Những thách thức của nền điện ảnh toàn cầu năm 2021

Những thách thức của nền điện ảnh toàn cầu năm 2021

Năm 2021 đã sắp qua đi, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp nền điện ảnh toàn cầu đối mặt với những thách thức khổng lồ gây ra bởi Covid-19. Hàng loạt rạp chiếu phim đóng cửa, các bom tấn lớn không đạt kỳ vọng hay Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ là những câu chuyện lớn của năm qua.

Hiểu biết11:15 14/12/21

Năm 2021 - năm thứ 2 của đại dịch COVID-19. Thế giới tiếp tục oằn mình chống lại sự gia tăng của các ca lây nhiễm cũng như lượng người tử vong. Mặc dù đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó với thảm họa và mật độ bao phủ vắc-xin tăng cao ở rất nhiều quốc gia, tuy nhiên, từ Delta cho đến gần đây là Omicron, mối đe dọa mang tên virus vẫn đang đeo bám đến cuộc sống của hàng tỷ người cũng như đe dọa nền kinh tế thế giới.

Hàng loạt các bom tấn đầu tư kinh phí lớn không thể ra rạp hoặc dù có phát hành nhưng không đạt được doanh thu như kỳ vọng, các nền tảng trực tuyến tiếp tục lên ngôi hay thị trường Trung Quốc vượt Mỹ về sức tiêu thụ là những gì mà ngành công nghiệp này đã đón nhận suốt một năm qua.

Rạp chiếu phim đóng cửa

Tháng 03 năm 2020, rạp chiếu phim tại Hoa Kỳ lần lượt đóng cửa do dịch bệnh bắt đầu càn quét quốc gia này. Đến tháng 05 cùng năm, nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu kế hoạch tương tự như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam...

Sự khó khăn trong việc tiếp cận khán giả khiến doanh số bán vé trở về con số 0. Điều này đặt áp lực lên hệ thống vận hành các rạp chiếu phim đặc biệt là các chuỗi rạp lớn với chi phí duy trì hàng tháng cao.

Tháng 04 năm 2021, hai hệ thống rạp chiếu nổi tiếng ở Hoa Kỳ là Arclight Cinemas và Pacific Theatres tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn các phòng chiếu của họ. Trong bài viết của mình, hãng cho biết đã không thể cầm cự sau khi phải đóng băng hoạt động kinh doanh của mình hơn một năm qua.

Tại Việt Nam, các chuỗi rạp như CGV, BHD, Lotte cũng gặp cảnh khó khăn do phải gồng gánh chi phí vận hành cao dù không thể thu về lợi nhuận. Tháng 06 năm nay, các "ông lớn" này phải cùng nhau kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ trong một văn bản kiến nghị. Ở thời điểm đó, CGV cho biết chỉ có thể được phép hoạt động 3 trên 81 cụm rạp chiếu. Cùng chung hoàn cảnh, BHD báo cáo mức thua lỗ từ 60 đến 70%.

Rạp chiếu phim trong nước cũng kiệt quệ vì COVID-19

Rạp chiếu phim trong nước cũng kiệt quệ vì COVID-19

Mặc dù thị trường điện ảnh Việt Nam đã có khoảng thời gian hồi phục vào dịp cuối năm 2020 đầu năm 2021 tuy nhiên sự ảnh hưởng là không thể tránh khỏi bởi làn sóng dịch bệnh thứ 3 và 4 càn quét. Cho đến nay, vẫn còn nhiều cụm rạp chưa thể mở cửa hoạt động trở lại cùng với đó là lượng phim điện ảnh nổi bật phục vụ giải trí thiếu hụt cũng như cạnh tranh từ mô hình trực tuyến xuyên suốt hai năm qua phần nào đã khiến thói quen của người tiêu dùng bị thay đổi.

Những chiến lược phát hành phim mới

Walt Disney, Warner Bros, Sony Pictures là 3 cái tên đại diện cho 3 chiến lược phát hành phim mới trong năm qua.

