Kỹ xảo trong Avatar 2 đã nâng tầm thế nào và vì sao nó đắt đỏ?

Kỹ xảo trong Avatar 2 đã nâng tầm thế nào và vì sao nó đắt đỏ?

Avatar 2 (The Way of Water) là dự án điện ảnh có quy mô cực kỳ đồ sộ với kinh phí sản xuất được ước tính từ 350 đến 450 triệu USD chỉ riêng cho một tập. Nhưng liệu với từng đó vốn đầu tư, tác phẩm của James Cameron thực sự đã có bước tiến lớn thế nào trong ngành công nghiệp điện ảnh?

8.3
Avatar: Dòng Chảy của Nước
Mời bạn tham gia chấm điểm cho bộ phim này trên Cinematone!
Điểm tổng hợp trung bình dựa trên các đánh giá từ người dùng Cinematone.

Trở lại sau 13 năm, James Cameron mang đến những thước phim sinh động và khó có thể rời mắt về cảnh quan trù phú và tươi tốt của hành tinh giả tưởng Pandora do ông và các đồng nghiệp kỳ công xây dựng. Chưa nói về phần nội dung, chỉ tính riêng việc thiết lập một thế giới rộng lớn và đa dạng như vậy đã là một thành tựu rất lớn trong ngành công nghiệp làm phim hiện đại.

Nhưng trong khi tập phim đầu tiên chỉ tiêu tốn chưa đầy 250 triệu USD, Avatar 2 được báo cáo có giá thành sản xuất lớn hơn rất nhiều, từ 350 đến 450 triệu USD. Vậy, những sự chênh lệch này đến từ đâu? Cùng Cinematone tìm hiểu qua đôi chút về những khác biệt của cả 2 dự án để có thể tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc này.

Ghi hình nắm bắt chuyển động dưới nước

Không giống như phần phim trước, Avatar 2 khai thác môi trường biển thay vì rừng nhiệt đới đồng thời giới thiệu bộ tộc Metkayina cùng những đặc điểm sinh học và tập quán sinh hoạt khác lạ hơn so với Omaticaya của Neytiri trước đây. Việc sống và gắn liền cuộc đời với đại dương đã tạo những khám phá mới giúp khán giả có thêm trải nghiệm thưởng thức đặc biệt khi xem tác phẩm lần này.

Avatar 2 mang đến công nghệ nắm bắt chuyển động dưới nước vượt bậc

Avatar 2 mang đến công nghệ nắm bắt chuyển động dưới nước vượt bậc

Và đúng như tiêu đề, dòng chảy của nước đã xuất hiện xuyên suốt, bám lấy hầu hết thời lượng của bộ phim. Những sự kiện đều xoay quanh nước và bối cảnh cũng chủ yếu sử dụng trên đại dương. Nhưng có một điều đặc biệt hơn ở Avatar 2, đó là các diễn viên còn thực hiện ghi hình bên dưới bề mặt nước trong đó có những phân đoạn cực kỳ phức tạp như khi Lo'ak bị truy đuổi và lẩn mình vào trong rạn san hô, hay khi những người con của Jake bị đội quân của Quaritch bám theo rồi chạy trốn và gặp khó khăn khi vượt qua hàng loạt những cây tảo biển khổng lồ...

Việc sử dụng phương pháp nắm bắt chuyển động không mới, khi các diễn viên người thật khoác lên mình bộ đồ đặc biệt được kết nối trực tiếp với máy tính, đồng thời có rất nhiều camera làm nhiệm vụ ghi lại những thay đổi trong hành động cũng như biểu cảm để làm điểm mốc giúp cho các kỹ thuật viên hiệu ứng xử lý về sau, dẫu vậy, việc vừa mặc các bộ đồ ghi hình vừa phải lặn trong môi trường nước thật là chuyện có lẽ chưa từng ai thực hiện được trước đó.

Trong bài phỏng vấn với Collider hồi năm 2017, James từng cho biết:

Nó chưa từng được thực hiện trước đây và nó rất phức tạp vì hệ thống ghi lại chuyển động của chúng tôi, giống như hầu hết các hệ thống ghi lại chuyển động khác, hoạt động dựa trên quang học, nghĩa là nó sử dụng các điểm đánh dấu được ghi lại bởi bằng hàng trăm chiếc camera.

