân vật. Tuy nhiên, môi trường này nhìn chung chưa thực sự quá ấn tượng và đủ đột phá dù vẫn khá hút mắt khán giả.
Các phân cảnh chiến đấu thực tế với tướng Zod (Michael Shannon đóng) cũng mang đến cảm giác thiếu chân thật, không đủ sức nặng và đây là điểm trừ lớn với một tác phẩm có kinh phí sản xuất lên đến hơn 200 triệu USD.
Nhìn chung, The Flash vẫn là một dự án phim để lại nhiều ấn tượng của DCEU. Phim đáp ứng phần nào kỳ vọng của những người hâm mộ lâu năm với thế giới do Zack Snyder thiết lập trước đây, liên kết chặt chẽ và liền mạch nhờ các sự kiện - nhân vật trong quá khứ, đồng thời tạo được một không gian mới đủ khác biệt và làm tốt nhiệm vụ giới thiệu câu chuyện độc lập cho nhân vật siêu anh hùng này trên màn ảnh rộng.
Cinematone đánh giá 7 trên 10 điểm cho The Flash. Độc giả đã thưởng thức tác phẩm có thể tham gia chấm điểm cùng Cinematone tại đây.