Trong đó, Walt Disney - "ông trùm" trong lĩnh vực truyền thông và giải trí toàn cầu đã nhanh chóng đẩy mạnh độ tiếp cận khán giả cho nền tảng trực tuyến đến từ cùng tập đoàn mang tên Disney+. Trong 2 năm ra mắt dịch vụ, lượng người dùng đã phát triển chóng mặt, vượt mốc 120 triệu vào tháng 11 vừa qua. Disney cho thấy sự linh hoạt trong chiến lược ra mắt các dự án quan trọng của mình. Hãng đã lựa chọn kết hợp kịp thời giữa việc phát hành trực tuyến nhưng vẫn giữ được khoảng thời gian cần thiết cho các bộ phim tạm thu hồi vốn tại rạp.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh ở mặt trận phòng vé truyền thống vốn là thế mạnh của hãng lại không mang về thành tích đáng kể. Với 10 dự án lớn cùng kinh phí sản xuất ước tính lên đến 1.1 tỷ USD trong năm vừa qua, Disney hiện mới chỉ thu về gần 2 tỷ USD. Sự chậm chễ sau nhiều lần hoãn chiếu cũng như không được tiếp cận thị trường Trung Quốc là lý do chính khiến cho hàng loạt bộ phim ghi nhận mức doanh thu kém kỳ vọng.

Trái ngược với thành tích yếu kém của các dự án điện ảnh, ở mặt trận truyền hình và trực tuyến, Disney+ đã bước đầu mang đến "trái ngọt". Hàng loạt các dự án ra mắt trong năm qua trên nền tảng này nhận về đánh giá tích cực từ người hâm mộ và giới chuyên môn. Trong đó có những cái tên như WandaVision, Loki hay The Mandalorian...

WandaVision - hiện tượng của phim truyền hình năm qua

WandaVision - hiện tượng của phim truyền hình năm qua. Ảnh: Disney

Warner Bros - đơn vị sở hữu nhiều dự án nổi bật nhất năm qua với 18 phim quan trọng, kinh phí ước tính gần 1 tỷ USD tuy nhiên doanh thu phòng vé thận chí còn thấp hơn, hiện chỉ đạt chưa đầy 1.7 tỷ USD. Nhiều chuyên gia nhận định, ngoài yếu tố kịch bản, việc triển khai kế hoạch phát hành đồng thời tất cả các phim trong năm trên nền tảng trực tuyến HBO Max song song với thời điểm ra rạp cũng là yếu tố khiến cho doanh thu của hãng bị sụt giảm.

Các dự án của Warner Bros đều thu nhận tiếng vang lớn với dàn diễn viên tên tuổi, có sức hút tuy nhiên chỉ có thể dừng lại ở mức tạm hòa vốn hoặc thất bại.

Justice League của Warner Bros là một cột mốc vừa đáng nhớ nhưng cũng cần quên của điện ảnh thế giới năm qua

Justice League của Warner Bros là một cột mốc vừa đáng nhớ nhưng cũng cần quên của điện ảnh thế giới năm qua. Ảnh: WB

Kể từ khi bắt đầu dịch bệnh, Warner Bros đã rất nhanh chóng thúc đẩy các dự án điện ảnh của họ sớm ra mắt. Hồi năm 2020, hãng tự tin với kế hoạch phát hành cho Tenet với chiến lược khôi phục lại phòng vé không chỉ trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, hãng đã gặp thất bại lớn khiến chính đạo diễn Christopher Nolan không hài lòng và quyết định rời bỏ sau nhiều năm cộng tác ở các dự án lớn rất thành công trước đó.

Bất chấp sự phản đối của hàng loạt những nhà làm phim cũng như các hệ thống rạp chiếu, kế hoạch của Warner Bros vẫn triển khai với các dự án điện ảnh lớn, từng được kỳ vọng sẽ cứu vớt phòng chiếu như Godzilla vs Kong, Space Jame: A New Legacy, The Suicide Squad hay Dune và sắp tới là The Matrix: Resurrections.