Vấn đề với nước không phải là phần ở dưới nước mà là điểm tiếp xúc giữa không khí và nước, tạo thành một tấm gương không ngừng chuyển động. Chiếc gương đó phản chiếu tất cả các điểm và đánh dấu, và tạo ra một loạt các sai lệch. Nó giống như một chiếc máy bay chiến đấu thả một đống rác để gây nhầm lẫn cho hệ thống radar của tên lửa. Nó tạo ra hàng ngàn mục tiêu sai, vì vậy chúng tôi phải tìm ra cách giải quyết vấn đề đó, điều mà chúng tôi đã làm. Về cơ bản, bất cứ khi nào bạn thêm nước vào, nó sẽ khó hơn gấp mười lần.

Hậu trường sản xuất của Avatar 2 cho thấy kỹ thuật mới đã được áp dụng để hoàn thành yêu cầu đặc biệt của bộ phim

Hậu trường sản xuất của Avatar 2 cho thấy kỹ thuật mới đã được áp dụng để hoàn thành yêu cầu đặc biệt của bộ phim

Trong một bức hình chụp hậu trường trước đó vào tháng 05 năm 2020, người ta nhìn thấy trên bề mặt bể chứa nước tại phim trường Avatar 2, đội ngũ sản xuất đã sử dụng một lớp bóng nhựa trong suốt phủ đầy lên bề mặt của bồn chứa. Điều này có thể được xem như giải pháp giúp giải quyết khó khăn của việc bị phản xạ mà James đã nhắc tới cũng như đảm bảo cho ánh sáng tự nhiên vẫn có thể chiếu xuống bên dưới trong quá trình ghi hình.

Ngay cả với phần phim đầu tiên, James đã giành rất nhiều thời gian để có thể hoàn tiện kỹ thuật ghi hình chuyển động dù trước đó đã có một số tác phẩm sử dụng công nghệ này. Đến với Avatar 2, khi chưa từng ai thành công với việc sản xuất phim dưới nước theo phong cách như vậy, đạo diễn lại tiếp tục đẩy giới hạn của kỹ xảo lên một tầm cao mới.

Chính việc đặt ra mục tiêu khó khăn và tìm cách giải quyết nó đã khiến cho quá trình sản xuất của Avatar 2 tiêu tốn nhiều thời gian, kéo tiến độ dự án chậm lại và có thể tăng thêm nhiều ngân sách. James cho biết rằng, mãi đến ngày 14 tháng 11 năm 2017, đoàn làm phim mới có thể thực hiện được một lần ghi hình thành công nhờ kỹ thuật mới.

Công nghệ máy quay 3D mới

Theo tạp chí Y.M.Cinema, bên cạnh Sony VENICE, Avatar 2 cũng sử dụng một hệ thống máy quay mới được chế tạo từ Bộ tách tia 3D có tên DeepX 3D do nhà phát minh và nhà quay phim Pawel Achtel phát triển. Thấu kính được sử dụng là Nikonos 15mm, là loại đặc biệt do Nikon phát triển để chụp ảnh dưới nước. Sự kết hợp này đã được lắp ráp để cung cấp hình ảnh dưới nước 3D IMAX rõ ràng, không bị biến dạng.

Loại máy quay mới cũng có kích thước nhỏ gọn hơn và được xem như là linh hồn của dự án Avatar 2, thứ mà James Cameron chờ đợi suốt nhiều năm để có thể thực sự biến trí tưởng tượng dưới nước của mình trở thành hiện thực.

Hình ảnh nhà phát minh, quay phim Pawel Achtel bên cạnh loại máy quay mới được phát triển cho Avatar 2. Ảnh: Pawel Achtel ACS

Hình ảnh nhà phát minh, quay phim Pawel Achtel bên cạnh loại máy quay mới được phát triển cho Avatar 2. Ảnh: Pawel Achtel ACS

So với quay phim trên cạn, quay phim dưới nước luôn đặt ra nhiều thử thách. Tuy nhiên, nó không chỉ ở khía cạnh giữ cho máy ảnh khô ráo. Khía cạnh khó khăn nhất khi quay phim dưới nước là quang học.

Pawel chia sẻ về những thách thức khi ghi hình dưới nước.

