Án Mạng ở Venice: Màn tái xuất nhuốm màu kinh dị của thám tử Hercule Poirot

Dự án tội phạm, trinh thám tiếp theo trong loạt phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Agatha Christie cho thấy một phong cách khác lạ so với 2 phần phim đầu. Mạch nội dung gói gọn, vừa phải giữa bối cảnh Venice cổ kính, có phần kinh dị tạo ra một dự án trọn vẹn, dễ theo dõi nhưng chưa đủ bất ngờ, độc đáo.

7
Án mạng ở Venice
Mời bạn tham gia chấm điểm cho bộ phim này trên Cinematone!
Điểm tổng hợp trung bình dựa trên các đánh giá từ người dùng Cinematone.

Sau thành công trong việc mang hình tượng thám tử lừng danh Hercule Poirot đến với người hâm mộ điện ảnh qua Murder on the Orient Express (Án Mạng Trên Tàu Tốc Hành Phương Đông) và Death on the Nile (Án Mạng Trên Sông Nile), Kenneth Branagh tiếp tục được giao vai trò cầm trịch cũng như đóng chính trong phần phim thứ 3 có tên A Haunting in Venice (Án Mạng ở Venice), vừa mới ra mắt vào dịp cuối tuần này.

Chuyện phim tiếp tục xây dựng dựa trên tiểu thuyết của nữ nhà văn trinh thám nổi tiếng Agatha Christie. Tuy nhiên không giống như hai tập đầu tiên, lần trở lại này mang đến nhiều kỳ vọng hơn do sử dụng cuốn Hallowe'en Party (Ngày hội quả bí), một tác phẩm đã xuất bản từ lâu và ít phổ biến hơn của Agatha. Điều này làm cho bản thân dự án trở nên tương đối mới lạ với người hâm mộ đặc biệt là khi phần tựa đề, bối cảnh và nhiều nhân vật cũng đã bị thay đổi hoàn toàn so với cuốn sách gốc.

Review đánh giá phim Án Mạng ở Venice

Lấy bối cảnh năm 1947 tại Venice, khi này thám tử tài ba Hercule Poirot đã lui về ở ẩn và rời xa các vụ án dù liên tục nhận được nhiều lời mời gọi. Tuy nhiên, những án mạng vẫn chẳng thể rời xa ông khi nhà văn và đồng thời là người bạn cũ lâu năm, Ariadne Oliver (Tina Fey đóng), bằng cách nào đó đã vượt qua người gác cổng Vitale Portfoglio (Riccardo Scamarcio đóng) để gửi đến Poirot một lời đề nghị đặc biệt khiến ông lần nữa phải bắt tay vào cuộc giải mã mới. Lần này, tội ác có liên quan đến bi kịch xảy ra một năm trước tại lâu đài của ca sĩ opera từng rất nổi tiếng có tên Rowena Drake (Kelly Reilly đóng).

Bí ẩn từ trong quá khứ trở nên kinh hoàng hơn nữa khi nó không chỉ tạo ra những day dứt và đau khổ kéo dài mà còn chính là động cơ khiến cho hai vụ án mạng liên tiếp được sắp xếp cẩn thận, xảy ra ngay trước mắt Poirot trong chính đêm Halloween.

A Haunting in Venice (Án mạng ở Venice) mang đến một màu sắc mới mẻ và khác biệt hơn so với hai phần phim đầu tiên. Khán giả sẽ không còn thấy sự hóm hỉnh và những hành động, câu hỏi tưởng chừng như rất vô nghĩa của vị thám tử râu quặp giống trước đây, mà thay vào đó và những màn suy luận, những câu nói đi thẳng vào trọng tâm vụ án.

Bộ phim được xây dựng gói gọn trong thời lượng 103 phút, ít hơn đáng kể so với hai phần phim trước (lần lượt là 114 và 126 phút). Chính vì lý do đó nên ngay từ khoảng 30 phút trình chiếu đầu tiên, khán giả đã được bước chân ngay vào trong vụ án và đã có tội ác xảy ra với ít các câu chuyện được xây dựng là "mồi nhử".

