Kiểm duyệt phim là một khái niệm không mới. Nó ra đời ngay từ thời điểm ban đầu của ngành công nghiệp phim ảnh thời kỳ phát triển ở cả các nước Phương Tây - nơi vốn được coi là khá cởi mở với tất cả các đề tài bao gồm từ chính trị đến khiêu dâm và bạo lực. Theo một số tài liệu, Anh đã bắt đầu thực hiện kiểm duyệt phim từ năm 1912 và sau đó trở thành các tiêu chuẩn tham chiếu chung cho một số quốc gia tư bản khác trong đó có Hoa Kỳ.
Sự kiểm duyệt phim nói riêng hay kiểm duyệt văn hóa nói chung đã theo sát quá trình phát triển của lịch sử nhân loại. Mỗi một chế độ, sự kiểm duyệt cũng sẽ có những sai khác nhất định. Chúng được xem như công cụ giúp các nhà quản lý xây dựng hệ một tư tưởng chính thống, rõ ràng và đồng nhất trong xuyên suốt nhiều thời kỳ, giai đoạn. Nếu theo dõi lịch sử phát triển của nghệ thuật và văn hóa, không ít các tác phẩm từng bị cấm trong thời kỳ nó ra đời nhưng sau đó lại trở thành kiệt tác ở một thời đại văn hóa khác. Đôi khi kiểm duyệt cũng được xem là cần thiết để đảm bảo sự trong sáng, lành mạnh của toàn bộ xã hội hay rộng hơn là của cả một quốc gia.
Vào những năm đầu thế kỷ 20, Vương Quốc Anh yêu cầu các rạp chiếu phim muốn hoạt động sẽ cần được chính quyền thẩm định và cấp phép do lo ngại tai nạn cháy nổ có thể xảy ra bởi kết cấu cuộn phim Nitrat ở thời điểm đó. Tuy nhiên, việc cấp phép này sau đã được mở rộng ra ngoài phạm vi của sự an toàn kể trên và bao hàm cả đến nội dung phim ảnh trình chiếu tại các rạp.
Cũng trong thời điểm đó, bộ phim From the Manger to the Cross của điện ảnh Hoa Kỳ được phát hành tại quốc gia này. Tác phẩm kể lại cuộc đời của chúa Giê-su nhận nhiều phản hồi tiêu cực từ khán giả mộ đạo Anh. Làn sóng phản đối phim được xem như nguồn cơn trực tiếp dẫn đến việc yêu cầu thành lập Hội đồng Kiểm duyệt phim BBFC vào năm 1913. Hoạt động của BBFC tại Anh ngày nay được mở rộng hơn tuy nhiên việc xếp hạng phim thực tế của đơn vị này chỉ mang tính tham khảo cho chính quyền địa phương. Mỗi khu vực sẽ có quyết định đặc biệt khác nhau và có thể không tuân theo các xếp hạng của hội đồng.
Các mức độ xếp hạng phổ biến phim theo BBFC tại Anh bao gồm:
U - Phổ biến cho mọi đối tượng
PG - Cần có sự giám sát của cha mẹ
12 - Dành cho khán giả từ 12 tuổi
12A - Dành cho khán giả từ 12 tuổi, dưới 12 tuổi cần sự giám sát của cha mẹ
15 - Dành cho khán giả từ 15 tuổi
18 - Dành cho khán giả từ 18 tuổi
R18 - Dành cho các ấn phẩm phim có hình ảnh khiêu dâm, chỉ phát hành tại các cửa hàng cấp phép và không dành cho người dưới 18 tuổi.
Một số tác phẩm từng bị cấm phát hành ở Anh hiện này phần lớn đều là các dự án từng được sản xuất ở thế kỷ trước. Chúng bị bỏ qua do có nội dung đề cập đến tư tưởng cực đoan, bạo lực dã man hoặc liên quan đến vấn đề Đức Quốc Xã hay không phù hợp với bối cảnh văn hóa - xã hội hiện đại. Ở Anh, việc các nhà sản xuất cắt giảm phim để được cấp phép phổ biến cũng diễn ra thường xuyên. Gần đây nhất, The Human Centipede 2 (2010) của điện ảnh Hoa Kỳ được yêu cầu cắt giảm gần 3 phút trước khi phát hành.
