Từ 102 Dalmatians đến Alice Through the Looking Glass và Maleficent: Mistress of Evil, Disney đang gặp nhiều khó khăn với việc triển khai những tác phẩm hậu truyện dựa trên loạt phim hoạt hình ngay cả khi phần phim tái khởi động ban đầu đã từng rất thành công tại phòng vé.
16/03/2022 21:36 (GMT+7)
Walt Disney đã bắt đầu một quá trình phát triển các dự án live-action (người thật đóng) dựa trên các tác phẩm hoạt hình kinh điển ra mắt trước năm 2000 của hãng từ đầu thế kỷ 21 - thời điểm mà các kịch bản nguyên gốc đang dần cạn kiệt.
Khởi động bằng Rudyard Kipling's The Jungle Book ra mắt vào năm 1994, cho đến nay hãng đã phát hành tổng cộng 17 bộ phim trong đó có những tác phẩm đạt doanh thu hàng tỷ USD tuy nhiên cũng có những tựa phim thất bại nặng nề tại phòng vé. Dẫu vậy, có một điểm đặc biệt của tất cả dự án kể trên là không có một phần hậu truyện nào của các bộ phim remake này đạt được thành công như phần phim đầu tiên thậm chí còn được xem là thất bại nặng nề.
Dựa trên phiên bản hoạt hình The Jungle Book ra mắt vào năm 1967, Rudyard Kipling's The Jungle Book kể lại câu chuyện về cậu bé 5 tuổi tên Mowgli được đàn sói rừng nuôi lớn giữa những sự khác biệt và lạc lõng của con người và động vật.
Phim nhận được đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, không chỉ bởi bối cảnh độc đáo hấp dẫn mà còn bởi tính sáng tạo trong câu chuyện, thoát ly khá nhiều so với phiên bản hoạt hình gốc. Tác phẩm cũng mang đến sự trưởng thành và phức tạp hơn trong việc xây dựng tuyến nhân vật cũng như các mâu thuẫn, cao trào. Phim có kinh phí 30 triệu USD tuy nhiên đã có thể mang về gần 71 triệu USD tại phòng vé.
Sau thành công bước đầu đó, Disney tiếp tục làm mới nhiều dự án khác như 101 Dalmatians (101 Chú Chó Đốm) với phiên bản live-action cùng tên ra mắt năm 1996 do Glenn Close đóng chính. Bộ phim đạt được nhiều thành công quan trọng tại phòng vé với hơn 300 triệu USD doanh thu trên kinh phí sản xuất chỉ 67 triệu USD.
Mặc dù đánh giá của giới phê bình là thiếu tích cực tuy nhiên, phim vẫn được khán giả đại chúng yêu thích bởi hướng đi mới mẻ, thay vì chỉ tập trung vào câu chuyện về những chú chó đốm, phần phim mới lại khắc họa hình tượng thú vị liên quan đến Cruella de Vil - một nhà thiết kế có sở thích đặc biệt với thời trang làm từ lông thú. Phần phim tiếp tục mở đường cho tác phẩm Cruella ra mắt mới đây vào năm 2021. Một lần nữa, hình tượng Cruella de Vil được làm mới với một câu chuyện khác biệt, sáng tạo và thoát ly gần như hoàn toàn khỏi bản hoạt hình gốc.
Đến năm 2010, Disney nhận về một thành công ngoài sức tưởng tượng với dự án Alice in Wonderland của Tim Burton. Tác phẩm ra đời vào đúng thời điểm công nghệ phim 3D trở thành xu hướng sau sự ra mắt của Avatar năm 2009. Với cốt truyện được xây dựng tăm tối hơn kết hợp với hình ảnh bắt mắt, chăm chút tỉ mỉ và có phần quái dị từ tầm nhìn của Burton, Alice in Wonderland mang về hơn 1 tỷ USD tại phòng vé. Thành công của bộ phim khi đó được xem là may mắn bởi chất lượng kịch bản tương đối kém, tuy có sự đột phá nhưng không nhiều điểm nhấn và khác biệt.
Liên tiếp các năm sau đó, Disney giới thiệu đến người hâm mộ các dự án live-action remake với tần suất cao hơn, trung bình một đến hai phim mỗi năm. Từ Maleficent (2014), Cinderella (2015), The Jungle Book (2016) cho đến Beauty and the Beast (2017), Christopher Robin (2018)... gần đây nhất là Mulan (2020) và Cruella (2021).
Các bộ phim nhìn chung đều có chất lượng chế tác tốt với nguồn kinh phí sản xuất cao tuy nhiên, điểm chung của các dự án này hoặc là sẽ bám sát với bản hoạt hình gốc (như trường hợp của The Lion King, Aladdin, Beauty and The Beast) hoặc là sẽ triển khai một tuyến truyện hoàn toàn mới, khai thác các nhân vật phụ để đưa họ lên làm tâm điểm (như Cruella hay Maleficent hoặc Dumbo).