Sự căng thẳng trong mối quan hệ nhà phát hành - rạp chiếu phim đã kéo dài từ năm 2020 và quyết định của Warner Bros như đang thêm dầu vào lửa. Điều này khiến cho hãng phim đã nhanh chóng phải ký kết một thỏa thuận mới vào hồi đầu năm.

Theo đó, Warner Bros sẽ hợp tác với các nhà rạp tại Hoa Kỳ cho khung thời gian 45 ngày độc quyền trước khi bộ phim tiếp cận với các nền tảng trực tuyến kể từ năm 2022 tới đây. Thỏa thuận này sau đó kéo theo nguyên mẫu cho nhiều đơn vị khác như Paramount Pictures, MGM, Walt Disney... Trước khi đại dịch, khoảng thời gian độc quyền này có thể kéo dài đến 90 hoặc 120 ngày tùy thuộc vào độ phổ biến của phim.

Trái ngược với những chiến lược táo bạo kể trên của Warner Bros và Walt Disney, do không sở hữu nền tảng trực tuyến riêng cũng như không có kế hoạch triển khai sớm một hệ thống như vậy, Sony Pictures đã trải qua năm 2021 dường như khá "chật vật".

Sony Pictures chấp nhận bán những tác phẩm từng đặt nhiều kỳ vọng cho các nhà phát hành trực tuyến khác

Sony Pictures chấp nhận bán những tác phẩm từng đặt nhiều kỳ vọng cho các nhà phát hành trực tuyến khác

Nhà phát hành này đã buộc phải bán nhiều dự án lớn, rất được kỳ vọng của mình như The Mitchells vs. the Machines, Vivo hay Wish Dragon cho Netflix, Cinderella, Hotel Transylvania 4 cho Prime Video.

Cùng với đó, hãng cũng đã ký một thỏa thuận với Netflix kéo dài nhiều năm và dự kiến bắt đầu vào năm 2022 tới đây. Theo đó, nhiều dự án điện ảnh lớn của Sony sẽ cập bến Netflix sau khoảng thời gian chiếu độc quyền tại rạp trong đó bao gồm những tác phẩm nhận được nhiều sự quan tâm như Morbius , Uncharted hay phần tiếp theo của phim hoạt hình Spider-man: Into the Spider-verse.

Những thương vụ bán mình

Năm 2021 tiếp tục ghi dấu những thương vụ bán mình của các hãng phim và nền tảng lâu đời. Trong đó nổi bật nhất là vụ mua lại hãng phát hành Warner Bros của tập đoàn Discovery (đơn vị sở hữu kênh truyền hình Discovery và Animal Planet) với giá trị 43 tỷ USD từ AT&T.

Việc sang nhượng này ở thời điểm đó được xem như một quyết định bất ngờ và không đem lại bất kỳ giá trị kinh tế nào đáng kể cho AT&T. Trước đó, vào năm 2018, tập đoàn viễn thông hàng đầu nước Mỹ đã chi ra 85 tỷ USD để mua lại hãng phim này cũng như liên tục rót tiền nhằm ra mắt nền tảng trực tuyến HBO Max vừa qua.

Nhiều chuyên gia lo ngại sự kiện sáp nhập này có thể là bước đi sai lầm cho cả hai bên khi Discovery là một công ty chuyên cung ứng các nội dung không kịch bản và thu phí qua dịch vụ truyền hình cáp còn Waner Bros lại phát triển như một xưởng phim với các nhượng quyền thương mại rộng lớn. Dẫu vậy, trong bối cảnh thói quen giải trí của khán giả và các phương thức kinh doanh truyền thống trong ngành nội dung hiện đang có nhiều thay đổi rất lớn, Discovery có thể là làn gió mới giúp làm phong phú thêm thị trường có giá trị hàng trăm tỷ đô-la Mỹ này.