Một số bộ phim khác từng bị cấm chiếu tuy nhiên cũng đã được cấp phép lại. Hầu hết trong số chúng sẽ được phát hành dưới dạng DVD cho thuê xem tại nhà.
Hoa Kỳ ngày nay được xem như là một trong những quốc gia cởi mở nhất với việc kiểm duyệt phim điện ảnh. Hầu hết các bộ phim đều được dán nhãn phổ biến mà không chịu sự ảnh hưởng từ các cơ quan chính quyền địa phương.
Chicago được xem là nơi đầu tiên tại Hoa Kỳ ban hành sắc lệnh kiểm duyệt phim vào năm 1907, qua đó yêu cầu các bộ phim cần được xem qua tại sở cảnh sát trước khi phổ biến với toàn bộ người dân. Các bang khác tại Hoa Kỳ sau đó cũng lần lượt ban hành quy định riêng của mình. Dẫu vậy, các nỗ lực triển khai việc kiểm duyệt này đều đã bị bãi bỏ.
Cho đến nay, MPA (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, trước là MPAA) là cơ quan duy nhất tại Hoa Kỳ dán nhãn độ tuổi cho các bộ phim được trình chiếu tại quốc gia này. Đơn vị hoạt động hoàn toàn độc lập với chính phủ.
Hệ thống phân loại phim của Mỹ được thống nhất từ năm 1968 cho đến nay, theo đó phân loại các bộ phim theo độ tuổi khán giả được phép tiếp cận như sau:
G - Phổ biến với mọi đối tượng
PG - Cần có sự giám sát của cha mẹ
PG-13 - Dành cho khán giả từ 13 tuổi, dưới 13 tuổi cần sự giám sát của cha mẹ
R - Dành cho khán giả từ 17 tuổi, dưới 17 tuổi cần sự giám sát của cha mẹ
NC-17 - Dành cho khán giả từ 17 tuổi
Danh sách các bộ phim từng bị cấm chiếu ở Hoa Kỳ tương đối ngắn và đa phần đều đã được phát hành lại. Hầu hết trong số chúng có liên quan đến các vấn đề về đạo đức, trẻ em, ngược đãi động vật hoặc vướng phải các vụ kiện tụng liên quan đến bản quyền. Ví dụ như gần đây nhất là tác phẩm phim tài liệu The Yes Men Fix the World - tác phẩm từng bị Phòng thương mại Hoa Kỳ yêu cầu cấm phổ biến trong một thời gian ngắn do vướng vào rắc rối liên quan đến vấn đề pháp lý với bộ đôi nhà hoạt động Yes Men.
Ấn Độ nổi lên như một trung tâm văn hóa lớn tại Châu Á với sự phát triển ở nhiều lĩnh vực, trong đó có phim ảnh. Hàng năm, Bollywood cho ra đời hàng nghìn bộ phim với doanh thu cao và đang dần trở nên phổ biến ở cả các quốc gia ngoài Ấn Độ.
Việc kiểm duyệt phim ở quốc gia tỷ dân này cũng trở nên phức tạp do ảnh hưởng của phong tục tập quán và nền văn hóa tôn thờ tôn giáo lâu đời. Ủy ban Chứng nhận Phim Trung ương Ấn Độ (CBFC) hiện đang được coi là một trong những hội đồng kiểm duyệt nghiêm khắc nhất thế giới.
Hiện tại, các mức độ xếp hạng phim ở Ấn Độ được bao gồm:
U - Phổ biến với mọi đối tượng
UA - Dành cho khán giả từ 12 tuổi, dưới 12 tuổi cần sự giám sát của cha mẹ
A - Chỉ dành cho khán giả trưởng thành
S - Chiếu hạn chế cho một số đối tượng nhà nghiên cứu, khoa học hay bác sĩ...
Fifty Shades of Grey từng bị cấm chiếu tại Ấn Độ khi ra mắt vào năm 2015 dù đã tiến hành cắt giảm nhiều phân đoạn. Những năm gần đây, nhiều tác phẩm đề cập đến cuộc nội chiến Sri Lanka hay các phong trào giải phóng thường bị CBFC từ chối cấp phép phổ biến.
