Nền điện ảnh Việt Nam đã có những thành công nhưng chưa thực sự vượt bậc trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay. Có thể thấy, khán giả trong nước đang ngày càng quan tâm đến lĩnh vực giải trí hiện đại này. Hàng loạt các dấu mốc doanh thu mới được thiết lập.
Quy mô thị trường điện ảnh hiện đã đạt đến con số 41.7 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2018. Con số này tăng lên đến 136 tỷ đô nếu bao gồm cả các khoản thu từ bản quyền truyền hình, giải trí... Trong đó, theo thông báo được B&Company công bố vào tháng 6 năm 2018, thị trường Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ ở lĩnh vực sản xuất và phát hành phim. Vào năm 2015, người Việt tiêu thụ khoảng 40 triệu vé mang về hơn 100 triệu đô-la doanh thu. Dù chỉ là con số rất nhỏ trong quy mô toàn ngành, tuy nhiên vẫn đủ thấy sức hút từ lĩnh vực này lớn đến thế nào.
Khán giả Việt ngày càng quan tâm đến điện ảnh. Ảnh: Fanpage CGV Việt Nam
Theo thống kê từ đầu năm đến nay của Cinematone, Việt Nam sản xuất và phát hành hơn 25 tác phẩm, đa phần trong số đó thuộc thể loại hài-tình cảm, doanh thu đột phá nằm về những bộ phim ra mắt dịp đầu năm cũng như có các yếu tố này. Các tác phẩm nổi bật có thể kể đến như
Mắt Biếc,
Chị Chị Em Em,
Cua Lại Vợ Bầu, Trạng Quỳnh, Hai Phượng, Lật Mặt Nhà Có Khách... Đa phần còn lại đều có phần mờ nhạt hoặc thất bại.
Phim hành động lên ngôi
Sau thành công của
Hai Phượng, nhiều đơn vị đã bắt đầu có những sự quan tâm đặc biệt đến dòng phim hành động - giang hồ. Cùng với trào lưu làm phim về nhóm đề tài này trên Youtube, phim hành động đang ngày càng được yêu thích và quan tâm từ đối tượng khán giả trẻ. Dẫu vậy, trên thực tế, các tác phẩm hành động Việt Nam vẫn gặp những lỗi cơ bản như thiếu thực tế và dàn diễn viên chưa đủ thực lực.
Chị Mười Ba lấy đề tài giang hồ băng nhóm nhưng chủ yếu lại tập trung vào yếu tố hài và giải trí hơn là hành động.
Hai Phượng có thể hiện tốt hơn nhưng mạch phim chưa đủ chiều sâu khiến phim vẫn chưa thực sự được đánh giá cao.
Hai Phượng được xem là đột phá tiếp theo trong nỗ lực công nghiệp hóa ngành điện ảnh Việt Nam. Ảnh: Studio 68
Dòng phim 'hài nhảm' gần như đã chết.
Phim hài luôn là 'đặc sản của phòng vé Việt rất nhiều năm trở về trước'. Ưu thế của dòng phim này nằm ở điểm, phim không cần quá nhiều đầu tư nhưng có thể thu về lợi nhuận lớn, cốt lõi nằm ở yếu tố tên tuổi của diễn viên. Dẫu vậy, sau sự vắng bóng của Hoài Linh trong thời gian trở lại đây, dòng phim hài đơn thuần cũng dần nguội lạnh.
Sự thất bại này là tất yếu, bởi lẽ, phim hài Việt ngày nay chỉ giống như một vở kịch nói thường chiếu trên khung giờ giải trí của các đài truyền hình. Các diễn viên cũng đã bộc lộ mình và quen mặt với khán giả qua nhiều gameshow giải trí, việc phim không đột phá mà chỉ tập trung vào yếu tố gây cười là điều không cần thiết.
3D Cung tâm kế,
Táo Quậy là minh chứng rõ nét cho nhận định này.
Phim tình cảm gia đình cần được chú trọng
Thành công của Cua Lại Vợ Bầu cho thấy sức hút đến từ dòng phim chính kịch tình cảm (có yếu tố hài). Khán giả trẻ đã có nhiều quan tâm đặc biệt với thể loại phim này. Dẫu vậy, về phía kịch bản, nhiều phim điện ảnh Việt trong năm qua đều có yếu tố vay mượn hoặc là phiên bản làm lại của một tác phẩm nổi tiếng khác. Đây là yếu tố cần hạn chế, việc làm lại phim có thể được sử dụng trong các tác phẩm điện ảnh tên tuổi nhưng việc làm lại phim chỉ dựa trên yếu tố ăn khách là việc làm có thể gây 'thui chột' khả năng sáng tạo của các biên kịch trong nước.
Phim độc lập cũng cần chú trọng
Thất bại của Trời Sáng Rồi Ta Ngủ Đi Thôi không nói lên khả năng phát triển của dòng phim độc lập. Ảnh: Galaxy Studios
Có thể thấy, phim độc lập như một cuộc chơi tách biệt. Nhiều bộ phim được sản xuất không nhằm mục đích doanh thu mà chỉ để thể hiện tư tưởng của nhà làm phim. Dẫu vậy, phim độc lập không có nghĩa tất cả đều sẽ là những tác phẩm hay. Các phim độc lập của Việt Nam thường chỉ đóng khung trong một số chủ đề như tình cảm hay gia đình và đa phần không chứa đựng các giá trị phản ánh thực tại. Đây là yếu tố khiến phim độc lập Việt Nam chưa đủ sức bật so với các nền điện ảnh khác.
Các chủ đề mới cần được khai phá
Nhiều nền điện ảnh khác trên thế giới rất được chú ý khi tiến hành khai tác các chủ đề mới lạ. Trong đó, Pháp là một trong những nền điện ảnh thường xuyên có những tác phẩm đột phá về nhiều loại hình thể hiện lẫn nội dung đề cập. Thụy Điển, Mexico hay Israel cũng có những tác phẩm thú vị về các đề tài như tội phạm, trinh thám hoặc đấu tranh tâm lý. Các biên kịch Việt Nam cần có những sáng tạo sâu và mới hơn về nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.
Qua nhiều đề xuất và khiến nghị cũng như những sự cố trong năm qua, cánh cửa mới đang chờ đón phim điện ảnh trong thập kỷ tới. Việc kiểm duyệt, thẩm định và quy chế phát hành mới có thể sẽ được ban hành, các doanh nghiệp sản xuất phim tại Việt Nam rất cần nắm bắt nhanh chóng kịp thời cơ hội này để nâng tầm nền điện ảnh Việt Nam.