Cùng chung cảnh ngộ, trước đó hồi cuối năm 2020, trong một thông báo gửi truyền thông, MGM cho biết hãng đang gặp khó khăn trong vấn đề phân phối các bộ phim điện ảnh, đặc biệt là những tác phẩm lớn như No Time To Die.

Những bộ phim kinh phí lớn trở thành gánh nặng của các hãng phát hành trong 2 năm qua do không thể ra rạp đúng kế hoạch. Ảnh: MGM

Những bộ phim kinh phí lớn trở thành gánh nặng của các hãng phát hành trong 2 năm qua do không thể ra rạp đúng kế hoạch. Ảnh: MGM

Thời gian trì hoãn ra mắt kéo dài khiến cho hãng khó lòng thu hồi lợi nhuận bất kể doanh thu khả quan đến đâu. Điều này tạo áp lực lên hệ thống vận hành vốn đã nhiều khó khăn do dịch bệnh của hãng. Trong bản báo cáo được WSJ đăng tải, MGM cho biết hãng định giá mình ở mức 5.5 tỷ USD và mong muốn sẽ được mua lại bởi một nền tảng stream nào đó. Đến tháng 05 năm nay, Amazon - đơn vị sở hữu nền tảng Prime Video, đã quyết định vào cuộc với một thương vụ trị giá 8.5 tỷ USD.

Sự kêu cứu của MGM như một bức tranh minh họa cho tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí - điện ảnh năm qua.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Năm thứ 2 liên tiếp, Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Đây cũng là năm tiếp theo, thị trường này sở hữu tác phẩm điện ảnh có doanh thu cao nhất thế giới.

Trong năm 2020, Bát Bách - một dự án đề tài chiến tranh, vượt Bad Boys For Life để trở thành tác phẩm có doanh thu phòng vé cao nhất năm với hơn 460 triệu USD thu về. Đến năm nay, dự án Hồ Trường Tân tiếp tục vượt mặt No Time To Die với gần 900 triệu USD để dẫn đầu thị trường điện ảnh thế giới.

Điểm đáng lưu ý ở đây, khoản doanh thu của các bộ phim do Trung Quốc sản xuất kể trên gần như đến hoàn toàn từ thị trường quốc nội trong khi các phim Hollywood phát hành có thành tích phòng vé quốc tế thường cao hơn rất nhiều doanh thu trong nước.

Sự lên ngôi của thị trường Trung Quốc đến từ nhiều yếu tố trong đó có sự mở cửa có kiểm soát của ngành chiếu phim tại quốc gia này. Tính độc quyền và ưu thế phòng vé cùng lượng lớn tác phẩm khai thác đề tài phù hợp với thị yếu trở thành bàn đạp thúc đẩy mạnh mẽ cho Trung Quốc trong nhiều năm qua. Phim điện ảnh Trung Quốc vì thế cũng nhận được sự đầu tư nghiêm túc từ chính quyền địa phương.

Trung Quốc hiện được xem là vẫn còn nhiều dư địa phát triển, trong đó các thị trường vùng sâu vùng xa và hệ thống phân phối phim quốc tế là những cánh tay nối dài giúp phim nước này phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nền điện ảnh quốc gia tỷ dân cũng mạnh dạn khai thác những đề tài mới lạ, các câu truyện giả tưởng và lĩnh vực hoạt hình cũng được đầu tư phát triển mạnh mẽ trong các năm trở lại đây.

Những rào cản văn hóa tiếp tục mở rộng

Năm 2021, khi thế giới oằn mình chống lại những hậu quả to lớn của COVID-19, thì những tư tưởng và rào cản văn hóa ngày càng to lớn khiến cho điện ảnh tiếp tục trở nên phân cực mạnh mẽ.

Trung Quốc tiếp tục là quốc gia đi đầu trong việc kiểm duyệt và phân loại phim. Nước này liên tiếp từ chối các dự án điện ảnh nước ngoài, không chỉ nhằm mục đích mở đường cho phim quốc nội mà còn nhằm hiện thực hóa những tư tưởng được xem như kim chỉ nam trong việc quản lý văn hóa.