Hàn Quốc từng bị kiểm soát gắt gao về văn hóa, đặc biệt là phim ảnh thời kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 do sự kìm kẹp của đế chế Nhật Bản tại bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên trải qua nhiều giai đoạn với những sự xáo trộn về lịch sử và chế độ, năm 1960 - Ủy ban Đạo đức Điện ảnh Quốc gia Hàn Quốc chính thức được thành lập (nay đã bị hủy bỏ). Giống như nhiều quốc gia phương Tây khác, tổ chức này không trực thuộc Chính phủ mà hoạt động độc lập, phục vụ lợi ích công cộng.
Ngành công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc phát triển thần tốc nhiều năm trở lại đây khi văn hóa trở thành một thế mạnh đưa đất nước này đến với phần còn lại của thế giới. Theo IMDb, không có phim nào hiện bị cấm chiếu ở Hàn Quốc bất kể chúng đề cập đến đề tài nào đi chăng nữa. Tuy nhiên, Hàn Quốc hiện đang được cho là khá nhạy cảm với một số bộ phim liên quan đến vấn đề chính trị của Triều Tiên.
Hệ thống xếp hạng phim tại Hàn Quốc được chia ra thành:
G - Phổ biến với mọi đối tượng
PG-12 - Dành cho khán giả từ 12 tuổi, dưới 12 tuổi cần sự giám sát của cha mẹ
PG-15 - Dành cho khán giả từ 15 tuổi, dưới 15 tuổi cần sự giám sát của cha mẹ
R-18 - Dành cho khán giả từ 18 tuổi
R - Chiếu hạn chế, chỉ dành cho khán giả từ 19 tuổi và không được chiếu ở các rạp chưa được cấp phép
Nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc trở thành quốc gia đi đầu trên thế giới về sự tăng trưởng của ngành công nghiệp điện ảnh. Sự giao lưu văn hóa cũng như cách thức làm phim hợp thời đại đã đẩy nhanh quá trình phát triển của điện ảnh nước này. Tuy nhiên, do môi trường đông dân cũng như sự đa dạng trong văn hóa, con người khiến cho quốc gia này trở nên khá hạn chế trong việc kiểm duyệt phim ảnh.
Cơ quan Quản lý Nhà nước về Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (viết tắt: SAPPRFT) là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm duyệt phim trước khi chúng được phổ biến đến với khán giả. Tất cả các nội dung khiêu dâm, phản động, kích động bạo lực, truyền bá mê tín dị đoan hay chủ đề đồng tính đều đã bị cấm. Các phim nước ngoài bị phát hành hạn chế theo chỉ tiêu nhất định mỗi năm và Trung Quốc hiện cũng đang tiến hành kiểm duyệt các phim đã phát hành trên cả khu vực đại lục lẫn đặc khu hành chính Hồng Kông.
Hầu hết các bộ phim bị cấm ở Trung Quốc đều xuất phát từ các nhà làm phim nước này cũng như phim nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Titanic của James Cameron từng bị yêu cầu chỉnh sửa phân cảnh nhân vật Rose tham gia vẽ tranh khỏa thân cùng nhân vật Jack. Deadpool cũng đã bị từ chối do các yếu tố bạo lực và hình ảnh được đánh giá là không phù hợp ngay cả khi cắt giảm. Năm 2018, Christopher Robin của Walt Disney cũng đã bị quốc gia này loại khỏi danh sách chiếu rạp. Nhiều nguyên nhân được đưa ra trong đó một số cho rằng, hình ảnh gấu Pooh được người dân quốc gia này sử dụng như một hình thức phản đối chính quyền của ông Tập Cận Bình.
Yếu tố kiểm duyệt hiện nay ngày càng gắt gao hơn ở Trung Quốc khi quốc gia này còn tiến hành đánh giá tác động không chỉ của nội dung được đề cập trong phim ảnh mà còn ý nghĩa của nó với xã hội. Các thành viên tham gia đóng phim, sản xuất nếu vướng bê bối, nói xấu hoặc phản đối chính phủ cũng có thể khiến cho tác phẩm không được phép phát hành.
Theo Wikipedia, cho đến nay, Trung Quốc chưa tiến hành phát triển một hệ thống phân loại xếp hạng phim cụ thể nào cho các tác phẩm được trình chiếu tại quốc gia này. Trên chuyên trang Douban - một hệ thống lưu trữ thông tin phim phổ biến của Trung Quốc, các bộ phim đều không có thông tin về độ tuổi theo dõi.