A Haunting in Venice sử dụng nhiều yếu tố kinh dị, giật gân hơn so với các phần phim trước

Kịch bản của Án Mạng ở Venice không giới thiệu chi tiết phụ xoay quanh mỗi nhân vật và đồng thời cũng lướt qua hoàn cảnh, tính cách của tất cả rất nhanh. Các phần hỏi đáp giữa Poirot và danh sách nghi phạm của ông cũng chỉ diễn ra chóng vánh, thiếu đi các tình tiết đặc biệt, bí ẩn.

Sự tiết chế trong xây dựng cốt truyện kể trên được xem là điểm trừ khi nó có thể khiến cho người xem dễ dàng cảm thấy đơn điệu, đặc biệt khi bối cảnh dự án cũng chỉ gói gọn trong không gian vốn đã rất chật hẹp và nhàm chán tại tòa lâu đài cổ xưa ở Ý. Gần như không có màn đánh lừa nào đặc biệt và động cơ của mỗi nhân vật trở nên rõ ràng hơn khi hai phần ba thời lượng trôi qua. Không khó để đoán ra hung thủ thực sự bởi mọi dữ liệu trở nên rất sáng tỏ và rành mạch.

Đây có thể đánh giá là một thất bại nếu so với cuốn sách mà dự án đã tham chiếu của Agatha. Rõ ràng, biên kịch đã cắt giảm hàng loạt vụ án và khiến cho động cơ cuối cùng của hung thủ thiếu thuyết phục. Các mối liên kết ràng buộc phức tạp gần như không có và đây thực sự là điều đáng tiếc bởi nó từng là "đặc sản" ấn tượng, ghi dấu ấn với người đọc trong các cuốn sách trinh thám của nữ nhà văn người Anh.

Phim lãng phí nhân vật của Dương Tử Quỳnh dù bà xuất hiện ấn tượng trong nửa đầu bộ phim

Phim lãng phí nhân vật của Dương Tử Quỳnh dù bà xuất hiện ấn tượng trong nửa đầu bộ phim

Việc thay đổi phong cách sang dạng kinh dị, giật gân với nhiều yếu tố về tâm linh, đồng thời giới thiệu hình tượng bà đồng do Dương Tử Quỳnh đảm nhiệm là một khác biệt lớn so với phiên bản văn học. Tuy nhiên, nhân vật này sau cùng lại có thời lượng xuất hiện không nhiều, những gì đã thiết lập xoay quanh quá khứ đặc biệt của bà bị lãng phí khiến cho bộ phim nhìn chung chưa mang lại hiệu quả thực sự ấn tượng.

Về các vai trò khác, phần phim này gần như không có vai diễn nào đủ nổi bật. Phim lặp lại một số hình tượng và giải quyết các mâu thuẫn khá gấp gáp. Cú twist sau cùng cũng chưa thực sự tạo ra đột phá và chỉ được thực hiện thông qua phân đoạn rất ngắn với vài ba câu thoại cùng phần dàn dựng thiếu cao trào.

Nhìn chung, Án Mạng ở Venice vẫn chưa thể mang đến một dự án trinh thám ấn tượng do phần kịch bản đơn giản và thiếu chiều sâu. Phim sử dụng yếu tố kinh dị giật gân được xem là bước đi mới mẻ, phù hợp nhưng lại lãng phí dàn diễn viên tiềm năng. Các động cơ và giải quyết vụ án không đủ tính "đánh lừa", dễ dàng bị người xem "bắt bài". Việc cắt bớt câu chuyện cũng như số lượng vụ án, nhân vật so với tiểu thuyết gốc cũng bị xem là điểm thiếu tích cực, gây tranh cãi.

Cinematone đánh giá 6 trên 10 điểm cho A Haunting in Venice - Án Mạng ở Venice. Bạn đọc đã thưởng thức dự án có thể tham gia chấm điểm cùng Cinematone tại đây.

Vui lòng chờ! Đang tải...
Vui lòng chờ! Đang tải...
Từ năm 2018
Phiên bản 23.05
Theo dõi Cinematone trên:
Hotline: 0927 20 12 18
Thiết kế và phát triển bởi Christ Design
Vận hành bởi Cinematone.info
Nội dung đang được tải...