Ngoại trừ một số dự án hiếm hoi gặp thất bại như Christopher Robin hay Dumbo, Mulan, đa phần các bộ phim live-action của Walt Disney đều ghi nhận doanh thu phòng vé tương đối cao.
Mặc dù nhận được sự quan tâm lớn cũng như doanh thu phòng vé khả quan, dẫu vậy, Disney lại gặp phải khó khăn trong việc viết tiếp các câu chuyện của mình. Thực tế, ngay cả trước khi làm lại với phiên bản người đóng, các dự án hậu truyện ở dạng hoạt hình do Disney sản xuất cũng không nhận được đánh giá và sự quan tâm của người hâm mộ.
Các bộ phim như Cinderella từng là một thành công khổng lồ tại phòng vé tuy nhiên các phần tiếp theo chỉ được sản xuất để phát hành dưới dạng DVD gia đình hoặc cho thuê. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với Little Mermaid, Beauty and the Beast hay Mulan...
Việc hãng phim sản xuất các dự án hậu truyện kể trên được xem như chỉ nhằm mục đích duy trì sức hút cho thương hiệu mà không đặt nặng yếu tố doanh thu. Dẫu vậy, với các dự án live-action có kinh phí cao hơn, rõ ràng bài toán đặt ra cũng nan giải hơn và sự thất bại của phim kéo theo nhiều hệ lụy.
Điểm chung của hầu hết các bộ phim hậu truyện, bao gồm cả hoạt hình đến live-action gần đây là chúng đánh mất đi tinh thần "cổ tích" trong chất liệu. Ngay cả đối với một tác phẩm dựa trên nhân vật dân gian như Mulan hay sách văn học trẻ em như Pinocchio, yếu tố về thần thoại, giai thoại, phép thuật... cũng vẫn tạo được dấu ấn nhờ hình tượng các nhân vật phi thực tế được nhà sản xuất thêm thắt, đồng thời dạng kết thúc "Happy Ending" đặc trưng để lại năng lượng tích cực ngay cả với khán giả trẻ em.
Trong khi đó, ở các phần tiếp theo như The Little Mermaid II: Return to the Sea, truyện phim lại hướng người xem đến các vấn đề về gia đình, về tuổi vị thành niên hay là các yếu tố về sự hài hước, hành động giả tưởng như ở Maleficent: Misstress of Evil hay Alice Throught The Looking Glass.
Chính những sự biến đổi này làm cho các bộ phim không đạt được kỳ vọng ban đầu, không hấp dẫn khán giả trẻ em đồng thời không mang lại giá trị giáo dục mà phụ huynh mong đợi. Ngoài ra, việc khán giả tò mò với việc Disney làm gì với các dự án hoạt hình, phong cách dàn dựng được sử dụng như thế nào để đưa các nhân vật vốn được tạo ra bằng nét vẽ thông qua bản chuyển thể đầu tiên đã không còn nữa. Tất cả đẫn đến việc phim không nhận được hiệu ứng tích cực và tạo nên thất bại ở phòng vé.
Những nguyên nhân kể trên thậm chí cũng được áp dụng cho các dự án như Christopher Robin hay Dumbo.
Disney hiện đang có rất nhiều các dự án live-action đang trong giai đoạn sản xuất. Cho đến thời điểm hiện tại, hơn 10 tựa phim chuyển thể mới được báo cáo đã bước vào quá trình hoàn thiện kịch bản. Một số trong đó đã hoàn tất quá trình ghi hình như The Little Mermaid hay sẵn sàng hậu kỳ như Pinocchio. Chính vì lẽ đó, khán giả sẽ cần chờ đợi khá lâu nếu như muốn tiếp cận các dự án hậu truyện từ Disney.
Tin tức liên quan đến The Little Mermaid
Live-action Nàng Tiên Cá đóng máy và thông tin về dàn cast chính thức
Một số tiêu đề live-action dạng hậu truyện hiếm hoi được báo cáo bật đèn xanh bao gồm Cruella 2, Aladdin 2 hay The Jungle Book 2. Tất cả đều chưa ấn định thời gian ra mắt.
Cùng với đó là một số bản dạng ăn theo hoặc tiền truyện như tập phim dựa trên tác phẩm The Lion King được cho là kể về thời tuổi trẻ của nhân vật Mufasa hay một dự án Disney+ khác dựa trên nhân vật hoàng tử Anders - người từng có mặt trong tập phim Aladdin năm 2019 nhưng sau đó bị cắt ra ở bản dựng chính thức, dưới hóa thân của nam diễn viên Billy Magnussen. Hồi tháng 07 năm ngoái, Disney được cho là đang trong quá trình phát triển một dự án ăn theo Beauty and The Beast với nhân vật trung tâm là Gaston và LeFou.
Tin tức liên quan đến Beauty and The Beast