Các nhà chức trách tại đây thực hiện một cuộc cải cách văn hóa mạnh mẽ nhằm vào giới nghệ sĩ ở đất nước này. Nhiều người nổi tiếng bị điều tra, hàng loạt các sai phạm được đưa ra và từ đó hình thành hàng lang quan trọng trong việc định hướng văn hóa - nghệ thuật tại Trung Quốc.

Những ngôi sao từng là thần tượng trên toàn cầu vướng vòng lao lý trong năm 2021

Những ngôi sao từng là thần tượng trên toàn cầu vướng vòng lao lý trong năm 2021

Đất nước này tiếp tục thực hiện các chính sách kiểm duyệt gắt gao. Hạn chế phim nước ngoài có yếu tố chính trị, tôn giáo cũng như các vấn đề liên quan đến người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung. Trung Quốc thậm chí còn kiểm duyệt các tác phẩm tại Hồng Kông - chính sách được cho là thực thi theo Điều Luật An Ninh Quốc Gia mới ban bố của nước này.

Nhiều tác phẩm vốn được phát hành tại Trung Quốc trong nhiều năm qua như loạt phim dành cho trẻ em Thám tử Lừng danh Conan, một số tập của Gia đình Simson hay Heo Papa cũng nằm trong danh sách bị cấm lưu hành tại Trung Quốc. Đất nước này cũng đã không phát sóng hay đưa tin về chiến thắng mang tính quan trọng của Chloé Zhao tại Lễ trao giải Oscar hồi đầu năm do những quan điểm trái chiều từng được đưa ra của cô về Trung Quốc.

Cùng với đó, nhiều bộ phim do Hollywood sản xuất có chủ đề liên quan đến LGBT cũng đã bị các quốc gia Trung Đông từ chối phát hành trong năm vừa qua.

Cách đây vài tuần, cơ quan kiểm duyệt tại Nga được tố cáo đã tiến hành chặn một trang web của Liên hoan Phim Quốc tế về LGBT. Đất nước này nhiều năm trở lại đây đều không có quan điểm cởi mở về vấn đề này và dường như, những rào cản vẫn sẽ tiếp tục được dâng cao tại xứ sở bạch dương.

Những tai nạn và cuộc đình công lịch sử

Cuối tháng 10, một tai nạn hy hữu diễn ra trên phim trường Rust khiến cho một nữ quay phim thiệt mạng và đạo diễn phim bị thương. Tai nạn này làm dấy lên những lo ngại liên quan đến việc sử dụng súng trên phim trường Hollywood.

Nhiều nhà làm phim đã phẫn nộ đồng thời lên tiếng ủng hộ thông qua đạo luật cấm sử dụng súng thật trên trường quay cũng như thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho những người làm việc trên phim trường.

Cũng trong tháng đó, Liên minh Quốc tế về Nhân viên sân khấu (IATSE) - đại diện cho hàng trăm nghìn người làm việc trong ngành điện ảnh và truyền hình của Hollywood đã thông báo về một cuộc đình công nhằm đòi quyền lợi chính đáng cho các thành viên của mình.

Trước đó, nhiều người phản ánh về môi trường làm việc không đảm bảo an toàn, mức lương thấp không đủ sống cùng thời gian lao động dài là những gì họ phỉa chịu đựng khi tham gia vào các ekip sản xuất phim. Cùng với đó, sự gia tăng các dự án chiếu mạng cũng phần nào khiến cho thu nhập của các nhân viên làm phim bị giảm sút.

Vui lòng chờ! Đang tải...
Vui lòng chờ! Đang tải...
Từ năm 2018
Phiên bản 23.05
Theo dõi Cinematone trên:
Hotline: 0927 20 12 18
Thiết kế và phát triển bởi Christ Design
Vận hành bởi Cinematone.info
Nội dung đang được tải...