Phần phim hậu truyện - tái khởi động thương hiệu The Matrix mới đây là một dự án nhiều tham vọng. Phim kết hợp tương đối nhuần nhuyễn giữa những giá trị cốt lõi với những điểm đột phá, phù hợp xu thế. Dẫu vậy, tác phẩm không thể để lại ấn tượng sâu sắc bởi những triết lý xáo rỗng kết hợp cùng với phần hành động kỹ xảo rối ren và có phần tụt hậu.
26/12/2021 22:28 (GMT+7)
Nếu là khán giả yêu thích thể loại khoa học giả tưởng, đặc biệt là những bộ phim theo phong cách cyberpunk thì chắc chắn bạn đã xem hoặc ít nhất nghe đến cái tên The Matrix (hay Ma Trận).
Ra đời từ những năm 1999, bộ trilogy đầu tiên của loạt phim mang về thành tích tốt, trở thành một hiện tượng đại chúng không chỉ ăn khách mà còn được giới mộ điệu đánh giá rất cao bởi tính đi trước thời đại cũng như phong cách dàn dựng cuốn hút của nó.
Bộ phim trước đây khép lại ở tập ra mắt năm 2003 với việc Thế giới Ma Trận được tái lập trong chu trình mới. Những sự kiện trong quá khứ được xem như chưa từng xảy ra và thành phố Zion được trao trả lại sự tự do cũng như an toàn tạm thời.
Khi này, yêu cầu đặt ra là phải tìm cách ổn định Ma Trận mới trong khi phương trình đối trọng giữa Neo và Smith đã không còn. Khi con người càng gần với việc nhận thức và khao khát, họ càng dễ dàng nhận ra sự bất ổn trong thế giới tưởng tượng mà máy móc đã thiết đặt. Vì vậy, Kiến Trúc Sư (khi này đã được thay thế bằng Nhà Phân Tích) quyết định hồi sinh Neo và Trinity nhưng lần này là với hai thân phận và hoàn cảnh hoàn toàn mới, tiếp tục đưa họ vào trong thế giới Ma Trận.
Trong khi những người ở Zion vẫn đang ngày đêm miệt mài với cuộc chiến chống lại máy móc thì khi phát hiện ra việc Neo và Trinity vẫn đang còn sống, họ quyết tâm tìm cách giải cứu cả hai người bất chấp những nguy hiểm khó lường trong một Ma Trận giờ đây đã có nhiều thay đổi. Và đó là những gì được sử dụng làm tiền đề cho phần phim The Matrix Resurrections (Ma Trận: Hồi Sinh).
Bộ phim, trước hết cần được khen ngợi bởi sự sáng tạo trong việc xây dựng thế giới mới. Không giống như những gì đã diễn ra trong bộ 3 phim điện ảnh đầu tiên, câu chuyện giờ đây không còn chỉ xoay quanh một tâm điểm quan trọng là thế giới Ma Trận nữa mà thay vào đó là cuộc chiến chống lại máy móc ngoài đời thực với những sự vận động biến chuyển chưa từng có trong nhận thức của cả hai phe, cả con người và máy móc.
Bộ phim đúng như tên gọi của nó, đã hồi sinh hai nhân vật quan trọng là Neo và Trinity dưới diễn xuất của Keanu Reeves và Carrie Anne Moss. Trong khi đó, việc bổ sung những thành tố mới giúp mang đến làn gió khác biệt và trẻ trung hơn cho tác phẩm.
Phim cũng triển khai những khái niệm phù hợp với hiểu biết hiện đại như Bugs, Modal đồng thời cải tiến thế giới trong Ma Trận trở nên hợp thời hơn với màu sắc tươi sáng và bắt mắt.
Tác phẩm theo đó cũng khéo léo lồng ghép giữa những phân cảnh trong loạt phim cũ đồng thời mô tả cho người xem các thay đổi ở thế giới mới. Từ đó, dẫn dắt vào một chu trình tiến hóa (dù không quá nhiều) của Ma Trận.
