Bài viết Thanh Niên Online Alita: Thiên thần chiến binh - bom tấn giải trí không thể bỏ qua cho fan khoa học giả tưởng

Alita: Thiên thần chiến binh - bom tấn giải trí không thể bỏ qua cho fan khoa học giả tưởng

Một bom tấn đầy hấp dẫn với hành động và kỹ xảo hoành tráng, cảm xúc chân thật, đậm tính nhân văn, cùng một thế giới to lớn với những thước phim tuyệt đẹp, Alita: Thiên thần chiến binh là siêu phẩm giải trí không nên bỏ qua.

07/02/2019 23:30 (GMT+7)

Alita: Thiên thần chiến binh (tựa gốc: Alita: Battle Angel) được chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản ra mắt năm 1990. Bối cảnh phim diễn ra vào thế kỷ 26, khoảng 300 năm sau một cuộc chiến tranh thảm khốc làm trái đất biến thành đống đổ nát. Sự kiện này được gọi là Cuộc suy sụp. Ở Iron City, tiến sĩ Dyson Ido tìm thấy một bộ phận của cơ thể người máy trong bãi phế liệu. Là một bác sĩ chuyên về chăm sóc robot, ông mang phần cơ thể này về nhà chế tạo lại. Tiến sĩ Ido đã cho cô bé robot này một cơ thể mới và đặt tên là Alita. Ido cố gắng giải thích những gì xảy ra với thế giới, nhưng cô không hề có một ký ức nào về việc mình là ai.
Trong suốt 122 phút là tuyến truyện gốc của tác giả Yukito Kishiro được mang lên màn ảnh. Alita từ làm quen với một thế giới xa lạ đến trở thành một thợ săn tiền thưởng để điều tra một kẻ giết người hàng loạt, chống lại những thành phần xấu của Iron City như sát thủ cyborg Zapan, cô dần biết được chữ yêu, tham gia giải đấu thể thao chuyên nghiệp chết người và khám phá sự thật về sự tồn tại của cô. Trên hành trình của mình, Alita đụng độ tên Vector độc ác và nhà khoa học Chiren, hai kẻ điều hành gian xảo của cuộc đua Motorball. Cuối cùng Alita nhận ra được kẻ thù lớn nhất của cô là Nova, người đứng đằng sau mọi tội ác.
Tất cả diễn biến của phim bao gồm khoảng bốn tập đầu tiên của bộ truyện Battle Angel Alita, và James Cameron cùng đồng biên kịch Laeta Kalogridis đã cố gắng kết nối tất cả các phần, tạo ra một cấu trúc mạch lạc. Dù vậy, quá nhiều thứ để thể hiện trong cùng một bộ phim, nên Alita bị mắc vào lỗi lướt qua cốt truyện một cách khá vội vã để xây dựng đến một cao trào khổng lồ. Phim khởi động từ chậm đến nhanh dần và dồn dập rồi lại chậm và tiếp tục nhanh dần luân phiên lặp lại. Trong khi các nhà làm phim nhiệt tình muốn đưa càng nhiều tập truyện lên màn ảnh càng tốt thì nó lại bỏ qua rất nhiều thứ đắt giá và tầng ý nghĩa nặng nề của bộ truyện, cũng như không đủ thời gian để khai thác sâu vào từng nhân vật. Bù lại điều đó, Alita: Thiên thần chiến binh mang đến cho khán giả một cốt truyện dễ cảm nhận, dễ thở và mang tính giải trí cao.
Chuyện tình của Alita và Hugo (Keean Johnson) được phát triển rất tốt. Một mối tình ướt át xuất hiện giữa vùng đất hoang tàn hậu tận thế, giống như một bông hoa nổi lên từ vết nứt bê tông, và đó cũng là điều làm cho bộ phim mượt mà, bớt khô khan hơn.
James Cameron đã dành hai thập niên cố gắng phát triển dự án này, và điều nổi bật nhất đem lại thành công cho bộ phim chính là hiệu ứng kỹ xảo. Gương mặt biểu cảm của Alita và các nhân vật người máy dễ dàng tích hợp vào mọi cảnh hành động, đến độ người xem gần như quên mất rằng những nhân vật đó là kỹ xảo. Mặc dù Alita là nhân vật sử dụng công nghệ mô phỏng chuyển động và được hỗ trợ bởi tứ chi tạo ra từ CGI cùng đôi mắt to kỳ lạ, nhưng cô ấy lại trở nên rất thật với từng cung bậc cảm xúc, từ việc di chuyển cơ mặt, ánh mắt, mọi trạng thái vui buồn đến rơi nước mắt.
Để có thể tạo ra được một Alita ngọt ngào và mạnh mẽ từ kỹ xảo nhưng lại thật hơn cả thật như vậy, không phải chỉ nhờ vào công nghệ tân tiến mà còn nằm ở diễn viên Rosa Salazar. Không những chỉ với tài năng diễn xuất mà Rosa Salazar còn mang cả con người, tinh thần và linh hồn của mình vào trong nhân vật Alita. Cô cũng chính là nhân tố giúp cho việc diễn viên thật và kỹ xảo tạo hình hòa trộn với nhau rất hài hòa trong cùng một khung hình. 
Mối quan hệ của Alita với tiến sĩ Ido cũng được phim thể hiện rất tình cảm và ấm áp. Ido là một bác sĩ tốt bụng, người che giấu những bí mật về quá khứ của Alita. Dù Christoph Waltz không hề có đủ không gian để khai thác sâu hơn vào nhân vật của ông vì hơn nửa thời lượng phim đã dành cho Alita và những cảnh quay hành động kịch tính, nhưng ông đã thể hiện rất hay và cho người xem thấy được hình tượng của một người cha đầy lòng thương yêu cùng tâm trạng sâu sắc, người cố vấn, bác sĩ, giáo sư và lương tâm cùng trách nhiệm cao cả đối với cuộc sống.
Bộ phim trở nên sống động và hấp dẫn hơn bởi sự phối hợp ăn ý giữa hình ảnh, âm thanh lẫn nhạc phim. Từng thước phim, mọi góc độ và các cảnh chiến đấu đều được trau chuốt kỹ lưỡng. Những cảnh quay vô cùng đẹp mắt và kịch tính khiến người xem như trực tiếp đang tham gia trận chiến.  
Mặc dù Alita: Thiên thần chiến binh không thể miêu tả hết được cấp độ nghệ thuật, cảm xúc và chủ đề của bộ truyện gốc, nhưng đây thật sự là một sản phẩm đáng kinh ngạc với màn trình diễn tuyệt vời của kỹ xảo và công nghệ mô phỏng chuyển động, đưa một thế giới viễn tưởng đầy kỳ lạ trở nên rất thật. James Cameron đã chứng tỏ mình là người tiên phong trong công nghệ này và Alita đã minh chứng cho việc nó phát triển đến mức nào kể từ siêu phẩm Avatar. Đây cũng có thể là bộ phim hay nhất của đạo diễn Robert Rodriguez trong nhiều năm qua kể từ Sin City (2005).
Ảnh: 20th Century Fox



Đọc thêm bài viết khác

Nội dung đang được tải...