Trước đó, người ta vẫn sử dụng các ống kính thông thường để ghi hình dưới nước tuy nhiên các hạn chế về mặt quang sai, biến dạng, khả năng tiếp thu ánh sáng cũng như độ phân giải thấp và thường xuyên gây ra hiện tượng nhòe là nhược điểm lớn. Trong khi đó, với công nghệ máy quay mới được phát triển, Avatar 2 đã nhận được chất lượng ghi hình tuyệt vời và thực sự ấn tượng.

Nhiều kỹ xảo phức tạp, chuyển động ấn tượng

Trong môi trường kỹ xảo 3D, việc giả lập và tái tạo lại các yếu tố tự nhiên vô định hình luôn là bài toán khó và tiêu tốn nhiều nguyên bao gồm cả thời gian đến các cấu hình làm việc của thiết bị máy tính.

Trong khi đó, Avatar 2 lại có rất nhiều (gần như là hầu hết) các phân cảnh sử dụng đến yếu tố nước. Nước bám trên bề mặt của các sinh vật, luồn lách vào mọi ngóc ngách và tương tác rất chân thực với các diễn viên, chính vì vậy, kỹ thuật này chắc chắn là một bước tiến lớn trong ngành sản xuất VFX.

Việc tái tạo môi trường nước trong Avatar 2 là một thành công lớn của nhà làm phin

Việc tái tạo môi trường nước chân thực và ấn tượng trong Avatar 2 là một thành công lớn của tác phẩm

Avatar 2, như đã nhắc đến nhiều lần, giới thiệu môi trường đại dượng lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh rộng của hành tinh Pandora. Chính vì thế, nó cũng mang đến những loài sinh vật mới với vô vàn kích thước, hình dạng và màu sắc khác nhau.

Bộ phim cũng tái tạo rất cẩn thận chuyển động dưới nước của các sinh vật với những đường dây đặc biệt và phức tạp. Các diễn viên tham gia dự án từng được cho biết đã có thời gian đến nửa năm để học cách tập thở, lặn dưới nước. Cùng với đó, việc biểu cảm với các chi tiết tinh tế về sắc độ màu da, cử chỉ gương mặt, các nếp nhăn được thiết kế và xử lý rất chi tiết, cẩn thận cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của tác phẩm.

Chuyển động phức tạp trong môi trường nước cũng là yếu tố khiến bộ phim khác biệt

Chuyển động phức tạp trong môi trường nước cũng là yếu tố khiến bộ phim khác biệt

Trước đó, với phần phim năm 2009, khi các kỹ sư tại Weta Digital (đơn vị sản xuất hiệu ứng kỹ xảo chính của bộ phim) chỉ có nhiệm vụ dựng lại môi trường chủ yếu là vật chất cứng như cây cỏ, động vật và người Na'vi với cấu trúc ổn định và đơn giản hơn, họ được cho biết đã phải sử dụng một hệ thống máy tính phức tạp được tạo thành từ 34 giá với mỗi giá có đến 40.000 nhân xử lý và 104 TB bộ nhớ.

Theo cuốn Computer Vision, Imaging and Computer Graphics của tác giả Paul Richard, Avatar từng mất đến 40 giờ để kết xuất một khung hình mà người xem có thể nhìn thấy trên phim. Với thời lượng 162 phút ở bản phát hành ban đầu, dự án có thể tiêu tốn đến gần 1 năm làm việc để có thể hoàn thành công tác xuất phim cuối cùng.

Trong khi đó, Avatar: The Way of Water ra rạp với thời lượng hơn 3 giờ đồng hồ, sử dụng rất nhiều phân cảnh chuyển động phức tạp với độ chi tiết và chân thật đến khó tin. Điều này đồng nghĩa với lượng thời gian, tài nguyên và tiền bạc được tiêu tốn cũng sẽ nâng lên đáng kể để hoàn thành dự án lần này của James Cameron.

Vui lòng chờ! Đang tải...
Vui lòng chờ! Đang tải...
Từ năm 2018
Phiên bản 23.05
Theo dõi Cinematone trên:
Hotline: 0927 20 12 18
Thiết kế và phát triển bởi Christ Design
Vận hành bởi Cinematone.info
Nội dung đang được tải...