Dù có tiền đề không tệ như vậy, nhưng The Matrix Resurrections lại gặp phải những vấn đề rất lớn mà nguyên nhân chính ở đây có thể đến từ tham vọng muốn tái thiết một nhượng quyền có sức sống lâu dài hơn của Warner Bros. Lana Wachowski từng nhấn mạnh rằng, đây sẽ là tập phim duy nhất cô làm với Matrix mới, dẫu vậy, thực tế Warner Bros vẫn có thể sẽ tự triển khai dự án dù có hay không chị em Wachowski.
Bộ phim có thời lượng kéo dài gần 2 tiếng rưỡi khiến các tình tiết khá lê thê và không được giải quyết gọn gàng với bất kỳ một cao trào nào cụ thể. Phim đưa trở lại các nhân vật cũ tuy nhiên sự xuất hiện nhạt nhòa và gượng ép khiến tác phẩm đôi chỗ trở nên khó hiểu và thách thức người xem.
Nếu như trong các tập phim trước, người xem bị thôi thúc trong việc tìm ra ẩn số Neo thì ở lần này, dù là người được cho là quan trọng và khởi nguồn của mọi hành động, tuy nhiên anh đã không còn là tâm điểm nữa.
Anh chàng liên tục bị dẫn dắt từ hết không gian này đến thời gian khác mà chẳng làm được gì nhiều ngoài việc cho thấy mình có một tình yêu mãnh liệt với Trinity. Điều này có thể đến từ mong muốn phản ánh sự khác biệt của chu trình Ma Trận mới tuy nhiên, việc lãng phí nhân vật của Keanu Reeves có thể khiến những khán giả yêu thích anh cảm thấy không hài lòng.
Sự khiên cưỡng trong kịch bản cũng đến từ những nhân vật phụ như Niobe hay sự trở lại của đặc vụ Smith dưới tạo hình mới. Rõ ràng, việc thêm thắt này khiến cho mạch phim trở nên phức tạp hơn tuy nhiên cũng đặt ra thách thức trong việc tìm cách giải quyết quá nhiều vấn đề phức tạp một cách triệt để. Smith xuất hiện đứt đoạn với tâm lý thay đổi chóng mặt còn Niobe trở nên nhát gan và có phần khao khát quyền lực.
Trong khi đó, bản chất thực sự của Ma Trận, bối cảnh thế giới sau chiến tranh đang gây ra cuộc nội chiến tiềm tàng, hứa hẹn những sự kiện bùng nổ hơn lại chỉ được miêu tả qua loa thông qua vài câu thoại ngắn ngủi.
Ngoài những điểm chưa hấp dẫn ở trên, The Matrix Resurrections cũng có phần trình diễn với hình ảnh không thực sự thu hút người xem. Nếu như bạn từng phải trầm trồ kinh ngạc bởi những phân cảnh hành động quay chậm hút mắt ở các phần phim gốc, thì sang đến tập thứ 4, khi công nghệ kỹ xảo đã có nhiều bước tiến vượt trội sau hơn 2 thập kỷ, thì những kỳ vọng này có thể trở nên vô nghĩa.
Các phân đoạn từng xem như điểm nhấn của loạt phim không được tái hiện, các hiệu ứng nhòe nhoẹt và rối rắm, đặc biệt là khi có quá nhiều người tham gia vào cuộc chiến khiến người xem không thể đọng lại được bất cứ điều gì.
Rõ ràng, với những gì mà The Matrix Resurrections thể hiện, ít nhất ở mặt cảm quan hình ảnh, đây không thể xem là một bản hậu truyện - tái khởi động mà người hâm mộ thực sự kỳ vọng.
Cinematone đánh giá 6 trên 10 điểm cho The Matrix Resurrections. Độc giả quan tâm đến bộ phim có thể tham gia chấm điểm tại đây.